Trình Quốc hội sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5

(Banker.vn) Sẽ trình Quốc hội sửa đổi Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 5.
Năm 2023: Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, quy hoạch cán bộ chiến lược Quy định mới về Lấy phiếu tín nhiệm Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm: Nâng cao trách nhiệm từ ba phía

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5/2023 và bế mạc vào ngày 23/6/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023. Đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023.

Sẽ trình Quốc hội sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Khoảng cách giữa 2 đợt họp là 5 ngày làm việc để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương (trong đó, ưu tiên bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội thông qua vào đợt 1 của kỳ họp).

Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có việc xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 5. Đây là một nội dung mới được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của kỳ họp.

Việc sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để đồng bộ với Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2 vừa qua với nhiều nội dung mới.

Quy định 96 của Bộ Chính trị quy định chặt chẽ hơn về hệ quả đối với người lấy phiếu tín nhiệm.

Cụ thể, đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì ngoài việc "đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn" như quy định cũ, Quy định 96 quy định rõ: Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm (với 2 mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm) theo quy định.

Đối với trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn sẽ được tiến hành tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Dự kiến khoảng 50 chức danh sẽ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, công tác chuẩn bị nội dung Kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục