Triển vọng nào cho thị trường tài chính Việt Nam 2024?

(Banker.vn) Dù còn không ít khó khăn, song triển vọng về thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 được dự báo có nhiều yếu tố tác động tích cực, kênh dẫn vốn đa dạng hơn.
Triển vọng thị trường tài chính Việt Nam 2022: Sẽ có những điều chỉnh giảm điểm Thị trường tài chính tiêu dùng: Tiềm năng lớn nhưng bộc lộ nhiều bất ổn Thủ tướng chủ trì tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam"

Nhận diện bức tranh đa sắc của thị trường tài chính

Cùng với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô với những con số tăng trưởng đầy nỗ lực, bức tranh thị trường tài chính trong nước năm 2023 có nhiều mảng sáng và được kỳ vọng là động lực cho tăng trưởng chung của năm 2024.

Thông tin tại Hội thảo Thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 diễn ra sáng nay, 16/4 tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 phục hồi với các điểm sáng - tối đan xen, nhưng điểm sáng chi phối với nhiều kết quả nổi bật đáng ghi nhận là lãi suất giảm, tỷ giá được kiểm soát, lợi nhuận của các công ty chứng khoán tăng…

Thực tế, trong năm 2023, kinh tế thế giới tăng chậm đã tác động tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chỉ đạt mức 5,05%; lạm phát được kiểm soát, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất điều hành giảm 3 và lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 2-3% so với cuối năm 2022. Diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước tác động tới thị trường tài chính còn phải kể đến việc Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, thông qua các đạo luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi…) cùng với việc ban hành hàng loạt quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản, thị trường tín dụng và chứng khoán, du lịch, thúc đẩy đầu tư công, thu hút FDI... Chính sách tài khóa theo hướng mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm với việc tiếp tục áp dụng các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí; chính sách tiền tệ đảo chiều từ thắt chặt, chặt chẽ sang nới lỏng, linh hoạt thông qua việc giảm lãi suất điều hành, cho phép cơ cấu lại nợ, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Những yếu tố vĩ mô đã tác động tương đối tích cực tới thị trường tài chính Việt Nam khi tín dụng tăng chậm trong 3 quý đầu năm, nhưng phục hồi mạnh trong quý 4/2023; thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất giảm, khiến chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên tỷ giá nhưng với các biện pháp can thiệp kịp thời, linh hoạt, Ngân hàng nhà nước vẫn giữ được biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát (tăng 2,6%), qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính - tiền tệ.

Triển vọng nào cho thị trường tài chính Việt Nam 2024?
Hội thảo Thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024

Bên cạnh đó, thị trường tài chính trong năm 2023 còn ghi nhận kết quả hoạt động của các định chế tài chính phân hóa với lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng tăng 7,3%, của các công ty chứng khoán tăng trên 45%, trong khi doanh thu phí bảo hiểm giảm gần 9%, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng mạnh 30-60%, chủ yếu là do lợi nhuận từ đầu tư tài chính và tiết giảm chi phí.

Đặc biệt, điểm sáng của bức tranh tài chính còn phải kể đến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán với chỉ số VNIndex tăng hơn 12%, giá trị vốn hóa tăng gần 14% so với cuối năm trước, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 340 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với 2022.

Tuy nhiên, các ý kiến tại hội thảo cũng chỉ ra rằng, thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi cơ cấu thị trường chưa có nhiều cải thiện, vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng khi nguồn vốn từ “nhà băng” chiếm tới 48,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong khi qua kênh thị trường vốn vẫn khiêm tốn (chỉ chiếm 12,4%). Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng và bảo hiểm đều thấp hơn nhiều so với năm 2022; nợ xấu gia tăng, trong khi năng lực bao nợ xấu của các tổ chức tín dụng có phần giảm, việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính còn chậm so với yêu cầu. Thể chế cho kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình kinh doanh mới, tài chính xanh… còn chậm ban hành. Rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường tài chính còn tiềm ẩn, tuy nhiên trong tầm kiểm soát; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro công nghệ và an ninh mạng gia tăng, đòi hỏi cần nhận diện và đẩy nhanh hơn, kiểm soát hiệu quả hơn trong thời gian tới.

TS Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2024 về mặt tài chính sẽ còn khó khăn hơn năm 2023. Hiện tiềm lực tài chính của Việt Nam vẫn phải dựa vào tín dụng ngân hàng. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên 14 - 15% ngay từ đầu năm. Theo ông Nghĩa, đây là một tỷ lệ khá cao.

