Triển vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm

(Banker.vn) Mặc dù xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường vẫn giảm hai con số, tuy nhiên đà giảm đã chậm lại, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẵn sàng tăng tốc cho những tháng cuối năm.
Việt Nam nằm trong Top 4 nước cung cấp hàng đầu thủy sản vào UAE Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản
Doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu về chế biến sâu mặt hàng tôm XK. 	Ảnh: T.H
Doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu về chế biến sâu mặt hàng tôm XK. Ảnh: T.H

Tia sáng trong bức tranh u ám

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam tới hết tháng 7/2023 đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giảm sâu nhất vẫn là cá tra với 36%, tôm và cá ngừ giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7/2023, XK thủy sản ước đạt 830 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, XK tôm giảm 10% đạt khoảng 345 triệu USD, cá tra đạt 150 triệu USD, giảm 20%, cá ngừ giảm nhẹ 3% và các loại cá khác giảm 12% so với tháng 7/2022. Về góc độ thị trường, tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc, trong tháng 7/2023 tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 180 triệu USD. XK sang các thị trường chính khác vẫn thấp hơn 5%-40% so với tháng 7/2022.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, XK thủy sản trong hơn nửa đầu năm 2023 bằng mức 2019, nhưng giảm so với năm trước trên 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảng khó khăn hiện nay, doanh nghiệp không quá bi quan, phải chấp nhận thực tế tình hình thị trường để từ đó có thời gian chuẩn bị, củng cố tiếp cận thông tin đầy đủ, chuẩn bị tốt hơn cho cơ hội cuối năm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, kim ngạch XK của ngành tôm tăng rất tốt trong mấy chục năm, và năm 2022 đã vươn lên đạt trên 4 tỷ USD. Cái khó của các doanh nghiệp chế biến tôm năm nay bao gồm cả khách quan và chủ quan. Khách quan do lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới khiến cho sức cầu giảm mạnh, trong khi đó sức cung lại tăng từ Ấn Độ; Ecuador làm mất cân bằng cung, cầu khiến cho giá tôm giảm.

Với nguyên nhân chủ quan, dịch bệnh trong nuôi tôm khá nghiêm trọng khiến cho giá thành nuôi tôm của Việt Nam tăng cao, khó khăn ngoài dự kiến, kết hợp cả khách quan và chủ quan, khiến cho thách thức rất lớn… đối với ngành tôm.

Như dự báo của VASEP, thực tế hiện nay thủy sản XK đang phục hồi mặc dù tốc độ chậm, hy vọng sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm. Đã có nhiều điểm sáng trong bức tranh XK thủy sản, như: sản lượng đã gia tăng theo từng tháng; các thị trường bắt đầu có tín hiệu giải quyết được tồn kho; cùng với đó mùa lễ hội cuối năm sẽ gia tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Quan trọng nữa là thị trường Trung Quốc đang có sức tiêu thụ mạnh hơn. Hy vọng những tháng cuối năm đỡ u ám hơn.

Phát huy thế mạnh chế biến sâu

Chia sẻ về khâu sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước có 374 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường, với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thế mạnh của ngành hàng XK chủ lực này.

Đánh giá về khâu chế biến, ông Hồ quốc Lực cho rằng, thế mạnh của ngành tôm là nuôi tôm giỏi, nhất là tôm cỡ lớn, Tuy nhiên, tôm lớn lại đang giảm giá mạnh, hơn 1/3, do các nước khác cũng tập trung vào thế mạnh này của Việt Nam. “Đặc biệt, điểm sáng quan trọng là trình độ chế biến tôm của doanh nghiệp Việt Nam cao nhất trong các nước, đẳng cấp chế biến sâu của Việt Nam rất tốt. Chính vì thế, ở phân khúc thị trường lớn, hàng Việt Nam chiếm thị phần cao nhất. Tuy nhiên, các đối thủ cũng đang tìm mọi cách để cạnh tranh với sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam, nên bằng mọi cách phải có chiến lược về sản phẩm để có bước nhảy vọt hơn, bán được giá tốt”- ông Lực chia sẻ.

Bức tranh XK thủy sản đã có điểm sáng, tuy nhiên theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị thật tốt để tăng tốc khi thị trường phục hồi. Thứ nhất, đối với XK, tập trung lớn nhất là nguyên liệu, làm sao có đủ nguyên liệu chế biến khi thị trường phục hồi. Thứ hai, về thị trường, tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ với nhà nhập khẩu, giữ được thị trường có nhu cầu lớn để đẩy mạnh XK. Đối với ngành thủy sản, hiện nay quan tâm nhất là thị trường Trung Quốc, đây là thị trường trọng điểm xuất khẩu thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông có mức giảm thấp hơn 1 nửa so mức giảm chung, đạt 280 triệu USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ 2022. Thứ ba, tiếp tục củng cố các tiêu chuẩn, chất lượng thông qua các chứng nhận quốc tế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tính toán sách lược thị trường, tích cực liên kết trong ngành, tính toán phát triển chiều sâu, theo hướng kinh tế xanh, sản xuất đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trên thế giới… Ngoài giải pháp trước mắt, các doanh nghiệp cần phải tập trung chuẩn bị để đáp ứng ngay các xu thế mới hiện nay: môi trường, xã hội, quản trị để bước vào sân chơi thế giới.

Dự báo của VASEP, trong các tháng cuối năm 2023 yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho sẽ có xu hướng giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kỳ vọng kim ngạch XK thuỷ sản của Việt Nam nói riêng, mặt hàng tôm sẽ tăng trở lại. Dự kiến từ tháng 8 trở đi đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc sẽ tăng trở lại để phục vụ dịp Trung Thu, Quốc Khánh và các dịp lễ hội cuối năm. Chắc chắn năm nay XK thủy sản sẽ đạt mục tiêu 9 tỷ USD.

haiquanonline.com.vn

Theo: Báo Công Thương