Trả lãi vay 800 tỷ mỗi năm, Đạm Hà Bắc chờ cơ cấu nợ để vượt khó

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội cho biết, với chi phí trả lãi vay lên đến 800 tỷ đồng/năm, Đạm Hà Bắc đang chờ Chính phủ thực hiện cơ cấu nợ để vượt qua khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm tái cơ cấu để đạm Hà Bắc phát triển bền vững Đạm Hà Bắc “hồi sinh” và bài toán tái cơ cấu để phát triển bền vững

Chiều 31/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu nền kinh tế… giai đoạn 2021-2025.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang đề nghị cần khẩn trương, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Trả lãi vay 800 tỷ mỗi năm, Đạm Hà Bắc chờ cơ cấu nợ để vượt khó
Phiên thảo luận tại hội trường chiều 31/10 (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, song đất nước đã vững vàng đi lên. Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều dấu hiệu phục hồi và đạt nhiều kết quả quan trọng. Cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, giảm phí, lệ phí trước bạ, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế đất. Qua đó, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, doanh nghiệp đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp giải tán, phá sản cũng tăng lên.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đã có Báo cáo số 20 về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả (12 dự án). Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với 12 dự án.

Trả lãi vay 800 tỷ mỗi năm, Đạm Hà Bắc chờ cơ cấu nợ để vượt khó
Đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang (Ảnh: Quochoi.vn)

Đơn cử như dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc), năm 2022 lợi nhuận của công ty đạt 1.779 tỷ đồng - mức đạt cao nhất từ trước đến nay, nhưng đầu năm 2023 đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào khó khăn, mặc dù nhiều chỉ tiêu cơ bản dự kiến sẽ đạt kế hoạch.

Tuy nhiên, theo thông tin từ công ty, riêng chỉ tiêu lợi nhuận không đạt thậm chí lỗ hàng trăm tỷ đồng lặp lại tình trạng của những năm trước.

Nguyên nhân sau thời gian thị trường có sự đột biến theo hướng thuận lợi thì năm 2023 thị trường đã trở lại bình thường, giá phân bón giảm mạnh do nguồn cung trên thế giới dồi dào hơn. Đặc biệt, gánh nợ tài chính của công ty còn lớn vượt quá khả năng của công ty do lãi suất vốn vay của dự án quá cao.

Đại biểu Trần Văn Lâm chỉ ra, đến nay dư nợ vay của công ty chủ yếu thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), mặc dù sau 7 năm công ty đã trả cho VDB tổng số tiền bằng 1,03 lần số giải ngân vay gốc, nhưng số tiền hiện nay công ty vẫn nợ VDB còn lớn hơn bằng 1,34 lần số giải ngân vay gốc (gồm nợ gốc và lãi suất).

"Với lãi suất vay trong hợp đồng là 10,78%/ năm và cao nhất là 12%/năm, mức phạt chậm trả lãi là 150%/năm, hàng năm công ty phải trả chi phí lãi vay cho VDB khoảng 800 tỷ đồng, trong đó lãi chậm trả vào khoảng 400 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến công ty gặp khó khăn" - đại biểu Trần Văn Lâm nêu.

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Đạm Hà Bắc đã tích cực phối hợp xây dựng Đề án cơ cấu lại tài chính và nợ của công ty để trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

Trước đó, ngày 29/12/2022, Bộ Chính trị đã có kết luận liên quan đến nội dung này trong đó giao Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan có chương trình để thực hiện ngay các biện pháp cơ cấu nợ cho các dự án tiếp tục hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Mặc dù đến nay, sau gần một năm triển khai kết luận của Bộ Chính trị, các cơ quan liên quan chưa có cơ chế xử lý giải quyết cụ thể. Trong khi chờ đợi cán bộ, công nhân viên, người lao động của công ty đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp về sản xuất, tận dụng cơ hội của thị trường.

"Tuy nhiên, cơ chế cơ cấu lại nợ cho công ty mới là giải pháp quyết định giúp công ty xử lý tồn tại, vượt qua những khó khăn. Hàng ngàn cán bộ, người lao động Công ty phân đạm Hóa chất Hà Bắc vẫn đang mong Chính phủ chỉ đạo triển khai đầy đủ kết luận của Bộ Chính trị. Đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo quyết định cơ chế cụ thể cơ cấu nợ cho công ty" - đại biểu Trần Văn Lâm cho hay.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương