Trợ cấp hưu trí xã hội cho công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu

(Banker.vn) Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu.
Nhóm đối tượng không có lương hưu nào được đề xuất trợ cấp hưu trí? Bộ Tài chính đề nghị rà soát kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp

Hướng tới xây dựng BHXH đa tầng

Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã xác định là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đồng thời tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ. Đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Trợ cấp hưu trí xã hội cho công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu
(Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2022, toàn quốc có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Vì vậy, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm.

Ngoài ra, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng do Quỹ BHXH chi trả cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế (BHYT).

Cụ thể, người lao động có thời gian đóng BHXH là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bình quân như hiện nay (5.800.000 đồng), nếu người lao động không hưởng BHXH một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng thì có thể được hưởng với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.

Tại báo cáo đánh giá tác động bổ sung, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ước tính, số người từ đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng ước tính đến năm 2025 là khoảng 800.000 người và đến năm 2030 là khoảng trên 900.000 người.

Kinh phí dự kiến được xác định dựa trên số người hưởng và mức trợ cấp hàng tháng là 360.000 đồng/người/tháng. Với mức đó, kinh phí từ ngân sách để thực hiện trong 6 tháng năm 2025 là khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 20,5 nghìn tỷ đồng.

Nếu bao gồm cả kinh phí đóng BHYT thì kinh phí của năm 2025 (6 tháng) khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 21,5 nghìn tỷ đồng. Trong trường hợp xác định dựa trên số người hưởng và mức trợ cấp hằng tháng tăng lên 500.000 đồng/người/tháng, ước tính kinh phí của năm 2025 (6 tháng) khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, của cả giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 30.000 tỷ đồng.

11 nội dung lớn của Luật BHXH sửa đổi

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Luật BHXH nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về BHXH. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự thảo Luật BHXH sửa đổi bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật BHXH sửa đổi cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; về căn cứ đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả...

Dự kiến, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp khai mạc cuối tháng 10; Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp đầu năm 2024; các điều luật sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương