TP. Hồ Chí Minh: Sức mua hàng Tết tăng dần

(Banker.vn) Còn hơn 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng hóa đổ về các chợ TP. Hồ Chí Minh nhiều hơn, sức mua hàng Tết cũng tăng lên đáng kể.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Không có chuyện tăng giá hàng hóa sau Tết Sức mua hàng Tết dần tăng, nhiều sản phẩm mới được tung ra thị trường TP. Hồ Chí Minh: Sức mua hàng Tết bật tăng, siêu thị tăng giờ mở cửa

Sức mua tăng dần

Còn hơn 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán 2024, hàng hóa về TP. Hồ Chí Minh nhiều hơn, sức mua tăng đáng kể. Tại chợ Bình Tây (quận 6), lượng khách nhiều hơn, không khí mua bán cũng rộn ràng hơn. Luôn tay lấy hàng cho khách, bà Ứng Thị Kim Liên chuyên kinh doanh bánh kẹo tại chợ Bình Tây cho biết, thời điểm này, mãi lực đã tăng từ 10 – 20% so với ngày thường, hi vọng vài ngày tới sức mua sẽ tăng lên nữa.

Mặc dù vậy, giá bán vẫn ổn định so với các năm trước. Chẳng hạn, giá sỉ đối với mứt me 165.000-170.000 đồng/kg, củ năng 120.000-130.000 đồng/kg, nho lớn 155.000-160.000 đồng/kg. Riêng mứt mãng cầu tăng giá 30.000 - 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ, ở mức 165.000-170.000 đồng/kg do nguồn nguyên liệu khan hiếm…

Anh Nguyễn Văn Hùng, khách mua tại chợ Bình Tây cho hay, các mặt hàng bánh kẹo, đồ khô các loại khá hút khách. Các mặt hàng như mực xé giá 280.000 đồng/kg, khô bò, hạt bí 140.000 đồng/kg, hạt hướng dương 90.000 đồng/kg, hạt điều vàng 260.000 đồng/kg, điều lụa 220.000 đồng/kg… hút khách.

TP. Hồ Chí Minh: Sức mua hàng Tết tăng dần
Sức mua hàng Tết tại các chợ dần tăng

Nhiều tiểu thương bán hàng tại chợ cho biết, sức mua dịp này đã tăng gấp 2-3 lần và nằm ngoài dự tính. Có thể năm nay người dân ở lại TP. Hồ Chí Minh đông hơn, nên lượng hàng tiêu thụ nhiều.

Tại tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), Tháp Mười (quận 6), hàng trăm khách hàng liên tục lựa các món đồ trang trí tết. Anh Nguyễn Minh Tú (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, các mặt hàng ở đây giá mềm, phong phú và dễ lựa chọn. Ví dụ như cặp linh vật hình rồng dán trang trí kim sa, dải treo thần tài bán khu này luôn thấp hơn các cửa hàng bên ngoài 30.000-70.000 đồng mỗi món.

Tại các hệ thống siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh như MM Mega Market, Co.opmart, Lotte… lượng khách tới mua sắm khá nhộn nhịp đông đúc hơn so với ngày thường. Hệ thống MM Mega Market tăng 20-30% tổng lượng dự trữ hàng hóa, đảm bảo cân đối nguồn hàng và ổn định giá xuyên tết, đồng thời tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá, kéo dài thời gian mở cửa từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm suốt dịp tết. Một số trung tâm sẽ mở cửa đến nửa đêm vào tuần cao điểm trước Tết… Hệ thống Saigon Co.op triển khai chương trình “Đến Co.op chở Tết về” tại 800 điểm bán khắp nước. Thời điểm này, các đơn hàng sắm Tết online tăng khoảng 50% so với bình thường và được siêu thị giao hàng ngay.

TP. Hồ Chí Minh: Sức mua hàng Tết tăng dần
Lượng khách tới mua sắm cũng nhộn nhịp đông đúc hơn so với ngày thường

Mua sắm tại siêu thị Co.opmart Xtra (Phạm Văn Đồng), anh Minh Sáng sống tại TP. Thủ Đức chia sẻ, thời điểm này không khí Tết tại các siêu thị khá rộn ràng. Các mặt hàng bày bán tại đây khá đa dạng, nhiều khuyến mãi. Vào một số khung giờ siêu thị khá đông khách phải chờ khoảng 15-20 phút để thanh toán.

Qua đánh giá của người dân, năm nay, các mặt hàng có mức giá tương đương các năm trước. Nhiều giỏ hàng mẫu mới, vừa túi tiền cũng được các nhà bán lẻ tung ra để phục vụ người tiêu dùng.

Nỗ lực để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh năm nay, sản lượng hàng hoá sản xuất tăng cao. Thành phố có 45 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Đây là những doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường cũng tính toán việc chăm lo cho thành phần yếu thế, người lao động thu nhập thấp được nhận lương thưởng cận Tết. Do đó, các doanh nghiệp đã thiết kế giảm giá sâu với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm... Trong hai ngày 28 và 29 Âm lịch sẽ có giảm giá sâu, để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Ngoài ra, chương trình bình ổn thị trường do đơn vị xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã được lên kế hoạch từ giữa năm 2023 là không điều chỉnh giá. “Ngành Công Thương nỗ lực không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá mùa Tết; đồng thời phối hợp với các quận, huyện, TP. Thủ Đức, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh giám sát chặt chẽ giá cả, tình trạng niêm yết giá; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; tránh tình trạng trà trộn hàng kém chất lượng, thổi giá hàng hóa thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024”, ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục