Triển vọng nguồn cung kém tích cực, giá cà phê xuất khẩu phá mốc kỷ lục

(Banker.vn) Giá cà phê Robusta tăng 1,5%, vượt 5.500 USD/tấn - mức kết phiên cao nhất trong một tuần trở lại đây; giá cà phê Arabica cũng phá mốc kỷ lục lên 6.038 USD/tấn.
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh 52% Nguồn cung tại Việt Nam khan hiếm, giá cà phê xuất khẩu vượt đỉnh

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hai mặt hàng cà phê đã tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Trong đó, giá cà phê Robusta tăng 1,5%, vượt 5.500 USD/tấn - mức kết phiên cao nhất trong một tuần trở lại đây; giá cà phê Arabica tăng gần 2% so với tham chiếu lên 6.038 USD/tấn, xác lập mức giá cao kỷ lục mới. Thời tiết cực đoan, triển vọng nguồn cung kém tại các quốc gia sản xuất chính tiếp tục là nguyên nhân quan trọng hàng đầu hỗ trợ giá.

Các thương nhân Việt Nam cho biết, thời tiết hiện nay vẫn hỗ trợ cây trồng nhưng giao dịch khá trầm lắng. Một thương nhân ở vành đai cà phê Tây Nguyên cho biết, một số thương nhân đã bắt đầu tìm kiếm cà phê nhưng rất thận trọng vì một số vẫn đang đối mặt với vấn đề tài chính kể từ cuối năm ngoái khi giá bắt đầu tăng vọt, trong khi đó những người khác không chắc chắn về tình trạng thời tiết trong những ngày tới.

Nguồn cung thiếu hụt tại Brazil và Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu phá mốc kỷ lục
Triển vọng nguồn cung kém tích cực, giá cà phê xuất khẩu phá mốc kỷ lục

Việt Nam đang chiếm khoảng 30% nguồn cung Robusta toàn cầu, loại cà phê chủ yếu được sử dụng cho đồ uống hòa tan và pha trộn espresso. Tuy nhiên, hạn hán, tiếp theo là nhiều tuần mưa lớn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều vùng trồng ngay trước thềm vụ thu hoạch sắp bắt đầu vào tháng 10. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hơn 95% sản lượng của Việt Nam trong mùa vụ tới sẽ là cà phê Robusta.

Hãng tư vấn Hedgepoint dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt năm thứ 4 liên tiếp do khô hạn khiến sản lượng tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil và Việt Nam sụt giảm. Hedgepoint ước tính sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Brazil ở mức 63 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với vụ trước; sản lượng cà phê của Việt Nam là 27 triệu bao, thấp hơn so với dự báo trước.

Cũng với nguyên nhân khô hạn kéo dài ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất, Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) cắt giảm dự báo hơn 4 triệu bao sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2024 của Brazil, về còn 54,79 triệu bao, thấp hơn 0,51% so với năm 2023 và gần 7% so với dự báo trước đó. Sản lượng cà phê Arabica giảm 2,52 triệu bao so với báo cáo trước và cà phê Robusta giảm hơn 1,5 triệu bao về 15,2 triệu bao, thấp hơn 6% so với năm trước.

Tại Brazil, mặc dù dự báo có mưa nhưng lượng mưa ít nên một số vùng vẫn còn trong tình trạng khô hạn cục bộ. Dự báo phải tới giữa tháng 10, lượng mưa mới có cải thiện rõ nét hơn. Trong khi đó, ảnh hưởng khô nóng đã phản ánh lên mùa vụ sắp thu hoạch tại Việt Nam nhưng lo ngại hơn nữa là mô hình thời tiết La Nina có thể gây mưa bão vào giai đoạn thu hoạch chính, gây gián đoạn thu hoạch và giảm sản lượng cà phê.

Tại Việt Nam, giá xuất khẩu cà phê Robusta hiện cao hơn gần 900 USD/tấn so với giá cà phê Arabica. Trước đây, giá cà phê Robusta chỉ bằng một nửa so với loại cà phê có giá trị cao hơn này.

Trong nửa đầu tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu 15.155 tấn cà phê Robusta, thu về 76,6 triệu USD, với giá trung bình 5.053 USD/tấn. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 1.129 tấn, trị giá 4,7 triệu USD, với giá trung bình 4.166 USD/tấn.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) chia sẻ: Giá cà phê Robusta tăng cao mang lại lợi ích rất lớn cho việc tiêu thụ cà phê của Việt Nam bởi vì có tới 94% diện tích trồng cà phê của Việt Nam trồng giống cà phê này.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nhận định nguyên nhân chính khiến giá cà phê, đặc biệt là Robusta, tăng mạnh vẫn là do thiếu hụt nguồn cung tại các nước sản xuất lớn như: Brazil, Việt Nam, Indonesia,…

Đặc biệt, tại Việt Nam, những năm trước đây, sản lượng thường xuyên ở mức 30-31 triệu bao (mỗi bao 60 kg) thì vụ vừa qua chỉ còn 27,5 triệu bao và tương lai vẫn còn giảm tiếp khi nông dân có xu hướng chuyển sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, điển hình như sầu riêng.

Vụ mùa cà phê 2024-2025 sắp thu hoạch gặp khô hạn, đến tháng 5 – 6 vừa qua mới có mưa nhưng mưa ít khiến hạt cà phê không lớn nên chắc chắn bị giảm sản lượng.

Tại thị trường trong nước, giá cả hiện chỉ biến động nhẹ, trong khoảng 120.000 – 125.000 đồng/kg và có rất ít giao dịch do nguồn cung mùa cũ cạn kiệt, cà phê vụ mới còn ít ỏi vì đến tháng 11 mới tới cao điểm thu hoạch.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương