Triển vọng kinh tế năm 2022 dựa trên khả năng phục hồi kỹ thuật số và sự trở lại của “nền kinh tế trải nghiệm”

(Banker.vn) Những thay đổi trong tiết kiệm hộ gia đình, tăng trưởng kinh tế, phục hồi du lịch giải trí và chi tiêu cho “vật chất” so với chi tiêu cho “trải nghiệm” được chú trọng khi các doanh nghiệp tiếp tục chuyển đổi số.

Đó là một số nhận định trong Báo cáo kinh tế 2022 vừa được Viện Kinh tế Mastercard phát hành về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Ông David Mann, Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi (Viện Kinh tế Mastercard) nhận định: “Mặc dù năm qua có nhiều khó khăn và thách thức, chúng tôi vẫn có một cái nhìn lạc quan cho năm tiếp theo và kỳ vọng 2022 sẽ là năm phục hồi du lịch của châu Á. Dù xu hướng phục hồi trên toàn khu vực sẽ còn nhiều dao động, song chúng tôi dự đoán nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng và các khoản tích lũy sẽ sớm được giải phóng, như minh chứng từ sự phục hồi của các danh mục phục vụ cho đời sống thường ngày như thời trang và làm đẹp. Sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu trong các hạng mục như cải thiện nhà cửa và sở thích được phát triển trong đại dịch cũng sẽ tiếp tục được củng cố nhờ sự gia tăng ổn định từ mô hình kinh doanh dựa trên lượng người theo dõi, tạo nên một viễn cảnh tích cực bất chấp những mối đe dọa kéo dài của các biến thể mới, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng. "

Dựa trên các xu hướng quan trọng, báo cáo đã chỉ ra những phát hiện chính như:

Du lịch: Du lịch giải trí phục hồi và tăng trưởng khi các nước mở cửa trở lại, với kỳ vọng tần suất các chuyến bay chặng dài và trung bình sẽ tiếp tục gia tăng vào năm 2022. Mặc dù các lệnh hạn chế khiến việc đi lại chưa thể hồi phục hoàn toàn, một vài thị trường châu Á -Thái Bình Dương trong năm qua chứng kiến dấu hiệu khởi sắc trở lại của du lịch nội địa, chẳng hạn như Úc, với mức phục hồi gần 69% so với trước đại dịch. Bức tranh toàn cảnh tại khu vực này trong năm 2022 vẫn được dự báo là tích cực.

Tiết kiệm và chi tiêu: Tích lũy vượt mức của người dân các nền kinh tế phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương là nguồn lực thúc đẩy tiêu dùng trong năm 2022 và các năm tới. Việc này dẫn đến một kịch bản chắc chắn của việc chi tiêu bằng các khoản tích luỹ vượt mức, kéo theo tăng trưởng tiêu dùng thêm hai điểm phần trăm ở một số thị trường bao gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2022. Trên toàn cầu, chi tiêu bằng các khoản tiết kiệm sẽ đóng góp thêm ba điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022, khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng.

Kỹ thuật số: 20% chuyển đổi số trong ngành bán lẻ vẫn được duy trì giúp định hình thói quen mua sắm. Đăng ký thương mại điện tử tăng trưởng mạnh vào năm 2021 khi có tới gần 88% các quốc gia trên 32 thị trường chứng kiến số đăng ký dịch vụ gia tăng vượt bậc so với năm trước.

Mức trung bình, tỷ lệ đăng ký bán lẻ trên tổng chi tiêu tăng 1,25 điểm từ năm 2020 đến năm 2021 trên 6 thị trường tại châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, các công ty xe hơi, dịch vụ tập luyện ảo, dịch vụ cho thuê xe đạp và thú cưng nằm trong số rất nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ mô hình này.

Chuỗi cung ứng: Chi tiêu của các hộ gia đình cho dịch vụ ở châu Á dự kiến sẽ tăng tốc, trong khi nhu cầu hàng hóa sẽ vẫn ở mức cao vào năm 2022. Chuỗi cung ứng vẫn có thể tiếp tục bị gián đoạn, dẫn đến chi phí cung ứng tiếp tục ở mức cao và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng vọt, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng tích cực chính đối với nền kinh tế của khu vực.

Rủi ro: Nhiều rủi ro tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ nền kinh tế toàn cầu. Các biến thể mới của COVID như Omicron đang là rủi ro lớn nhất; tuy nhiên, đi kèm còn có những nguy cơ khác được xác định là có khả năng ảnh hưởng đến sự phục hồi, bao gồm việc điều chỉnh mạnh giá nhà ở, giá dầu tăng mạnh và việc tăng thuế - cắt giảm ngân sách tại các nền kinh tế phát triển.

Hoàng Chi 

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