Trung Quốc công bố danh sách mới nhất về 20 ngân hàng quan trọng trong hệ thống

(Banker.vn) Ngày 22/9, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết các cơ quan quản lý Trung Quốc đã công bố danh sách mới nhất các ngân hàng quan trọng trong hệ thống, bao gồm 20 ngân hàng với mục đích tăng cường quản lý an toàn vĩ mô và cải thiện việc giám sát các tổ chức này.

Theo danh sách do PBOC và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia công bố, có 6 ngân hàng thương mại nhà nước, 9 ngân hàng thương mại cổ phần và 5 ngân hàng thương mại đô thị.

Các nhà quản lý chia các ngân hàng thành 5 nhóm theo mức độ quan trọng tăng dần.

Nhóm đầu tiên bao gồm 10 ngân hàng như China Everbright Bank, China Minsheng Bank, Ping An Bank, Huaxia Bank cùng các ngân hàng khác.

Nhóm thứ hai bao gồm 3 ngân hàng: China CITIC Bank, Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải (Shanghai Pudong Development Bank) và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (Postal Savings Bank of China).

Nhóm thứ ba bao gồm 3 đơn vị: Ngân hàng Communications, Ngân hàng Thương mại Trung Quốc (China Merchants Bank) và Ngân hàng Công nghiệp.

Nhóm thứ tư bao gồm 4 ngân hàng lớn: Ngân hàng Công thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China), Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China)

Không có ngân hàng nào được liệt kê vào nhóm thứ năm.

Các ngân hàng quan trọng trong hệ thống có các đặc trưng sau: quy mô lớn, độ phức tạp trong kinh doanh cao, mối tương quan chặt chẽ với các tổ chức tài chính khác và vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trong việc cung cấp dịch vụ trong hệ thống tài chính. Hoạt động ổn định của những ngân hàng này là rất quan trọng đối với sự ổn định chung của hệ thống tài chính Trung Quốc.

PBOC tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với Cơ quan quản lý tài chính nhà nước để đảm bảo việc giám sát bổ sung đối với các ngân hàng quan trọng trong hệ thống đạt hiệu quả. Điều này sẽ liên quan đến việc thúc giục các tổ chức này đáp ứng các yêu cầu về vốn bổ sung và tỷ lệ đòn bẩy theo quy định, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro và khả năng hấp thụ tổn thất.

Những nỗ lực chung về quản lý an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô sẽ được khai thác để thúc đẩy hoạt động ổn định và phát triển lành mạnh của các ngân hàng quan trọng trong hệ thống. Điều này nhằm mục đích củng cố nền tảng cho sự ổn định của hệ thống tài chính và hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của nền kinh tế thực.

H.Y

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục