Trúng gói thầu khủng tại Cần Thơ, năng lực của CEE, Quốc Đại ra sao?

(Banker.vn) Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII - công ty con của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII) vừa liên danh với Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung, Công ty TNHH MTV Quốc Đại trúng gói thầu hơn 619 tỷ đồng tại Cần Thơ. Đây là gói thầu xây lắp quy mô lớn, năng lực của các nhà thầu này ra sao?
Trúng gói thầu xây dựng đường vành đai phía Tây 620 tỷ đồng, Liên danh Phú Tài Miền Trung là ai?
Phối cảnh cầu Ba Láng, một trong các gói thầu của Dự án Đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ.

Gói thầu trăm tỷ, tiết kiệm thấp sau đấu thầu

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Cần Thơ vừa ký quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu Gói thầu 16: Thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km03+000-Km06+080) (bao gồm dự phòng phí), thuộc Dự án Đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C).

Đây là Dự án thuộc nhóm A, loại công trình: đường đô thị, đường phố gom, công trình giao thông cấp II (tốc độ thiết kế 50 km/h). Dự án được xây dựng đi qua các địa phương: quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Với tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,4 km, trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn (bao gồm 49 đơn nguyên cầu) và các cống thoát nước theo địa hình.

Điểm đầu giao với Quốc lộ 91 (tại Km20+370 Quốc lộ 91) và giao với Đường tỉnh 922, còn điểm cuối giao với Quốc lộ 61C (tại Km1+400 Quốc lộ 61C). Theo Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ - chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự án hơn 3.837 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác là 1.392 tỷ đồng.

Sở cũng cho biết, dự kiến thời hạn hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Mới đây, ngày 17/11, chính quyền Cần Thơ đã tổ chức Lễ khởi công các gói thầu thuộc Dự án đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ.

Trở lại với Gói thầu 16, đây là gói thầu có giá dự toán 620.338.865.034 đồng (hơn 620 tỷ đồng). Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi (trực tiếp), theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Đây là loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Thời gian thực hiện 900 ngày.

Sau khi nộp hồ sơ dự thầu, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phú Tài miền Trung – Công ty TNHH MTV Quốc Đại – Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII được lựa chọn là đơn vị thực hiện với giá trúng thầu 619.965.754.558 đồng, tương ứng giảm 373.110.476 đồng (hơn 373 triệu đồng) cho ngân sách nhà nước.

Với quy mô “khủng” của dự án, cũng như giá trị của gói thầu và tỷ lệ giảm giá quá “mỏng manh” chỉ có 0,06%, hơn tuần nay, dư luận đang dồn sự chú ý vào Liên danh nhà thầu trên.

CEE – thành viên hoạt động kém hiệu quả nhất của CII

Nổi bật trong đó, Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII vốn là thương hiệu được nhiều người biết tới. Đây là công ty con của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuận TP.HCM (HOSE: CII), và từng có thời gian dài niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán với mã CEE.

Theo tìm hiểu, CEE tiền thân là Công ty Đầu tư và Kinh doanh Công trình Giao thông 565, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thành lập năm 2000. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông, nước, công nghiệp, dân dụng.

Năm 2007, CII bắt đầu nhảy vào thâu tóm 30% cổ phần. Kể từ đó, CEE tập trung tham gia xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng do CII làm chủ đầu tư. Năm 2013, CII tăng tỷ lệ sở hữu lên quá bán và biến CEE thành công ty con, đồng thời đổi tên như hiện tại.

Ngày 15/5/2017, CEE chính thức “chào sàn” HOSE với giá tham chiếu 22.300 đồng/cổ phiếu, trên 41,5 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Đến tháng 7/2022, CEE bất ngờ hủy niêm yết tự nguyện trên HOSE trong bối cảnh tình hình kinh doanh sa sút.

Trúng gói thầu khủng tại Cần Thơ,  năng lực của CEE, Phú Tài Miền Trung, Quốc Đại ra sao?
Sau gần 5 năm lên sàn, tháng 7/2022, CEE bất ngờ hủy niêm yết tự nguyện trên HOSE trong bối cảnh tình hình kinh doanh sa sút.

Theo số liệu hợp nhất, dưới sự điều hành của CII, CEE tỏ ra khó nhọc trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Ngay cả khi doanh thu đạt đỉnh 1.183 tỷ đồng năm 2018, chi phí giá vốn cũng đột ngột tăng theo và xóa sạch sự khả quan này, dẫn tới lợi nhuận sau thuế chỉ còn 4 tỷ đồng, giảm mạnh 95% so với năm trước đó.

Đã như vậy, CEE gánh lỗ đến 63,7 tỷ đồng ở năm kế tiếp, nguyên nhân bởi doanh thu giảm gần một nửa xuống còn 684 tỷ đồng.

Đáng nói năm 2020, ngược dòng với làn sóng suy thoái toàn cầu, CEE vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid và công bố kết quả kinh doanh tích cực với 827 tỷ đồng doanh thu và 28 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Điều này khá bất ngờ bởi nhóm ngành xây dựng, phát triển hạ tầng - được xem là chịu tác động nặng nề nhất.

Năm 2021, sự ảm đạm quay lại bao trùm CEE, doanh thu và cả lợi nhuận đều đồng loạt giảm sâu, lần lượt về còn 604 tỷ đồng và 4,1 tỷ đồng.

Không chỉ tình hình kinh doanh kém sắc, bên cạnh đó, cấu trúc vốn của CEE cũng đang khá èo uột. Cuối năm 2021, CEE ghi nhận 1.700 tỷ đồng nợ phải trả, trong khi vốn chủ sở hữu ở mức 434 tỷ đồng. Tổng nợ vay của doanh nghiệp rất cao, với 1.015 tỷ đồng vay ngắn hạn và 214 tỷ đồng vay dài hạn, tương ứng dư nợ cao gấp 3 lần vốn tự có.

CEE có xu hướng tăng cường vay mượn trong 3 năm gần đây (2019-2021), nguyên do là để bù đắp dòng tiền kinh doanh liên tục thiếu hụt vì âm nặng. Có thể nói, khả năng sinh lợi hạn chế, việc ngày càng sống dựa vào nợ vay là tác nhân đẩy tình hình ở CEE trở nên căng thẳng.

Quốc Đại - nhà thầu ‘quen mặt’ của Cần Thơ

Trong Liên danh nhà thầu trúng gói xây dựng 619 tỷ đồng từ Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ nêu trên, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Công ty TNHH MTV Quốc Đại (Công ty Quốc Đại) - nhà thầu quen thuộc với chính quyền TP. Cần Thơ.

Công ty Quốc Đại được lèo lái bởi bà Trần Thị Thu Thủy (SN 1970), Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Đại bản doanh của Công ty Quốc Đại nằm ở tỉnh Hậu Giang, cũng là nơi thường trú của bà Thủy.

Theo thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Công ty Quốc Đại trúng gói thầu xây lắp đầu tiên tại Ban Quản dự án đầu tư xây dựng 2 TP. Cần Thơ trị giá 12.589.678.000 đồng (12,5 tỷ đồng) hồi tháng 9/2017. Với tỷ lệ giảm giá chưa đầy 0,5% cho gói thầu chục tỷ, Công ty Quốc Đại tự tin tham dự thêm nhiều gói thầu khác và liên tiếp giành chiến thắng.

Trúng gói thầu khủng tại Cần Thơ,  năng lực của CEE, Phú Tài Miền Trung, Quốc Đại ra sao?
Trúng các gói thầu lên đến chục nghìn tỷ đồng, song lợi nhuận công bố của nhà thầu đều "bé hạt tiêu".

Từ năm 2017 - đến nay, Công ty Quốc Đại đã trúng đến 35 gói thầu (trong vai trò độc lập hoặc liên danh), tổng giá trị trên 1.700 tỷ đồng và chỉ trượt thầu hai lần tại Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Cái Răng. Trong cả hai lần đó, Công ty Quốc Đại đều ngậm ngùi chịu thua trước Công ty CP Xây dựng Phúc Hậu.

Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Cái Răng vốn cũng là chủ đầu tư/bên mời thầu quen thuộc của Công ty Quốc Đại, với tổng cộng 6 lần trúng thầu, trị giá gần 180 tỷ đồng. Tiếp đến là Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất quận Ô Môn (trúng 5 gói thầu), Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Bình Thủy (trúng 3 gói thầu)... với tỷ lệ tham dự và trúng thầu tuyệt đối.

Theo dữ liệu phóng viên thu thập, Công ty Quốc Đại làm nên những thành tích nổi trội như vậy với số vốn điều lệ "hạt tiêu"... 8 tỷ đồng.

Trong khi đó, ba năm gần đây (2019-2021), trung bình mỗi năm doanh thu thuần của nhà thầu rơi vào khoảng 190 tỷ đồng, lợi nhuận thu về trên 1 tỷ đồng.

Vốn tự có khiêm tốn, cộng thêm 15 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, vốn chủ sở hữu của Công ty Quốc Đạt cũng chỉ đạt 23 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2021. Nhằm thu xếp nguồn lực thực hiện các gói thầu trên, nhà thầu buộc phải gọi vốn từ bên ngoài, qua đó nợ phải trả tăng lên 175 tỷ đồng, gấp 7,6 lần vốn chủ sở hữu suốt nhiều năm qua.

Trong số chủ nợ lớn nhất của Công ty Quốc Đại là những nhà băng như: Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) - Chi nhánh Cần Thơ và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Hậu Giang.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục