TP. Hồ Chí Minh: Nắng nóng kỷ lục, sản phẩm giải nhiệt hút khách

(Banker.vn) Thời tiết nắng nóng kéo dài và gay gắt khiến nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các loại thực phẩm giải nhiệt, đặc biệt là trái cây tăng cao.
Sản phẩm giải nhiệt cho mùa hè Dự báo thời tiết biển hôm nay 1/4/2024: Có mưa vài nơi, trời nắng nóng Thời tiết hôm nay ngày 1/4/2024: Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng kỷ lục

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng nắng nóng tiếp tục xuất hiện diện rộng ở khu vực Nam Bộ. Những ngày qua, nắng nóng gay gắt quay trở lại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Theo các bản tin thời tiết, nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất lên tới 37 - 38 độ C. TP. Hồ Chí Minh tuy không phải là tâm điểm nắng nóng nhưng mức nhiệt cao nhất cũng lên 35 - 36 độ C. Tuy nhiên, thực tế nhiệt độ cảm nhận của người dân còn vượt xa so với số đo trong lều khí tượng.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục nhiều ngày qua, ngoài giải pháp hạn chế ra đường thì nhiều người chọn cách sử dụng thức uống giải nhiệt như: Các loại trái cây, thức uống giải khát... trở nên sôi động, thu hút nhiều khách hàng quan tâm mua sắm.

Ghi nhận các chợ truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh như: Chợ Bình Triệu (TP. Thủ Đức), chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Tân Sơn Nhất (Gò Vấp)… nhiều loại trái cây được bày bán với mức giá thấp. Theo đó, tại chợ Bình Triệu (TP. Thủ Đức), thanh long, dưa hấu, ổi có giá 7.000 - 15.000 đồng/kg, mận đỏ An Phước có giá 20.000 - 30.000 đồng/kg, xoài keo có giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, cam sành 16.000 đồng/kg, tắc, chanh dây 15.000 đồng/kg.

TP. Hồ Chí Minh: Nắng nóng kỷ lục, sản phẩm giải nhiệt hút khách
Nhiều loại trái cây giải nhiệt mùa hè hút khách

Ngoài ra các loại trái cây nhập khẩu cũng khá hút hàng như: Cam, quýt, nho, táo... của Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Ai Cập... với giá dao động từ 60.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại.

Bà Lê Thị Thanh, chủ một vựa trái cây ở chợ Bình Triệu (TP. Thủ Đức) cho hay, thời tiết nắng nóng nên sức mua các loại trái cây tăng khá cao. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá nhiều loại trái cây khá ổn định, chỉ tăng đôi chút vào một số dịp như ngày vía Thần Tài, rằm tháng Giêng… Bên cạnh đó, sức mua các mặt hàng này cũng tăng 20-30% so với ngày thường. Cụ thể, dừa tươi là loại được tiêu thụ khá nhiều, giá bán tăng nhẹ, từ 8.000 - 15.000 đồng/trái, khóm khoảng 12.000 - 15.000 đồng/trái loại 1, cam xoàn 35.000 - 50.000 đồng/kg, dưa lưới 60.000 - 80.000 đồng/kg…

Nhiều tiểu thương dự báo, từ nay đến khoảng tháng 4-5, là cao điểm mùa nắng nóng nên các loại trái cây giải nhiệt sẽ tiếp tục được tiêu thụ mạnh. Bà Trần Thị Hoàng - tiểu thương bán trái cây tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho biết, thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng tư có nhiều loại trái cây vào mùa nên giá về chợ cũng rẻ hơn so với đầu tháng. Đa số các loại trái cây được nhập từ nhà vườn miền Tây nên chi phí vận chuyển thấp, chất lượng tươi ngon được nhiều khách yêu thích.

Cùng với các chợ, tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị sức mua sản phẩm giải nhiệt cũng tăng rõ rệt. Đáng chú ý, để thu hút người tiêu dùng, các siêu thị còn thực hiện hoạt động khuyến mãi, giảm giá từ 15-20% cho các loại trái cây như bưởi da xanh, dưa hấu, ổi, mận, xoài cát chu, táo...

Bên cạnh nhóm sản phẩm giải nhiệt thực phẩm, nhóm đồ dùng được người dân quan tâm và bán chạy trong mùa nắng nóng còn có nhóm ngành hàng điện máy, điện lạnh, với những sản phẩm như máy lạnh, quạt điều hòa, quạt điện, máy xay sinh tố, máy ép trái cây...

Cũng như nhóm hàng thực phẩm, các sản phẩm thuộc nhóm điện máy và gia dụng đang được giảm giá từ 10 - 40%. Theo đó, các dòng máy lạnh có phân khúc giá từ 6-12 triệu đồng đang bán chạy. Cùng với đó, các loại tủ lạnh có dung tích từ 200-250 lít với tầm giá từ 6-10 triệu đồng được nhiều người chọn mua. Các loại quạt điều hòa từ 1,5 - 5 triệu đồng/máy; quạt máy truyền thống có ưu điểm độ bền cao, dễ thay thế linh kiện có mức giá từ 200 - 500.000 đồng/cây cũng được tiêu thụ mạnh.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cuối tháng 3 đầu tháng 4 là cao điểm mùa khô và mặn xâm nhập. Tuy nhiên, hiện có hơn 276.000 ha lúa hè thu đã xuống giống, tập trung ở Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và một phần ở Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long. Sang tháng 4 vẫn ít xuất hiện mưa, nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao… Từ nay đến cuối tháng 5, Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao, trong đó đợt xâm nhập cao nhất từ ngày 8 đến 14/4, ranh mặn 4‰ tại các cửa sông 45-95km.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục