TP. Hồ Chí Minh: Nhiều người gặp khó khi áp dụng xác thực sinh trắc học để chuyển tiền

(Banker.vn) Ghi nhận của phóng viên tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều người dân gặp khó trong ngày đầu tiên áp dụng xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản ngân hàng.
Sẵn sàng phương án xử lý vướng mắc trong sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học Người dân “chật vật” xác thực sinh trắc học để chuyển tiền trên app ngân hàng Chi tiết 4 bước cài đặt sinh trắc học giúp an toàn khi giao dịch ngân hàng

Nhiều người dân gặp khó

Từ ngày 1/7/2024, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử với số tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng/ngày cần phải được xác thực bằng sinh trắc học, thông qua nhận diện khuôn mặt và thẻ chip của căn cước công dân.

Nhiều ngân hàng trên toàn quốc đã chính thức triển khai hệ thống xác thực sinh trắc học cho các giao dịch chuyển tiền, nhằm tăng cường bảo mật và tiện lợi cho khách hàng. Ngay từ khi các ngân hàng bắt đầu xác thực sinh trắc học, hàng loạt người dùng đã nhanh chóng cập nhật. Quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng, khách hàng chỉ cần thực hiện đúng theo từng bước hướng dẫn trên ứng dụng là có thể hoàn tất.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Trong ngày đầu tiên triển khai, đã có không ít khách hàng gặp phải các vấn đề kỹ thuật. Một số người dùng phản ánh rằng hệ thống không nhận diện được vân tay hoặc khuôn mặt của họ, khiến cho giao dịch bị gián đoạn. Những sự cố này đã gây ra không ít phiền toái và bức xúc cho khách hàng, đặc biệt là trong những trường hợp giao dịch quan trọng và khẩn cấp.

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều người gặp khó khi áp dụng xác thực sinh trắc học để chuyển tiền
Nhiều người dân loay hoay với việc áp dụng sinh trắc học.

Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều khách hàng có những phản ứng khác nhau. Một số người tỏ ra thông cảm và hiểu rằng đây là giai đoạn thử nghiệm, không thể tránh khỏi những sai sót ban đầu. Tuy nhiên, cũng có không ít người bày tỏ sự không hài lòng và yêu cầu các ngân hàng phải có biện pháp đền bù thiệt hại cũng như nhanh chóng cải thiện dịch vụ.

Anh Đức Huy, một khách hàng tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trải nghiệm trong ngày đầu sử dụng xác thực sinh trắc học để chuyển tiền: “Tôi thấy xác thực bằng khuôn mặt rất tiện lợi, không cần phải nhớ mật khẩu hay mã OTP nữa. Sáng nay, tôi đã chuyển tiền thành công mà không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, một số bạn bè của tôi phàn nàn rằng hệ thống báo lỗi khuôn mặt không khớp với cơ sở dữ liệu đã lưu của ngân hàng. Tôi nghĩ cần có thêm thời gian để hệ thống hoàn thiện hơn".

Chị Hoài Thương, một khách hàng tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết, chị đã gặp khó khăn khi sử dụng xác thực sinh trắc học để chuyển tiền: “Sáng nay, tôi thử dùng khuôn mặt để chuyển tiền nhưng hệ thống không nhận diện được. Tôi đã phải thử lại nhiều lần mới thành công. Dù vậy, tôi vẫn ủng hộ việc áp dụng công nghệ này vì nó giúp bảo vệ tài khoản tốt hơn".

Khắc phục thế nào?

Để khắc phục, các ngân hàng đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp cải thiện, như nâng cấp hệ thống, tăng cường đào tạo nhân viên hỗ trợ khách hàng, và tiếp tục thu thập phản hồi từ người dùng để hoàn thiện hơn nữa dịch vụ.

Nhân viên Ngân hàng Vietinbank cho biết, phản hồi của khách hàng về việc sử dụng xác thực sinh trắc học trong ngày đầu tiên: “Nhiều khách hàng tỏ ra hài lòng với sự tiện lợi và an toàn mà xác thực sinh trắc học mang lại. Nhưng cũng có không ít khách hàng phản ánh về việc hệ thống nhận diện không chính xác hoặc gặp lỗi như quét được khuôn mặt thì hệ thống báo lỗi. Tuy nhiên, cũng có một số khách hàng than phiền dù đã cập nhật dữ liệu sinh trắc học nhưng sáng nay chuyển tiền hơn 10 triệu đồng vẫn không thành công. Chúng tôi đã tiếp nhận và ghi nhận tất cả các phản hồi này để báo cáo lên cấp trên và tìm cách khắc phục".

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều người gặp khó khi áp dụng xác thực sinh trắc học để chuyển tiền
Tại một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lượng khách hàng đến chờ được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xác thực sinh trắc học khá đông.

Ghi nhận tại một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lượng khách hàng đến chờ được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xác thực sinh trắc học khá đông. Các ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học từ việc thông báo trên phần mềm, ứng dụng Smart Banking và bố trí nhân sự hỗ trợ trực tiếp tại quầy giao dịch giúp khách hàng tránh việc bị gián đoạn dịch vụ.

Trả lời phóng viên, bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Giám đốc Ngân hàng SCB - Chi nhánh Chợ Lớn cho biết: “Ngân hàng đã phải tăng cường nhân sự, đầu tư cho hệ thống để hỗ trợ tối đa khách hàng. Có thể thời gian đầu còn trục trặc nhưng xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng và tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày là cần thiết để hạn chế tối đa tình trạng tài khoản không chính chủ, lừa đảo và gian lận”.

Hiện các ngân hàng đang ráo riết triển khai cập nhật dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, khuyến khích khách hàng nhanh chóng cập nhật để tránh bị gián đoạn dịch vụ. Họ đang nỗ lực khắc phục các sự cố và đẩy nhanh quá trình triển khai để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Mặc dù ngày đầu áp dụng xác thực sinh trắc học trong chuyển tiền gặp không ít trục trặc, nhưng đây vẫn là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống tài chính. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cam kết của các ngân hàng, công nghệ xác thực sinh trắc học sẽ sớm trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm ngân hàng số của khách hàng Việt Nam. Trong tương lai, xác thực sinh trắc học hứa hẹn sẽ trở thành một phương pháp phổ biến và được ưa chuộng trong các giao dịch tài chính, góp phần nâng cao niềm tin và sự an toàn trong hệ thống tài chính.

Yến Thư

Theo: Báo Công Thương