Tuy nhiên, “khảo sát của chúng tôi cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Khu vực có nhu cầu vay vốn lớn nhất là các dự án bất động sản, hiện có hàng ngàn dự án bất động sản ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang chiếu, thì phần lớn những dự án này là không có tiền. Chúng tôi khảo sát 70% là do thế hệ thiếu tài chính, 30% là do chưa hoàn thành thủ tục pháp lý. Đây là một nơi thu hút vốn rất lớn, nhưng chúng ta không giải quyết được khâu thứ hai là thủ tục pháp lý thì khó có thể thuyết phục được ngân hàng để giải ngân vốn. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở đang rất thiếu và khả năng phục hồi lại thị trường bất động sản là có nhiều cơ may hơn là các thị trường khác”, TS Lê Xuân Nghĩa nêu.

Nhìn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó trái phiếu bất động sản vị chuyên gia thấy rất lo ngại. “Từ đầu năm tới giờ, chúng ta mới phát hành được khoảng 80.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, so với con số mà chúng tôi ước tính tức là mỗi một năm khu vực này cần tới 1 triệu tỷ đồng để xây dựng nhà ở, các loại dự án bất động sản nói chung thì con số này là quá bé”, ông Nghĩa nói.

Đồng thời khẳng định, hiện toàn bộ nguồn vốn của Việt Nam chỉ trông chờ vào nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng, “kể cả là nhà ở chính sách xã hội, nhà ở giá rẻ, rồi phục hồi bất động sản, phục hồi sản xuất kinh doanh… đều trông cậy vào ngân hàng. Cho nên tôi nghĩ rằng, cần phải có thêm một sự hỗ trợ khác nữa, nếu không một mình ngân hàng gánh không nổi, đó phải là nguồn vốn ngân sách”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Ngành Ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Hiện tiềm lực tài chính của Việt Nam vẫn phải dựa vào tín dụng ngân hàng

Động lực tăng trưởng cùng các khuyến nghị

Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng chậm lại. Đối với Việt Nam, Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” được Nhóm nghiên cứu ngân hàng BIDV đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo đã dự báo rằng, tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4-3,8%, trong mục tiêu là 4-4,5%. Đặc biệt, khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn.

Theo Nhóm nghiên cứu, Chính sách tiền tệ năm 2024 được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tỷ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi FED quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý 2/2024, với mức tăng khoảng 2,5-3% trong năm 2024.

“Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023 và thanh khoản thị trường chứng khoán cũng được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực. Đồng thời, khung pháp lý cho thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện với thay đổi đáng quan tâm nhất là Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều điểm mới quan trọng. Đặc biệt, pháp lý cho thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy thị trường hoạt động an toàn, bền vững.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các chuyên gia tại hội thảo cũng chỉ ra rằng, thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm nhưng sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng tín dụng đang phục hồi và cả năm có thể tăng 14-15%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn. Việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính vẫn là thách thức khi chính sách quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa có đột phá. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số và xu hướng tăng trưởng xanh, tài chính xanh đòi hỏi nguồn lực đầu tư, phát triển thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao. Rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu có xu hướng gia tăng…; đặt ra yêu cầu mới cho cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường.

Để ổn định và phát triển thị trường tài chính trong ngắn hạn của năm 2024 và trong dài hạn, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, đồng bộ phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, trong đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm bớt áp lực nguồn vốn trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng, hiện thực hóa việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ “cận biên” lên “mới nổi” theo đúng kế hoạch đề ra.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế quản lý - giám sát thị trường tài chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại cũng như tận dụng xu hướng mới, cơ hội mới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh và chuyển đổi số.

Thứ ba, gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng thông qua cho phép các tổ chức tín dụng có sở hữu Nhà nước được giữ lại cổ tức Nhà nước hàng năm để tăng vốn.

Thứ tư, thời đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém, và đẩy nhanh tháo gỡ pháp lý cho thị trường đất đai, bất động sản nhằm giải phóng nguồn lực, hỗ trợ xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống.

Thứ năm, sớm có hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi, phát triển tài chính xanh, cũng như các đạo luật quan trọng đã được ban hành.

Thứ sáu, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng của các định chế tài chính; bình ổn thị trường vàng theo kế hoạch, giải pháp đã đề ra.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương