TP. Hồ Chí Minh: Khó xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội

(Banker.vn) Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, năm 2023, nhiều quyết định cưỡng chế về Bảo hiểm xã hội được ban hành, nhưng doanh nghiệp cho số tài khoản không còn tiền.
6 dịch vụ công trực tuyến của ngành bảo hiểm xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp hoàn thành mục tiêu

Tại hội nghị cung cấp thông tin quý IV/2023 cho báo chí tổ chức ngày 11/1, ông Lò Quân Hiệp - Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn có trên 2,76 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 3,98% so với năm 2022.

Trong năm 2023, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 86.183 tỉ đồng, tăng 11,05% so với năm 2022. Tuy nhiên, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội tạm tính đến 31/12/2023 còn lại là hơn 3.685,7 tỉ đồng (trừ số tiền chậm đóng dưới 1 tháng, số chậm đóng khó thu và số chậm đóng của các đơn vị thuộc tập đoàn Vinashin, Vinalines).

TP. Hồ Chí Minh: Khó xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội còn lại là hơn 3.685,7 tỉ đồng

Cơ quan bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra 3.125 cuộc, qua đó đã đề nghị 1.531 đơn vị khắc phục số tiền nợ 312 tỉ đồng (trong đó có 865 đơn vị khắc phục nợ trong thời gian thanh tra kiểm tra với tổng số tiền là 109 tỉ đồng) và yêu cầu các đơn vị lập thủ tục tham gia cho 842 lao động với số tiền là 6,1 tỉ đồng…

Cơ quan bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 238 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền 13,1 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ có 59 đơn vị chấp hành quyết định xử phạt với tổng số tiền nộp phạt là 2,2 tỉ đồng.

Giải thích về việc số doanh nghiệp chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thấp (24,7%), ông Lò Quân Hiệp cho biết, có nhiều quyết định cưỡng chế được ban hành, nhưng doanh nghiệp cho số tài khoản không còn tiền, nên không thể cưỡng chế được. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, tài khoản của doanh nghiệp - ngân hàng không được cung cấp cho bên ngoài, nên khó khăn cho việc cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2023, số người làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn tăng so với năm 2022. Điều này gây nên tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm ở các cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện như quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và thành phố Thủ Đức…

Để giải quyết tình trạng ùn ứ, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đã phải bổ sung thêm nhân sự, tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người lao động vào ngày thứ Bảy. Đến nay, tình trạng ùn ứ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần cơ bản đã được giải quyết.

Tuy nhiên, đại diện Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế sau dịch Covid-19, trong năm 2023 nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân sự nên năm 2024 dự báo số lượng người lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần sẽ tiếp tục tăng. Đặc biệt, trong năm qua, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn tiếp diễn, gây khó khăn cho ngành Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, thực hiện chủ đề năm 2024 “Đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam", ngành Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp về giao dịch điện tử, tiếp tục giải quyết chi trả kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Phấn đấu đến cuối năm 2024, trên 2,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; 93% dân số của thành phố tham gia bảo hiểm y tế; trên 2,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương