TP. Hồ Chí Minh: Làm gì để ‘thắp sáng’ kinh tế đêm?

(Banker.vn) Để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, TP. Hồ Chí Minh cần có những cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp, qua đó khai thác hiệu quả tối đa từ mô hình này.
TP. Hồ Chí Minh: Khoảng 500 gian hàng sẽ có mặt tại Diễn đàn Công nghệ Quốc tế iTECH EXPO 2024 TP. Hồ Chí Minh mở cụm gian hàng tại sự kiện 'Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế' TP. Hồ Chí Minh: 4 tháng đầu năm, xử lý gần 60.500 vụ vi phạm nồng độ cồn

Du lịch tăng trưởng mạnh

TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là “Thành phố không ngủ” nên các sản phẩm du lịch ban đêm rất đa dạng phong phú, từ không gian vui chơi ở các tuyến phố đi bộ, quán cà phê, nhà hàng, quán bar, đến các câu lạc bộ đêm, các show diễn nghệ thuật, tour đường thủy bằng waterbus, ngắm hoàng hôn trên du thuyền hạng sang, thưởng thức ẩm thực đêm trên sông Sài Gòn, tham quan thành phố với xe buýt hai tầng hoff on – hoff off.

Hiện nay, phát triển kinh tế đêm được TP. Hồ Chí Minh xác định là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy toàn ngành, du lịch giải trí - ẩm thực - dịch vụ về đêm là một trong 3 nhóm sản phẩm du lịch được thành phố tập trung phát triển cùng với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, không gian vui chơi, đa dạng loại hình du lịch,... sẽ là động lực đẩy mạnh sản phẩm du lịch về đêm đặc sắc, độc đáo và nâng chất trải nghiệm của du khách.

Có thể nói phát triển kinh tế đêm là một trong những cách giữ chân du khách lâu hơn, đồng thời, thúc đẩy gia tăng chi tiêu của khách trong thời gian lưu trú tại thành phố. Do đó, việc quy hoạch đồng bộ, bài bản các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm góp phần tích cực phát triển du lịch vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm gắn với kinh tế đêm ở TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh: Làm gì để ‘thắp sáng’ kinh tế đêm?
Phố đêm Bùi Viện (quận 1) thu hút rất đông khách du lịch.

Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, với những lợi thế trên, doanh thu của du lịch kinh tế đêm cũng có nhiều đóng góp vào kết quả chung của du lịch. Cụ thể, theo thống kê trong 5 tháng năm 2024, lượng khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 2,2 triệu lượt (tăng trên 30% so cùng kỳ năm 2023); khách nội địa là gần 14 triệu lượt. Tổng thu du lịch trên 76.000 tỷ đồng (tăng gần 14% so với cùng kỳ).

Để phát triển mô hình kinh tế đêm thành phố hiện nay cũng có nhiều thuận lợi. Đầu tiên là các hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật được diễn ra thường xuyên tại các sân khấu, các trung tâm và các khu vui chơi giải trí. Cùng với đó là các sự kiện âm nhạc và các show diễn đẳng cấp của các nghệ sĩ nổi tiếng.

Ngoài ra, tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay có không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm rất đa dạng. Trong đó phải kể đến các địa điểm rất hút khách như: Phố đêm Bùi Viện (quận 1), các tuyến phố ăn uống về đêm như Vĩnh Khánh (quận 4), Phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung – Hồ Thị Kỷ (quận 10), Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), Food Street Market (quận 1), Quảng trường nhạc nước Hòa Bình Square (quận Gò Vấp), Công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm dọc tuyến đường kênh Tân Hóa (quận 11), Phố ẩm thực, mua sắm trên đường Hậu Giang (quận 6).

Làm gì để “thắp sáng” kinh tế đêm?

Vừa qua, tại cuộc họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế, xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, bà Đinh Tố Hoa, Phó Trưởng Phòng Công nghệ - Thông tin du lịch, Sở Du lịch Thành phố đánh giá cao vai trò của kinh tế đêm trong việc phát triển du lịch của thành phố

“Có thể thấy rõ, kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Để “thắp sáng” kinh tế đêm, cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp, từ đó đưa ra phương hướng phòng ngừa, quản lý đồng bộ, toàn diện đối với mô hình này.”, bà Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hoa, hiện nay việc phát triển kinh tế đêm cũng gặp một vài những khó khăn nhất định, nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, đơn vị kinh doanh và người dân còn là một rào cản.

Từ thực tế trên, đại diện Sở Du lịch Thành phố cho rằng, để làm kinh tế đêm hiệu quả cần sự vào cuộc, sự huy động nguồn lực của cả chính quyền, các sở, ban ngành, người dân địa phương và những người làm du lịch. Đích đến cuối cùng là sản phẩm du lịch có thể khai thác được và thu hút du khách, cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố.

Trong đó, tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm.

TP. Hồ Chí Minh: Làm gì để ‘thắp sáng’ kinh tế đêm?
Bà Đinh Tố Hoa, Phó Trưởng Phòng Công nghệ - Thông tin du lịch, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, mỗi quận huyện cũng cần nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa bàn, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể.

Cùng với đó, cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến địa phương dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh, cũng như yêu cầu và khả năng bố trí nguồn lực quản lý và hỗ trợ của địa phương, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, khuyến khích khách du lịch trải nghiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm cần đảm bảo môi trường về tiếng ồn bởi hiện nay, một số dịch vụ vui chơi giải trí ban đêm có âm thanh hoạt động công suất cao, các hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra suốt đêm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến du khách và người dân địa phương tại các khu vực xung quanh. Đồng thời, cần chú trọng đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh lành mạnh, không để phát sinh tình trạng chặt chém, ép giá, đe dọa, giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì an toàn giao thông, an ninh - trật tự xã hội…”, bà Đinh Tố Hoa nhấn mạnh

Cũng theo đại diện Sở Du lịch, hiện nay, các doanh nghiệp du lịch cũng chưa sẵn sàng đầu tư thiết kế thêm các sản phẩm để khai thác hiệu quả những tiềm năng này, ví dụ tổ chức các tour khám phá đêm với vespa, với xe máy, hay xích lô... (trước đây có một vài doanh nghiệp đã triển khai loại hình này nhưng sau 2 năm dịch bệnh, đến nay vẫn chưa được khôi phục).

Ngoài ra, thành phố hiện chưa có một chương trình nghệ thuật (show diễn thực cảnh) của riêng. Đây là yếu tố rào cản để du lịch đêm trở thành sản phẩm giữ chân du khách, đây cũng là mong mỏi bấy lâu nay của nhiều người để có thể kết nối khai thác các chuỗi hoạt động tham quan, mua sắm, ăn uống, thưởng thức.

“Lợi thế rất lớn của TP. Hồ Chí Minh chính là sông Sài Gòn, đây là điểm nhấn của hoạt động du lịch đêm với các dịch vụ ăn tối trên sông, trên các du thuyền hoặc loại hình tàu ngủ đêm trên sông sẽ thu hút lượng khách nhiều hơn. Tuy nhiên, một số vấn đề về cầu tàu, bến bãi, khu vực neo đậu, chi phí vận hành… vẫn luôn là vấn đề nan giải cho việc khuyến khích đầu tư và phát triển loại hình dịch vụ này”, bà Đinh Tố Hoa nêu rõ.

Diệu Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục