TPS: Chi phí dự phòng MBB giảm nhưng tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng

(Banker.vn) Theo báo cáo của Công ty CK Tiên Phong (TPS), kết quả kinh doanh nửa đầu 2022 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) tăng mạnh nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng cao và NIM cải thiện nhẹ. Lợi nhuận sau thuế Q2/2022 và 1H2022 lần lượt đạt 4.794 tỷ đồng (+75,6%YoY) và 9.520 tỷ đồng (+48,8%YoY). Theo đánh giá của TPS, MBB là một ngân hàng tốt với nền tảng vững chắc và hoạt động hiệu quả.

Lãi thuần từ hoạt động tín dụng của MBB tăng mạnh

Trong Q2/2022, MBB ghi nhận thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng mạnh 36,7%YoY đạt 8.969 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng 2022, thu nhập lãi thuần đạt 17.335 tỷ đồng, +38,7%YoY. Kết quả đạt được nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao 14,6%ytd và NIM tiếp tục cải thiện thêm 0,21% lên 5,35%.

Tăng trưởng tín dụng cao và gia tăng tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân

Cuối Q2/2022, tăng trưởng tín dụng đạt mức 14,6%ytd, cao hơn so với cùng kì là 10,7%ytd và ngành là 9,44%ytd. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục được thúc đẩy bởi cho vay khách hàng cá nhân. Tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng là 20,6%ytd đạt 202 nghìn tỷ đồng. Theo ước tính của TPS, dư nợ cá nhân từ công ty mẹ tăng 19,8%ytd đạt 182 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ 90% dư nợ cho vay cá nhân) và dư nợ đối với M-credit tăng mạnh 28,9%ytd đạt 19,5 nghìn tỷ (chiếm 10% trong dư nợ cho vay khách hàng cá nhân).

Ngoài ra, tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp nhà nước (SOE) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lần lượt ghi nhận +9,5%ytd đạt 30 nghìn tỷ đồng và +15,7%ytd đạt 50 nghìn tỷ đồng. Riêng đối với cho vay doanh nghiệp trong nước ghi nhận -40%ytd đạt 91 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến dư nợ TPDN sẽ duy trì mức hiện tại.

Mức tăng trưởng tín dụng tại cuối Q2/2022 là 14,6%ytd đã gần tương đương mức hạn mức tín dụng NHNN đã cấp đầu năm là 15%. Theo theo thông tin của doanh nghiệp, đầu tháng 9/2022 mức tín dụng được cấp thêm 3,2% nâng hạn mức room mới là 18,2%. MBB là một trong những ngân hàng nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém và chính sách sẽ nhận được sự hỗ trợ từ NHNN – đặc biệt là room tín dụng sẽ được cao hơn.

Nguồn: TPS
Nguồn: TPS

Huy động tăng trưởng thấp với tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao so với cùng kì

Tại cuối Q2/2022, tăng trưởng huy động ghi nhận 8,2%ytd (đạt 489 nghìn tỷ đồng), thấp hơn cùng kì là 9,3%ytd. Trong đó, tỷ lệ CASA Q2/2022 là 44%, thấp hơn so với mức cuối 2021 là 48% và cao hơn so với cùng kì Q2/2021 là 39%. Xu hướng sụt giảm tỷ lệ CASA là xu hướng chung của ngành khi hoạt động người dân và doanh nghiệp trở lại bình thường sau dịch thì nhu cầu chi tiêu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh trở lại.

Nguồn: TPS
Nguồn: TPS

NIM tiếp tục cải thiện

MBB là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành có tỷ lệ NIM tăng nhẹ so với cùng kì trong khi đó mức NIM trung bình ngành là tương đương so với cùng kì. Mức NIM trong 12 tháng (TTM) Q2/2022 đạt mức 5,35%, tăng nhẹ hơn so với cùng kì là là 5,14%. NIM cải thiện nhờ vào (1) chi phí vốn giảm (từ 2,97% xuống còn 2,49%) do tỷ lệ CASA cao hơn cùng kì và lãi suất huy động thấp hơn cùng kì (2) tăng trưởng tín dụng cao.

Nguồn: TPS
Nguồn: TPS

Lợi nhuận từ hoạt động ngoài lãi bị ảnh hưởng bởi hoạt động môi giới và đầu tư chứng khoán

Lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng gần tương đương so với cùng kì, Q2/2022 và 1H2022 lần lượt ghi nhận đạt 1.010 tỷ đồng (-1,9%YoY) và 2,128 tỷ đồng (+1,5%YoY). Trong đó, hoạt động thanh toán duy trì tăng trưởng hai con số (Q2/2022 đạt 386 tỷ đồng, +38%YoY và và 1H2022 đạt 735 tỷ đồng, +38,4%YoY). Tại thời điểm cuối tháng 06/2022 MBB tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu thị phần phí bancassurance (APE).

Hoạt động dịch vụ tiếp tục được thúc đẩy bởi chuyển đổi số và gia tăng hoạt động thu hút khách hàng. Theo thông tin từ ngân hàng, số lượng khách hàng giao dịch online đạt 498 tỷ đồng, tăng 27% so với thời điểm cuối năm 2021 và giá trị giao dịch online đạt 5,2 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021 và gấp 3 lần so với cùng kì.

