Triệt phá đường dây sản xuất thuốc tân dược giả, thu giữ 2,2 tấn phụ gia, tá phẩm

(Banker.vn) Các đối tượng thu mua thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường rồi tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin, tạo thành loại thuốc mới.
Buôn bán thuốc giả: Khung hình phạt cao sao vẫn không sợ? Làm sao để chấm dứt tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả?

Ngày 16/8/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt tạm giam 7 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh giả.

Theo đó, 7 đối tượng bị Công an TP. Thanh Hóa bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Hưng, (sinh năm 1990) và Nguyễn Hoàng Chung (sinh năm 2006), đều trú tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông; Trương Quốc Phong Dinh (sinh năm 1997) và em trai Trương Quốc Dũng (sinh năm 1998), đều trú tại phường Long Hòa, quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ; Nguyễn Thị Kiều Trang (sinh năm 1991) trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội; Nguyễn Văn Tài (sinh năm 1998) trú tại xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và Ngô Tiến Thành (sinh năm 1990) trú tại xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

thuốc giả
Các đối tượng và tang vật trong vụ án sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược giả. (Ảnh: Thái Thanh)

Quá trình phá án, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thanh Hóa đã tiến hành khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là nơi sản xuất, cất giấu hàng hóa, nơi làm việc của các đối tượng trên địa bàn Hà Nội, Cần Thơ và Bến Tre.

Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ các sản phẩm thuốc tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh, gồm: 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg, 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 100 hộp thuốc Augxicine, 100 hộp thuốc Panadol Extra, 724 hộp thuốc Panactol dạng vỉ nén, 1.080 lọ thuốc Panactol.

Đồng thời, thu giữ nhiều nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc kháng sinh giả, gồm: 2,2 tấn phụ gia, tá phẩm; 1.000 tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Cefuroxim, 10 vỏ thùng vỏ hộp Panactol, và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất thuốc tân dược giả như: máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán...

Theo kết quả điều tra ban đầu, lợi dụng thói quen tự mua các loại thuốc chữa bệnh của người dân và sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc, Nguyễn Văn Hưng (đối tượng cầm đầu) đã cấu kết với Trương Quốc Phong Dinh thành lập Công ty TNHH dịch vụ y tế Tích Hợp, đăng ký trụ sở tại TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre để ngụy trang cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược giả. Hưng giao cho Dinh trực tiếp tìm nguồn mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, tá dược, in bao bì... để sản xuất thuốc tân dược giả.

Dưới vỏ bọc là dược sỹ chuyên mua bán thuốc cho các công ty dược, Trương Quốc Phong Dinh đã thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook... để thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường, sau đó dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc, tạo thành loại thuốc mới.

Ngoài ra, Dinh còn thu mua thuốc tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, sau đó ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn gốc của nhà sản xuất dán trên ống thuốc, đặt in và dán tem nhãn giả thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao.

thuốc giả
Lực lượng Công an kiểm tra số thuốc giả trong vụ án. (Ảnh: Thái Thanh)

Trong đường dây này, Hưng và Dinh phân công Trương Quốc Dũng (em trai Dinh), Nguyễn Văn Tài và Nguyễn Hoàng Chung trực tiếp đi thuê kho, xưởng làm địa điểm sản xuất tại khu vực vắng người trên địa bàn TP. Bến Tre và TP. Cần Thơ, sau đó thuê công nhân sản xuất là anh em người nhà hoặc người quen tại các địa phương này. Quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng sản xuất của công ty, không ra ngoài. Đồng thời, Dinh phân công vai trò cho từng người phụ trách từng khâu từ trộn thành phần, ép vỉ, ép màng kính, cắt vỉ...

Sau đó, Trương Quốc Phong Dinh thông qua các trang mạng xã hội để quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của các công ty chính hãng “tuồn” ra từ nguồn hàng thầu hoặc bán chạy doanh số trái khu vực không xuất được hóa đơn nên giao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng để tiêu thụ tại các đại lý thuốc ở các địa phương trên địa bàn cả nước. Bằng thủ đoạn trên, Hưng và Dinh đã bán ra ngoài thị trường một khối lượng lớn thuốc tân dược giả cho các đối tượng có nhu cầu và người tiêu dùng, đa phần hướng tới nhóm dược sỹ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc phía Bắc và phía Nam.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can nói trên về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh” quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Quốc Huy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục