TP. Hồ Chí Minh: Khi nào xét xử sư giả 'Thích Tâm Phúc'?

(Banker.vn) Theo kế hoạch, ngày 6/8 tới đây, Toà án nhân dân huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên toà xét xử Nguyễn Minh Phúc - người tự xưng “sư thầy Thích Tâm Phúc”.
TP. Hồ Chí Minh: Truy tố người tự xưng 'sư thầy Thích Tâm Phúc' Ai đã ''hà hơi tiếp sức'' giúp ''sư rởm'' Thích Tâm Phúc nổi rần rần trên mạng xã hội? Sư ‘dỏm’ Thích Tâm Phúc dùng bằng tiến sĩ Luật tôn giáo giả

Cụ thể, ngày 23/7, Toà án nhân dân huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị này sẽ xét xử Nguyễn Minh Phúc - người tự xưng “sư thầy Thích Tâm Phúc”, về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" vào ngày 6/8 tới đây.

Nguyễn Minh Phúc bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù và tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo điểm a khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 3 đến 7 năm tù.

Nguyễn Minh Phúc không có tình tiết tăng nặng; tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

TP. Hồ Chí Minh: Khi nào xét xử sư giả 'Thích Tâm Phúc'?
Ngày 6/8, Toà án nhân dân huyện Củ Chi sẽ mở phiên toà xét xử người tự xưng "sư thầy Thích Tâm Phúc" (Ảnh: CA TP.HCM).

Theo hồ sơ vụ án, năm 2021, bà H.T. (trú huyện Hóc Môn) mua một thửa đất có diện tích hơn 420m2 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi của vợ chồng ông N.V.T., với giá 2,4 tỷ, nhưng chưa được làm thủ tục tách thửa.

Ngày 7/10/2022, thông qua L.V.V. (33 tuổi, trú huyện Củ Chi), bà H.T. quen biết Nguyễn Minh Phúc và nhờ ông này làm thủ tục tách thửa đất nói trên thành 2 thửa, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng.

Mặc dù không có chức năng hay mối quan hệ nào để có thể làm thủ tục tách thửa đất, nhưng do quen biết và nhiều lần thuê người làm giấy tờ, bằng cấp giả nên ông Phúc đồng ý. Ông này yêu cầu bà H.T. đưa 135 triệu đồng để lo thủ tục. Bà H.T. chuyển cho ông Phúc 70 triệu đồng.

Nhận được tiền, ông Phúc lên mạng xã hội, thuê làm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Phúc đưa cho bà H.T. 1 bản, còn 1 bản giả và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà H.T. thì giữ lại, hẹn đến khi nạn nhân đưa số tiền còn lại sẽ trả.

Sau khi hành vi bị phát hiện, ông Phúc trốn sang Thái Lan. Qua một thời gian nghe ngóng tình hình, nghĩ rằng sự việc đã lắng dịu nên ông này quay về Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phúc đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Củ Chi triệu tập lên làm việc và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Tiếp đó, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu giữ hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, qua giám định xác định toàn bộ giấy tờ trên là giả.

Nguyễn Minh Phúc tự nguyện giao nộp 1 giấy chứng nhận tăng ni (chứng nhận Nguyễn Minh Phúc, thế danh: Thích Tâm Phúc), 1 giấy chứng điệp thọ (chứng nhận Nguyễn Minh Phúc), 1 bằng Thạc sĩ Luật Kinh tế, 1 bằng Tiến sĩ ngành Luật do Trường đại học Nội vụ Hà Nội cấp. Qua xác minh, nhà chức trách xác định toàn bộ giấy tờ, bằng cấp trên đều là giả.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Minh Phúc với danh tự xưng là “thầy Thích Tâm Phúc” bắt đầu nổi lên vào năm 2022, ông Phúc gây chú ý vì mặc trang phục cử nhân, cầm bằng tốt nghiệp của một trường đại học nổi tiếng tại TP. Hồ Chí Minh. Qua xác minh thì ông này đến chúc mừng một sinh viên trong trường rồi thuê đồ của người chụp ảnh dạo bên ngoài để chụp ảnh.

Tiếp đó, ông Nguyễn Minh Phúc lại nổi tiếng”mạng xã hội về việc mặc áo nhà sư vào một quán nhậu để dự sinh nhật “đệ tử”.

Tấn Hiệp

Theo: Báo Công Thương