Trí tuệ nhân tạo và đạo đức báo chí

(Banker.vn) AI là một lĩnh vực khoa học máy tính nhằm nghiên cứu và phát triển các giải pháp để máy tính có thể thực hiện các tác vụ một cách thông minh giống như con người. AI liên quan đến việc thiết kế và xây dựng các chương trình máy tính có khả năng tự học hỏi, tư duy; đồng thời, tự động hóa các quá trình tư duy như: Giải quyết vấn đề, phân tích dữ liệu, nhận dạng hình ảnh và giọng nói, tự động dịch thuật và tương tác với con người.

 

Trong tương lai, với xu hướng phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), báo chí sẽ có nhiều ảnh hưởng trực tiếp với sự xuất hiện đa dạng của báo chí số, sự vận hành linh hoạt từ sáng tạo nội dung đến sản xuất các dòng sản phẩm số; kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số với một hệ sinh thái số mà báo điện tử làm trung tâm, triển khai công nghệ số trong toàn bộ hoạt động dưới hình thức tòa soạn hội tụ.

AI cùng với các công nghệ như: Bockchain, xR, AI Chat GPT… là công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số, đồng thời đặt ra những thách thức lớn trong quản trị nội dung đối với nhiều tòa soạn trước nguy cơ gia tăng tin giả với tốc độ sản xuất cao của báo chí tự động, làm phát sinh những vướng mắc về pháp lí và đạo đức báo chí.


1. Lợi ích của AI trong chuyển đổi số báo chí

AI là một lĩnh vực khoa học máy tính nhằm nghiên cứu và phát triển các giải pháp để máy tính có thể thực hiện các tác vụ một cách thông minh giống như con người. AI liên quan đến việc thiết kế và xây dựng các chương trình máy tính có khả năng tự học hỏi, tư duy; đồng thời, tự động hóa các quá trình tư duy như: Giải quyết vấn đề, phân tích dữ liệu, nhận dạng hình ảnh và giọng nói, tự động dịch thuật và tương tác với con người.

Trong những năm gần đây, AI đã có những bước tiến lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực học sâu (Deep Learning) và học máy (Machine Learning), được ứng dụng rộng rãi hầu hết trong các lĩnh vực đời sống - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong phạm vi từ vi mô đến vĩ mô, điển hình là trong quân sự, tự động hóa sản xuất, chăm sóc sức khỏe, tài chính, marketing, giao thông vận tải và báo chí, qua đó, trực tiếp hay gián tiếp góp phần mang lại những tiện ích mới, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống con người.

AI đặt ra những thách thức đối với báo chí truyền thống

Từ hàng chục năm trước, trang Web của Tạp chí Forbes (Mỹ) đã cho công bố một bài báo mà tác giả là “Narrative Science” (tạm dịch là "Khoa học kể chuyện") - một công nghệ cho phép xây dựng được một văn bản mạch lạc không cần có sự tham gia của con người. “Narrative Science” không chỉ là tên của một công nghệ, trên thực tế còn là tên gọi của một công ty tại Chicago, nơi đã sáng chế ra một thuật toán cho phép máy tính có thể biến đổi những dữ liệu khô khan trở thành văn bản. Công ty trên được thành lập từ năm 2010 bởi ba sáng lập viên - Larry Birnbaum, Kris Hammond và Stuart Frankel.  Larry Birnbaum và Kris Hammond là hai cựu sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Yale (có trình độ về ngôn ngữ và lập trình), còn Stuart Frankel là một trong những cựu quan chức hàng đầu của Double Click (hãng đang đảm nhiệm các dịch vụ quảng cáo cho Google). Với  “Narrative Science”, các “robot - nhà báo” thế hệ đầu có thể viết ra những bài báo có nội dung liên quan đến lĩnh vực thể thao, thống kê tài chính hoặc bất kì dạng thông tin hay đề tài nào; “robot - nhà báo” chỉ cần… vài giây là có thể viết xong một bài báo. Thậm chí, hơn cả kì vọng, các bài báo sẽ được “Narrative Science” "viết ra" để phục vụ cho quyền lợi của những người cụ thể, với các đề tài đa dạng, từ việc đánh giá thị trường chứng khoán và đề xuất mua cổ phiếu hay giải thích các số liệu phân tích y khoa của khách hàng. Tuy vậy, kể từ khi Forbes cho công bố một số “tác phẩm” của “Narrative Science”, công chúng đều nhận thấy những bài báo này có nội dung tẻ nhạt, thô thiển, khả năng phân tích thấp, tỉ lệ khán giả không cao.

Tháng 11/2022, Open AI được Microsoft tài trợ khoảng 10 tỉ USD, đã ra mắt AI Chat GPT được huấn luyện với 300 tỉ từ, 175 tỉ tham số, tổng thời gian huấn luyện gộp là 300 năm do Open AI phát triển từ năm 2015. Là một ứng dụng AI mới, với điểm khác biệt là nằm ở “kho” kiến thức đã học được, Chat GPT có thể hiểu được nội dung câu hỏi và nhanh chóng đưa ra câu trả lời lưu loát. Đây là ứng dụng AI được tạo ra từ dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ học sâu (Deep Learning). 

Chat GPT khiến người dùng thán phục, có sức lan tỏa mạnh mẽ như một hiện tượng công nghệ của năm 2022, năm 2023 và có lẽ của cả thập kỉ này. Theo Similar Web, có khoảng 13 triệu người đã sử dụng Chat GPT mỗi ngày trong giai đoạn tháng 01/2023, gấp đôi so với số liệu trong tháng 12/2022. Theo Sensor Tower, Chat GPT đã cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 02 tháng (so với TikTok mất khoảng 09 tháng và Instagram mất 2,5 năm) và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 08/02/2023, Microsoft chính thức ra mắt công cụ tìm kiếm Bing hoàn toàn mới, cũng như một trình duyệt Edge, cả hai được tích hợp nền tảng Chat GPT. Việc tích hợp Chat GPT đã giúp 02 công cụ của Microsoft trở nên thông minh hơn rất nhiều và có thể thực hiện những truy vấn đa dạng, phức tạp hơn Google Search hiện nay.

Microsoft đã cập nhật trình duyệt Edge với các chức năng AI mới và giao diện mới, đồng thời, bổ sung thêm hai chức năng mới: Trò chuyện và soạn thảo. Với Edge, người dùng có thể yêu cầu tóm tắt một báo cáo tài chính dài để nắm được những điểm chính cần rút ra; sau đó, sử dụng chức năng trò chuyện để yêu cầu so sánh với báo cáo tài chính của một công ty cạnh tranh và tự động đưa báo cáo đó vào một bảng. Người sử dụng cũng có thể yêu cầu Edge viết email và soạn nội dung, cập nhật giọng điệu, định dạng và độ dài của bài đăng. Edge có thể hiểu người sử dụng trang web đang truy cập và điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Satya Nadella, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Microsoft, AI sẽ thay đổi căn bản các danh mục phần mềm, bắt đầu từ danh mục lớn nhất là tìm kiếm. Sự kết hợp tìm kiếm, duyệt Web và trò chuyện thành một trải nghiệm hợp nhất mà người dùng có thể thực hiện trên Web ở mọi nơi, mang đến những trải nghiệm khác các công cụ tìm kiếm sẵn có trước đây, cung cấp khả năng tìm kiếm tốt hơn, câu trả lời đầy đủ hơn, trải nghiệm tương tác mới và có khả năng tạo nội dung; mang đến cho người dùng niềm vui khám phá, cảm nhận sự kì diệu của sáng tạo và khai thác kiến ​​thức tốt hơn, đồng thời được hưởng lợi từ Web...

Chưa thể dự đoán hệ thống AI sẽ mạnh mẽ hay chính xác như thế nào trong vài năm tới, nhưng trên thực tế cuộc cách mạng AI đã bắt đầu. Ngay sau khi Chat GPT ra mắt, Google cũng đã công bố phiên bản đối thủ của mình là Bard và nhiều công cụ khác đang được thiết lập để tham gia thị trường. Trong đó, có Writer Buddy, công cụ AI được thiết kế để viết các bài đăng trên mạng xã hội và Blog, được ra mắt vào tháng 11/2022.

Ứng dụng AI trong báo chí là xu thế tất yếu. Nếu như trong giáo dục, nó khích lệ đam mê và khả năng học tập của từng cá nhân, giúp dạy và học trở nên hấp dẫn hơn, thì trong hoạt động báo chí, Chat GPT và ứng dụng AI hỗ trợ rất nhiều hoạt động nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ  nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp trong quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung để gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài của phóng viên và các tòa soạn báo. AI có thể hỗ trợ các tính năng sau: Nhập văn bản bằng giọng nói; chuyển văn bản thành giọng nói; phiên dịch nội dung; hỗ trợ kiểm chứng thông tin độc lập (fact - checking); tự động xác định các yêu cầu từ độc giả; hỗ trợ tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề; trực quan hóa dữ liệu; phân tích hình ảnh và nhận dạng; tự động viết các nội dung, tạo tin, bài từ dữ liệu có sẵn. Hơn nữa, AI còn hỗ trợ nhà báo: Tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu lớn; trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng; sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới; đặt tiêu đề cho các bài báo; dịch thuật đa ngôn ngữ; tìm kiếm câu trích dẫn và cả gợi ý kịch bản, nhân vật, chủ đề phỏng vấn; giúp nhà báo và các cơ quan báo chí phát hiện đề tài, các chủ đề và xu hướng đang được quan tâm; tự động quét Website và tải dữ liệu về thiết bị cá nhân; khai thác thông tin từ các trang mạng xã hội; tạo dựng kho dữ liệu từ báo giấy đã xuất bản bằng phần mềm chuyển từ hình ảnh sang văn bản (OCR); tìm kiếm, khai thác nội dung sẵn có trong kho dữ liệu; tìm và kiểm tra nội dung, xác định trùng lặp; nhận dạng từ hình ảnh; số hóa dữ liệu trong tòa soạn. Một số phần mềm AI “nội địa” được Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các nhà báo và cơ quan báo chí sử dụng như: Dịch vụ số hóa tài liệu VNPT edig, công cụ Smart RPA của VNPT, Viettel AI open platform, Viettel OCR, IONE - Giải pháp nhận dạng và bóc tách thông tin tự động, Viet OCR… Các phần mềm ứng dụng AI không chỉ giúp làm phiên bản Audio cho tất cả các bài đăng có text đang khá phổ biến ở các tòa soạn có hai phiên bản trở lên, mà còn có thể tự động phân loại, sắp xếp và trích xuất thông tin từ văn bản để xác định nguồn trích dẫn, mối quan hệ giữa các văn bản (dựa trên từ khóa), tóm tắt nội dung văn bản. Tòa soạn có thể sử dụng phần mềm phân tích văn bản để xử lí văn bản thu thập từ các nguồn khác nhau trên môi trường số một cách hiệu quả và chính xác như con người như: Amazon Comprehend, Plagiarism Detector, Wordsmith của Automated Insight… AI có thể là trợ lí ảo trong tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề; giúp tự động sản xuất các nội dung có cấu trúc lặp lại cho một số tin tức như tin về thời tiết, thể thao, công nghệ… AI có thể thông qua Chatbot giúp tòa soạn tiếp cận công chúng, kiểm soát thông tin phản hồi, hỗ trợ và đẩy nhanh công tác nghiên cứu công chúng, phân khúc thị trường và công chúng; phân tích Website và gợi ý cách tối ưu hóa cấu trúc trang chủ của các tờ báo điện tử cũng như các nền tảng số khác của cơ quan báo chí. AI cũng là công cụ marketing khá hiệu quả, với những phần mềm ứng dụng trong nâng thứ hạng của trang Web (SEO), quảng bá nội dung qua email và đặc biệt là thu phí.

2. AI với nguy cơ vi phạm đạo đức báo chí và một số giải pháp

Đạo đức báo chí là những nguyên tắc, những quy định hoặc quy tắc về hành vi đạo đức của nhà báo dù không được ghi trong đạo luật, nhưng được chấp nhận trong giới báo chí, được nhà báo ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và được duy trì bởi sức mạnh của dư luận xã hội, bởi các tổ chức sáng tạo nghề nghiệp. “Nhà báo có đạo đức” được hiểu là người thu thập thông tin trung thực, chính xác, phản ánh sự thật, bảo đảm bản quyền sở hữu trí tuệ và công bố tác phẩm báo chí vì lợi ích xã hội, có trách nhiệm với công chúng... Nếu nhà báo có kĩ năng và đạo đức nghề nghiệp tốt thì tương lai sẽ trở thành một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội, với những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Xây dựng đạo đức báo chí không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mỗi nhà báo, mà còn là xây dựng những quy trình và quy định làm nghề trong cả dây chuyền hoạt động báo chí, đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối đều phải tuân thủ theo các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức báo chí. 

Sự suy thoái đạo đức báo chí gắn liền với quá trình thương mại hóa đã, đang diễn ra trong ngành công nghiệp truyền thông và AI có thể là một nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng này. AI là cơ hội, nhưng đồng thời là thách thức lớn với nhà báo, cơ quan báo chí và cả các cơ quan quản lí nhà nước liên quan.

Chat GPT có những giới hạn nhất định, chỉ có thể đưa ra những câu trả lời dựa trên dữ liệu mà AI đã học được và không thể hiểu được mọi câu hỏi hoặc tình huống dựa trên cảm xúc của con người. AI dù có nhiều tính năng vượt trội và hữu ích cho hoạt động báo chí, nhưng không có nhạy cảm chính trị, không có lí tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí, không thể thay thế lao động sống của nhà báo và dễ dàng bị lạm dụng vì các mục tiêu cá nhân, tiêu cực, phi đạo đức. Trong bối cảnh hành lang pháp lí về báo chí số của Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, những vướng mắc về pháp lí, sự đe dọa về an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và nhiều  tranh cãi liên quan đến đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng chuyển đổi số tạo ra những thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay.

Trước hết, đó là nguy cơ vi phạm bản quyền tác giả do không có tác giả. Trên thực tế, đang và sẽ ngày càng có nhiều người sử dụng Chat GPT và AI để viết và ngụy trang nó thành tác phẩm do chính họ viết. Xu hướng này phát triển mạnh mẽ, Tạp chí Clarkesworld thành lập vào năm 2006, xuất bản hằng tháng dưới dạng bản cứng và trực tuyến toàn cầu đối với cả độc giả và nhà văn, chuyên về truyện ngắn khoa học viễn tưởng hàng đầu ở Mỹ đã phải tạm thời ngừng nhận bài gửi vào tháng trước, sau khi nhận được một số lượng “vượt quá tầm kiểm soát” các câu chuyện AI được viết như một cách kiếm tiền nhanh chóng.

Theo báo cáo của Reuters, đã có hơn 200 sách điện tử trong cửa hàng Amazon liệt kê Chat GPT là tác giả hoặc đồng tác giả, và con số vẫn đang tăng lên hằng ngày. Thậm chí còn có một thể loại mới trên Amazon: Sách về cách sử dụng Chat GPT được viết hoàn toàn bởi Chat GPT. Số lượng sách, bài báo điện tử được viết bởi AI gần như không thể được thống kê đầy đủ vì lí do lợi ích cá nhân của người viết và khả năng phát hiện của tòa soạn.

Thứ hai, nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao, nếu quản trị nội dung trong tòa soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số.

AI không chỉ trở thành “lò sản xuất” tin tức báo chí cạnh tranh với các phóng viên, mà còn cho ra đời hàng loạt bài báo hoàn chỉnh đến mức khó nhận ra là do người hay máy viết. Khi đó, không chỉ việc làm của các phóng viên, mà quyền sở hữu trí tuệ và đạo đức trong hoạt động báo chí có thể bị thách thức nghiêm trọng.

Một trong những thách thức ngày càng phổ biến của “thời đại ứng dụng AI” đó chính là việc lấy tin từ mạng xã hội không kiểm chứng và xử lí tắc trách để viết bài. Hệ quả tất yếu của quá trình này là sự xuất hiện tràn lan, không thể kiểm soát được các thông tin mang nặng tính giải trí, nội dung nghèo nàn và nhiều khi không thể kiểm soát. Trong thời đại truyền thông kĩ thuật số và phát triển phổ cập các mạng xã hội, thông tin có độ lan tỏa với tốc độ chóng mặt và sai lệch nhanh, mạnh mẽ, gây khủng hoảng thông tin tác động tiêu cực đến tâm lí xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực bị phân tâm, hoang mang, hay hiểu sai về chính sách, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hay đối tượng liên quan.

Thứ ba, những sản phẩm giả mạo do AI thực hiện với sự can thiệp nội dung của con người có thể trở thành vũ khí mới trên mặt trận thông tin, gây ra các hệ lụy khó lường và nguy hại cả về kinh tế và quân sự, trong nước và quốc tế. Thực tế cho thấy, các bài đăng đưa tin giả mạo có chủ ý là nguy cơ ngày càng tăng trong một thế giới chịu ảnh hưởng của AI.

Điển hình là trong tháng 5/2023, một bức ảnh đánh bom Lầu Năm Góc (Mỹ) giả mạo lan truyền trên Twitter cũng đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc nửa nghìn tỉ USD, trước khi hồi phục trở lại...

Mới đây, ngày 05/6/2023, Điện Kremlin (Liên bang Nga) cho biết, một thông báo khẩn cấp từ Tổng thống Vladimir Putin được phát sóng trên nhiều đài phát thanh và truyền hình nhà nước Nga ở các khu vực của Nga giáp với Ukraine là một sản phẩm giả mạo do tin tặc tạo ra. Phát biểu giả giọng Tổng thống Putin đã được phát đi hôm 05/6 nói rằng “tình trạng khẩn cấp” đã được ban bố ở các vùng Belgorod, Voronezh và Rostov của Nga do các cuộc tấn công sắp tới từ lực lượng Ukraine. Tuyên bố giả mạo cũng kêu gọi cư dân tại các khu vực này sơ tán khỏi nhà của họ để tìm nơi trú ẩn sâu hơn bên trong nước Nga. Radio Mir, một trong những đài bị tấn công, cho biết vụ tấn công bởi tin tặc đã kéo dài khoảng 40 phút. Trong khi đó, các clip phát sóng trên truyền hình về một video “deepfakes” Tổng thống Putin cũng bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội. Đến nay vẫn chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ giả mạo thông tin này.

Những sự vụ nêu trên chắc chắn sẽ còn tái diễn, thậm chí mở rộng hơn trong thời gian tới, khi mà cuộc chiến thông tin giữa các quốc gia và thế lực đối lập lợi ích ngày càng mở rộng và đa dạng hóa với sự hỗ trợ của AI.

Để hạn  chế nguy cơ vi phạm đạo đức báo chí trong bối cảnh bùng nổ báo chí số và ứng dụng AI, các cơ quan báo chí, một mặt, cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, khai thác những tiện ích từ mạng xã hội và đẩy mạnh ứng dụng AI trong sản xuất nội dung, phân phối, phát hành; ứng dụng AI cho khối tương tác, quản lí tòa soạn; tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, cũng như trong quản trị nội bộ (ứng dụng trong phần mềm quản lí tác giả, tác phẩm, quản lí đăng kí kế hoạch tin, bài phóng viên…); phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số với cả 03 khu vực: Nội dung số - công nghệ số - kinh tế số; phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí.

Mặt khác, coi trọng và quán triệt các nguyên tắc đạo đức báo chí trong quy trình hoạt động tác nghiệp của cá nhân và cơ quan báo chí; chú trọng an toàn và an ninh thông tin; thực hiện kiểm chứng đầy đủ các thông tin từ mạng xã hội bảo đảm tính chính xác, kịp thời, hữu ích, vì lợi ích của đất nước và nhân dân...

Đặc biệt, cần xây dựng quy trình và đưa ra các chế tài cần thiết nhằm ngăn chặn sự vi phạm về đạo đức nhà báo theo 10 quy định chuẩn mực của Hội Nhà báo Việt Nam; trong đó, cần tập trung xây dựng quy trình sàng lọc phát hiện bài gửi nào là do AI viết.

Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng quy hoạch, tuyển sinh, chương trình dạy và phương pháp giáo dục đào tạo nghiêm túc, thực chất, hiệu quả về đạo đức báo chí cho phóng viên và lãnh đạo cơ quan báo chí, coi đây là điểm mấu chốt trong các mô hình đào tạo trong thời gian tới; các hội thảo chuyên đề về đạo đức báo chí cần được tổ chức gắn với các khóa học kĩ năng cho học viên với các tình huống cụ thể.

Đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Trong nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp cần được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí, bởi đó là yếu tố thuộc tư chất của con người, là lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc và xã hội.

10 điều về đạo đức người làm báo được Hội Nhà báo Việt Nam công bố gồm:

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

TS. Nguyễn Minh Phong (Hà Nội)

Theo: Tạp chí Ngân hàng