TPBank tăng “kịch trần” lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng cá nhân

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố nâng mức lãi suất áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân lên tối đa 1%/năm.

Quyết định này được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn từ 0.5%/năm lên mức 1%/năm.

Theo đó, với số dư tài khoản thanh toán cuối ngày từ 200 triệu đồng trở lên, khách hàng cá nhân tại TPBank sẽ được hưởng mức lãi suất không kỳ hạn cao nhất là 1%/năm. Khách hàng cá nhân có số dư tài khoản thanh toán cuối ngày dưới 100 triệu đồng và từ 100 đến dưới 200 triệu đồng sẽ lần lượt được hưởng mức lãi suất 0.2%/năm và 0.5%/năm.

Khoản lãi suất không kỳ hạn này sẽ được trả vào tài khoản của khách hàng theo định kỳ hàng tháng, dựa trên số dư cuối ngày của khách hàng tại tài khoản thanh toán. Khách hàng duy trì số dư trên tài khoản thanh toán càng nhiều, lãi suất sẽ càng cao.

TPBank tăng “kịch trần” lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng cá nhân
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)

Bên cạnh đó, đến với TPBank, khách hàng còn được tận hưởng hàng loạt ưu đãi vượt trội khác như miễn phí mở tài khoản với kho tài khoản số đẹp không giới hạn gồm tài khoản số siêu VIP, số ngày sinh, số di động, số ngũ quý… Nhiều loại phí như phí chuyển tiền trong TPBank và liên ngân hàng trên App TPBank, phí rút tiền mặt tại ATM TPBank và các ngân hàng nội địa khác, phí quản lý tài khoản và phí giao dịch… đều được miễn.

Khách hàng của “Bank Tím” còn có thể thỏa sức thể hiện chất tôi khi được tặng tài khoản nickname, tài khoản shopname mang đậm dấu ấn riêng. Đặc biệt, với số dư bình quân trên tài khoản thanh toán từ 100 triệu đồng trở lên trong 3 tháng, trong đó, tháng gần nhất có số dư cuối ngày từ 50 triệu đồng trở lên, quý khách hàng sẽ trở thành khách hàng cao cấp của TPBank và nhận được vô vàn đặc quyền khác.

Về kết quả kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng TPBank tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 3,8 nghìn tỷ đồng trong quý III/2022, do hoạt động kinh doanh trái phiếu không mấy khả quan. Lợi nhuận cốt lõi tăng trưởng 54% so với cùng kỳ, đạt khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, điều này là do việc tích cực trích lập dự phòng trong quý III/2021.

Thanh khoản được duy trì khá dồi dào nhờ tăng trưởng huy động từ khách hàng (tăng 16,6% so với đầu năm) trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn 11,2% so với cùng kỳ. Số dư trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ so với quý II/2022, nhưng vẫn chiếm 12,5% tổng dư nợ trong quý III/2022.

Mặt khác, các khoản nợ tái cơ cấu không còn là mối quan ngại chính, khi số dư nợ tái cơ cấu đã giảm xuống 0,4% tổng tín dụng trong quý III/2022. Mặc dù nợ xấu tăng nhẹ trong quý III/2022, nhưng tỷ lệ này vẫn có thể kiểm soát tốt ở mức dưới 1%.

Thiên Ân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục