Trái chiều kế hoạch kinh doanh 2023 của các 'ông lớn' trên sàn

(Banker.vn) Trước những dự báo biến động khó lường, bất ổn của kinh tế vĩ mô trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã cẩn trọng khi lên kế hoạch kinh doanh năm nay. Ngược lại, nhiều đơn vị vẫn tỏ ra khá lạc quan khi kỳ vọng các chỉ tiêu tăng trưởng tốt.

Sau năm 'bội thu', doanh nghiệp phân bón cẩn trọng 'cài số lùi' kế hoạch kinh doanh

Gặp khó, doanh nghiệp hạ thấp chỉ tiêu kinh doanh

Năm 2023 được dự báo là một năm phức tạp, khó lường với nền kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định năm nay, nhiều nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng gần bờ vực suy thoái do ảnh hưởng của tình trạng tăng lãi suất - giải pháp mà nhiều nước thực hiện để kiềm chế lạm phát, xung đột giữa Nga - Ukraine tiếp diễn, trong khi các nền kinh tế lớn của thế giới gặp nhiều khó khăn.

“Thực tế, tốc độ tăng trưởng chậm lại hầu hết đều xảy ra ở những nền kinh tế tiên tiến, điển hình là Mỹ, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - mức tăng trưởng thấp nhất ngoài các đợt suy thoái chính thức kể từ năm 1970. Còn các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, năm nay sẽ chồng chất khó khăn khi phải đối phó với gánh nặng nợ công, đầu tư doanh nghiệp giảm,…”, WB cho biết.

SSI Research đánh giá năm 2023 sẽ là năm then chốt để thử thách nền tảng sức mạnh của kinh tế Việt Nam.

Đơn vị nghiên cứu cho rằng những yếu tố như lạm phát, cầu yếu, lãi suất cao sẽ khiến triển vọng ngành dệt may, thủy sản, bất động sản nhà ở, cảng biển và logistics, xây dựng, phân bón kém khả quan. Ngược lại, một số ngành khả quan nhờ có yếu tố hỗ trợ như đá xây dựng khi đầu tư công được thúc đẩy, bảo hiểm trong môi trường lãi suất cao, bất động sản khu công nghiệp với việc thu hút vốn FDI, công nghệ thông tin và viễn thông với làn sóng chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp Việt cũng lường trước được những khó khăn của nền kinh tế năm nay. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) nhận định tình hình kinh tế năm nay không quá tươi sáng, khó có thể là một năm "khí thế", nhanh nhất tới quý III hoặc quý IV, thậm chí cả năm có thể "lình xình".

doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh 2023
Nhận diện những bất ổn của kinh tế 2023, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hạ thấp các chỉ tiêu kinh doanh cho năm nay. Ảnh minh hoạ

Nhận diện những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hạ thấp các chỉ tiêu kinh doanh cho năm nay. Với ngành thép, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) - doanh nghiệp nắm giữ thị phần thép lớn nhất Việt Nam, dự kiến năm 2023 đạt doanh thu 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng, giảm 400 tỷ đồng so với năm trước. Mức lợi nhuận này tương đương với kết quả của giai đoạn 2017 - 2019, thời điểm trước khi HPG bước vào quãng thời gian bùng nổ (giai đoạn 2020-2021, lợi nhuận lần lượt đạt 13.506 tỷ đồng và 34.502 tỷ đồng).

Một “ông lớn” ngành thép khác là Công ty CP Hoa Sen (HOSE: HSG) đã đặt 2 kế hoạch kinh doanh cho niên độ tài chính 2022 - 2023. Kịch bản đầu tiên dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, HSG dự kiến thu về 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo HSG nhận định xuất khẩu thép 2023 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng đến nhu cầu sản phẩm thép.

Còn doanh nghiệp phân bón, sau năm “bội thu” lại đặt kế hoạch lợi nhuận giảm sâu. Chẳng hạn Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay có phần thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ, lợi nhuận trước thuế 2.670 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 58% so với kết quả năm 2022. Về chỉ tiêu sản lượng, DPM đặt kế hoạch sản xuất 1,07 triệu tấn phân bón, trong đó bao gồm 785.000 tấn urê Phú Mỹ và 200.000 tấn NPK Phú Mỹ…

Tương tự, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu giảm đáng kể so với thực hiện 2022. Cụ thể, doanh thu năm nay dự kiến đạt trên 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 1.383 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 68%.

Công ty CP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) cũng “cài số lùi” cho kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu trên 7.476 tỷ và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 6% so với thực hiện năm trước.

Bản thân Hóa chất Đức Giang cũng lên kế hoạch quý I năm nay với tổng doanh thu là 2.578 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 700 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 54% so với cùng kỳ năm trước.

Ở ngành hàng hải, Công ty CP Container Việt Nam (HOSE: VSC) và Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) cũng công bố kế hoạch 2023 giảm sau năm 2022 lãi kỷ lục. Với HAH, do giá cước vận tải có xu hướng giảm từ cuối năm ngoái, doanh nghiệp này thận trọng đặt mục tiêu doanh thu 2.631 tỷ đồng và lãi ròng 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 64% so với ước tính năm 2022.

Còn VSC, công ty dự kiến có thể đạt 260 tỷ lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, giảm 45% so với năm trước. Theo lý giải của lãnh đạo doanh nghiệp, chỉ tiêu tài chính năm nay của công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng để thực hiện chương trình đầu tư nhận chuyển nhượng đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển (dự kiến khoảng 200 tỷ đồng) và lỗ khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết (dự kiến khoảng 40 tỷ đồng).

Ở ngành dầu khí, Công ty CP CNG Việt Nam (HOSE: CNG) dự kiến doanh thu năm nay đạt hơn 3.458 tỷ đồng, giảm 17% và lợi nhuận sau thuế đạt 85,45 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2022. Công ty CP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV GAS D, HoSE: PGD) cũng đặt kế hoạch kinh doanh giảm. Trên cơ sở giá dầu 70 USD/thùng và tỷ giá 1 USD bằng 23.500 đồng, doanh thu năm nay dự kiến đạt 9.596 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 213,6 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2022, các chỉ tiêu này lần lượt giảm 14% và 48%.

Nhiều đơn vị tự tin với kế hoạch kinh doanh

Dù năm 2023 là một năm khó khăn, một số công ty vẫn lên kế hoạch lớn, thậm chí tăng trưởng bằng lần. Đơn cử, dù kết quả kinh doanh những năm gần đây đi xuống, Công ty CP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) vẫn lên kế hoạch 2.000 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2023, lần lượt gấp 2 lần và 2,6 lần kết quả năm 2022. Năm trước, công ty này ghi nhận lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 27,7 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2021, đây là năm thứ ba liên tiếp lợi nhuận đi xuống.

doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh 2023
Nhiều đơn vị vẫn khá tự tin khi kỳ vọng các chỉ tiêu kinh doanh năm nay tăng trưởng tốt so với năm trước. Ảnh minh hoạ

Ở ngành chứng khoán, Công ty CP Chứng khoán MB (HNX: MBS) lên kế hoạch doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 900 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm 2022. Công ty đặt mục tiêu vào top 5 thị phần môi giới trong năm nay, trước đó công ty đã để tụt hạng trên bảng thị phần môi giới HoSE năm qua.

Năm 2023, MBS cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do các Ngân hàng Trung Ương vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, nền lãi suất ở mức cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đang kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng lãi suất khi lạm phát đã có tín hiệu hạ nhiệt và lãi suất có thể đang ở vùng đỉnh. Do đó, thị trường chứng khoán thể thể tích cự hơn khi Fed tạm dừng tăng thậm chí giảm lãi suất về cuối năm để hỗ trợ kinh tế khi kiểm soát tốt lạm phát. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm trong nửa cuối năm 2022 và kỳ vọng có thể hồi phục trở lại vào quý II năm nay. Thanh khoản có thể tạo đáy và tăng trở lại. Dự báo quy mô giao dịch 2023 giảm so với năm 2022, giá trị giao dịch bình quần ở mức 15.000 - 18.000 tỷ đồng và chỉ số VN-Index giao động trong ngưỡng 900-1.200 điểm.

Còn nhóm ngành dầu khí, ông lớn Petrolimex (HOSE: PLX) dù hạ thấp chỉ tiêu doanh thu 44,5% còn 169.000 tỷ đồng so với năm trước, song lại kỳ vọng lợi nhuận tăng 67%, đạt 3.200 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp bán lẻ bao gồm Công ty Cp Thế Giới Số (HOSE: DGW) và Công ty CP Đầu tư Thế giới Di Động (HOSE: MWG) vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng dù cho ngành bán lẻ năm nay được dự báo là một năm khó khăn. Với DGW, công ty ước doanh thu đạt 25.109 tỷ, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế 787 tỷ, tăng 15%.

MWG cũng vừa công bố kế hoạch doanh thu thuần vào khoảng 135.000 – 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 4.200 – 4.700 tỷ đồng. So với thực hiện trong năm 2022 là 134.722 tỷ doanh thu và 4.100 tỷ lợi nhuận sau thuế, 2023 vẫn là năm có tăng trưởng song không còn duy trì mức hai chữ số. Phía MWG cho biết thêm, những con số dự phóng trên dựa vào giả định hoạt động sản xuất, tiêu dùng tích cực hơn, có dấu hiệu hồi phục trở lại từ giữa quý III hoặc quý IV. Năm 2022, lợi nhuận doanh nghiệp này giảm 17%, chấm dứt chuỗi tăng trưởng nhiều năm.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán