TP. Hồ Chí Minh: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá gạo

(Banker.vn) Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến của giá gạo và có điều phối nguồn hàng để không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
TP. Hồ Chí Minh: Theo dõi sát diễn biến giá gạo để ngăn chặn đầu cơ, găm hàng Các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc bình ổn giá gạo

Theo nhận định của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng, rất khó dự đoán do phụ thuộc vào nhu cầu của các thị trường lớn.

TP. Hồ Chí Minh: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá gạo
Giá gạo tại TP. Hồ Chí Minh tăng trong thời gian qua do tác động từ giá gạo thế giới

Thực tế, theo Báo cáo Triển vọng Hàng hóa toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm đáng kể trước năm 2025 do các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn, bao gồm cả Ấn Độ và mối đe dọa hiện tại từ EI Nino. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới dự đoán giá nông sản sẽ giảm trong năm tới do nguồn cung tăng.

Ghi nhận tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 10/2023 tới nay giá gạo bán lẻ đã có sự điều chỉnh tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với hồi tháng 9/2023.

Trước bối cảnh giá gạo xu hướng tăng, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước cũng như hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, Sở cũng đôn đốc và vận động doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, sẵn sàng nguồn hàng lương thực nói chung, gạo nói riêng để không xảy ra tăng giá đột biến các mặt hàng này.

Được biết, ngay từ đầu năm nay UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Công Thương tiếp tục chủ trì và triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường. Theo đó, các tháng tết lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25%-43% nhu cầu thị trường. Bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng: 10.000 tấn rau quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản, 70 triệu quả trứng gia cầm, 5.000 tấn gạo…

Hiện các doanh nghiệp đều sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ, đồng thời cam kết không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, mất cân đối nhu cầu trong mọi tình huống.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương