TP. Hồ Chí Minh nỗ lực triển khai các giải pháp điều hành trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại

(Banker.vn) Với vai trò đầu tàu của nền kinh tế, TP. Hồ Chí Minh cam kết thực hiện tốt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành nhằm phát triển kinh tế ổn định.
TP. Hồ Chí Minh: Đưa đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vào kênh phân phối Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 Ngành Công Thương: Chung sức vượt qua thách thức, đạt mục tiêu lớn năm 2024

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương, ông Nguyễn Văn Dũng- Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho hay: TP. Hồ Chí Minh có độ mở kinh tế lớn nên chịu ảnh hưởng từ tác động của suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường cũng như điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn. Từ đó, đã ảnh hưởng trực diện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Trước tình hình đó, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp và hướng dẫn về chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương nói chung, Bộ Công Thương nói riêng, TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai các giải pháp điều hành trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại để đảm bảo ổn định phát triển kinh tế, duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, cung ứng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trong nước.

TP. Hồ Chí Minh nỗ lực triển khai các giải pháp điều hành trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: TP. Hồ Chí Minh đã tập trung khai thác các chính sách về tài khóa, tiền tệ của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tiễn; vận dụng linh hoạt và triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với số tiền 610.376 tỷ đồng cho 162.289 khách hàng, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đóng góp chung trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Thành phố. Năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố ước tăng 4,6%.

Tập trung các nguồn lực khai thác tốt thị trường nội địa để bổ trợ cho thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, tiếp tục phát huy hiệu quả các Chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mại tập trung trên địa bàn Thành phố; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh các hoạt động liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước trên nguyên tắc vừa đảm bảo phát triển kinh tế Vùng, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế và kinh tế của từng địa phương; thông qua đó, đã giúp cho doanh nghiệp ổn định nguồn cung, thị trường và đẩy mạnh các cơ hội bán hàng, tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước; đóng góp chung vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố ước tăng 10,8%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 698.705,8 tỷ đồng, tăng 11,7%”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

TP. Hồ Chí Minh nỗ lực triển khai các giải pháp điều hành trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại
Ông Nguyễn Văn Dũng - Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Thành phố cũng đã tập trung các giải pháp quản lý, điều hành kịp thời, không để bị động để giảm thiểu những tác động khó khăn, nâng cao khả năng dự báo, chủ động xây dựng các bản để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra; phối hợp với Bộ Công Thương nắm bắt thông tin thị trường, không bị đối mặt với các “cú sốc” về nguồn cung, từ đó đảm bảo các hoạt động ổn định, duy trì nguồn cung về điện, xăng dầu đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân được liên tục.

Kiên trì tham mưu Trung ương ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; tạo bước chuyển có tính đột phá để khai thác tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù, các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của thành phố nhất là trong các lĩnh vực về khuyến khích đầu tư công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ, Đề án sử dụng các mái nhà công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời giúp thành phố bổ sung nguồn điện cung cấp tại chỗ.

Là một đô thị đông dân, với mật độ cao ốc, nhà máy và công trình công cộng, TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng mặt trời mái nhà. Hiện thành phố cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để TP. Hồ Chí Minh không chỉ phát triển điện mặt trời từ các mái nhà công mà còn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy, nhà dân để tận dụng các lợi ích của điện mặt trời mái nhà, góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Để chuẩn bị cho năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8%, trong đó tiếp tục xác định ngành Công Thương là một trong những trụ cột quan trọng đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế thành phố. Bên cạnh việc tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thành phố kiên trì thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển kinh tế cũng như thường xuyên phối hợp, tranh thủ sự hướng dẫn kịp thời về chuyên môn từ các Bộ, ngành Trung ương; trong đó tập trung phát triển về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phối hợp Bộ Công Thương thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu...

TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ cũng như các ý kiến hướng dẫn về chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương để thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố bền vững, xứng đáng với tinh thần “cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước” và góp phần thúc đẩy phát triển ngành Công Thương ngày càng bền vững”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Nhóm phóng viên

Theo: Báo Công Thương