Ngược lại, hoạt động môi giới chứng khoán đã giảm mạnh trong Q2/2022 trong xu hướng giảm của thị trường chứng khoán. Q2/2022 và 1H 2022 lần lượt ghi nhận 141 tỷ đồng (-78%YoY) và 352 tỷ đồng (+10,5%yoY) Hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục tăng trưởng mạnh. Q2/2022 tăng 46,5%YoY đạt 471 tỷ đồng và 1H/2022 tăng 68%YoY đạt 938 tỷ đồng. Ngược lại, Hoạt động đầu tư chứng khoán có sự sụt giảm mạnh trong Q2/2022 với – 74,6%YoY (đạt 83 tỷ đồng) và luỹ kế 6 tháng 2022 tăng 18%YoY đạt 1.207 tỷ đồng.

Nguồn: TPS
Nguồn: TPS

CIR duy trì ổn định

Tổng chi phí hoạt động tăng mạnh, Q2/2022 và 1H2022 lần lượt tăng 25.1%YoY (đạt 3.861 tỷ đồng) và 26,6%YoY (đạt 7.458 tỷ đồng). Chi phí gia tăng đến từ chi phí nhân viên Q2/2022 và 1H2022 tăng mạnh 32% - 33% YoY; chi phí tài sản và quản lý công vụ cũng tăng mạnh 15-16% YoY. Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đã đóng góp vào gia tăng chi phí tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ CIR tiếp tục duy trì ở mức tương đương so với cùng kì, Q2/2022 là 34% và 1H2022 là 32%.

Nguồn: TPS
Nguồn: TPS

Chi phí dự phòng giảm nhưng tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng

Chi phí dư phòng Q2/2022 và 1H2022 lần lượt giảm 43,5% YoY (ghi nhận 1.375 tỷ đồng) và giảm 17,5% (ghi nhận 3.500 tỷ đồng). Việc trích lập dự phòng giảm là do hoàn nhập khoản nợ xấu có dấu hiệu hồi phục như nhóm dư nợ tái cơ cấu.

Tại cuối Q2/2022, Tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) là 1,2%, tăng hơn so với cuối năm 2021 là 0,9% và tỷ lệ nợ nhóm 2-5/ dư nợ cho vay là 2,6%, tăng hơn so với cuối 2021 là 2%. Dư nợ tăng mạnh ở tất cả các nhóm nợ xấu, nợ nhóm 2,3,4,5 lần lượt tăng 45%ytd, 38%ytd, 15%ytd, 123%ytd. Ngân hàng vẫn kì vọng sẽ tiếp tục kiểm soát dưới 1,5% trong thời gian tới. với xu hướng nợ xấu gia tăng, tỷ lê bao phủ tại cuối Q2/2022 là 221%, thấp hơn cùng kì cuối Q2/2021 là 236% và cuối năm 2021 là 268%.

Nhờ vào hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, dư nợ tái cơ cấu đã giảm 23,8%ytd còn 3.324 tỷ đồng (chiếm 0,8% dự nợ cho vay). Theo thông tin của doanh nghiệp khoảng 90% dư nợ tái cơ cấu sẽ hồi phục tốt và không chuyển thành nợ xấu sau khi thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực tại cuối 06/2022.

Nguồn: TPS
Nguồn: TPS

Khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.700 đồng/cp

Cho cả năm 2022, TPS ước tính KQKD của MBB: tổng thu nhập hoạt động ước đạt 43.412 tỷ đồng (+17,5%YoY), tổng chi phí hoạt động ước đạt 14.448 tỷ đồng (+16,7%YoY), chi phí trích lập dự phòng ước đạt 8.048 tỷ đồng (+0,2%YoY), và lợi nhuận sau thuế ước đạt 16.736 tỷ đồng (+26,6%YoY). Chi tiết giả định dự phóng như sau:

- Hoạt động cấp tín dụng: tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trung bình ngành - ở mức là 20,6% năm 2022 nhờ vào phân khúc khách hàng cá nhân và SME; Tốc độ tăng trưởng huy động từ tiền gửi khách hàng 20%/năm

- NIM trong năm 2022 là 5,3%, tăng nhẹ so với năm 2021 là 5,04%

- Hoạt động dịch vụ kì vọng không có nhiều biến động: Hoạt động dịch vụ được hỗ trợ bởi hoạt động thanh toán với tỷ lệ sử dụng app thanh toán của MB tăng cao và hoạt động bảo hiểm.

- Kinh doanh ngoại hối tiếp tục duy trì tăng trưởng cao 58% trong năm 2022.

- Chi phí hoạt động tiếp tục kiểm soát tốt. Tỷ lệ CIR tiếp tục thiện giảm nhẹ về 33% năm 2022.

- Tỷ lệ nợ xấu duy trì mức thấp nhỏ hơn 1,5% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, trích lập dự phòng sẽ không tăng mạnh so với cùng kì.

Theo đánh giá của TPS, ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) là một ngân hàng tốt với nền tảng vững chắc và hoạt động hiệu quả. TPS kì vọng vọng ngân hàng sẽ duy trì tiềm lực hoạt động tốt như hiện tại cũng như sẽ đạt được những bước tiến đột phá trong định hướng chuyển đổi số hoá toàn diện, định vị khách hàng bán lẻ và SME, và tăng cường hoạt động trọng hệ sinh thái của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo. TPS sử dụng phương pháp so sánh P/B (tỷ trọng 50%) và phương pháp giá trị thặng dư (tỷ trọng 50%) đưa ra ước tính giá mục tiêu cho MBB là 32.700 đồng/cp.

Rủi ro đầu tư: Diễn biến bất lợi của lãi suất và chất lượng tài sản suy giảm làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng nhận sáp nhập với 1 ngân hàng 0 đồng, có thể làm giảm hiệu quả hoạt động trong ngắn hạn.

Thế Hưng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán