TP. Hồ Chí Minh: Gạo bán lẻ bước vào chu kỳ tăng giá mới

(Banker.vn) Việc giá gạo xuất khẩu tăng cao liên tục đã kéo giá bán lẻ mặt hàng này tại TP. Hồ Chí Minh tăng từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so với đầu tháng 10/2023.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 18/10: Giá gạo xuất khẩu tăng 10 USD/tấn Kiểm soát ngăn chặn biến động giá gạo trong nước Giá gạo tăng cao, có nên thành lập sàn giao dịch gạo?

Giá gạo bán lẻ "nhảy múa"

Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại kéo theo giá gạo bán lẻ trong nước cũng rục rịch tăng theo. Ghi nhận tại các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, giá gạo đã tăng 2.000 - 2.500 đồng/kg so với đầu tháng 10/2023.

Theo ông Nguyễn Văn Triệu - chủ cửa hàng gạo Bình Triệu trên đường số 6, TP. Thủ Đức, do giá gạo xuất khẩu tăng nên giá gạo tẻ thường đã tăng. Theo đó mỗi yến gạo tẻ tăng khoảng 2.000 đồng, trong đó gạo hương lài, thơm lài… tăng lên mức 19.000 - 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại gạo nở cũng tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg lên mức 17.000 - 17.500 đồng/kg.

"Cách đây khoảng 2 tháng, giá gạo liên tục thay đổi, các đại lý gạo đều rất lo lắng. Thời gian sau giá dần ổn định nhưng chưa được bao lâu thì đợt này lại tăng trở lại. Mặc dù giá gạo nhập vào tăng song khách hàng mua chủ yếu là khách quen nên chúng tôi bán vẫn giữ giá”- ông Triệu cho biết.

TP. Hồ Chí Minh: Giá gạo bán lẻ bước vào chu kỳ tăng giá mới
Giá gạo bán lẻ các loại tiếp đà tăng

Tương tự, tại cửa hàng gạo Thu Thảo (TP. Thủ Đức), bà Nguyễn Thị Thảo - chủ cửa hàng cho biết, khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, giá gạo từ các đại lý tăng nên cửa hàng nhập vào với số lượng ít hơn. "Gạo nhập với mức giá cũ vẫn bán giá cũ để giữ chân khách, chỉ có một số loại mới nhập là tăng giá thì tôi báo khách trước khi mua để họ hiểu", bà Thảo cho hay.

Nguyên nhân giá gạo tăng, một phần do hiện nay nguồn cung sụt giảm do vụ Hè Thu đã thu hoạch xong trong khi đó vụ Thu Đông chưa thu hoạch rộ. Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại Phước Thành IV cho biết, hiện tại, giá gạo trong nước tăng, giá gạo thường sẽ chạy theo khung và không đứng yên. Nhìn chung, tăng khoảng 25% so với giá gạo tháng 6.

Bên cạnh đó, thông tin Indonesia mua thêm dự trữ và Việt Nam sẽ là nguồn cung gạo chính cho thị trường này khiến giá gạo trong nước cũng có xu hướng tăng lên.

Giá gạo tăng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người tiêu dùng bởi gạo là thực phẩm thiết yếu. Hầu hết thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác đều tăng theo giá gạo, do đó sẽ kéo sức mua xuống.

“Sức mua trong nước hiện tại chỉ ở mức trung bình, tăng khá chậm vì tiêu dùng trong nước có hạn, đặc biệt trong thời gian gần đây giá gạo liên tục nhảy múa”, ông Thành cho biết.

Ổn định tại các siêu thị

Khác với chợ dân sinh, chợ truyền thống, đại lý bán lẻ, hiện nay tại nhiều siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ giá bán gạo ổn định. Tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ như: Bách hóa xanh, Winmart, Co.opmart,… giá gạo các loại hầu như không tăng giá. Nhiều mặt hàng gạo cao cấp còn được khuyến mãi, giảm giá.

Theo đó, tại Bách Hóa Xanh, các loại gạo Lài thơm có giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg, giảm 24.000 đồng/kg; Gạo thơm Vua Gạo làng ta 99.000 đồng/5kg, giảm 19.800 đồng; Gạo thơm Vua Gạo ST25, 7kg, giá bán 166.000 đồng, giảm 23.714 đồng; Gạo thơm Vua Gạo Phù Sa 2kg, giá bán 42.000 đồng, giảm 21.000 đồng; Gạo thơm Vua Gạo Phù Sa 5kg, giá bán 110.000đ, giảm 22.000 đồng.

Tương tự tại hệ thống siêu thị Co.opmart, gạo Thơm ST 25 5kg, giá bán 190.000 đồng; Gạo thơm làng ta 5kg 114.200 đồng; Gạo thơm hương Việt 103.300 đồng; Gạo trắng Xuân Hồng 5kg, giá bán 77.900 đồng; Gạo thơm Lài Lotus 5kg, giá bán 121.500 đồng; Gạo Japonica Neptune 5kg, giá bán 162.000 đồng; Gạo thơm Jasmine Xuân Hồng 5kg, giá bán 83.500 đồng.

Trước đó, vào tháng 8/2023, khi giá gạo xuất khẩu lên cơn sốt, tại thị trường các tỉnh phía Nam giá gạo cũng biến động khi giá hàng loạt loại gạo tăng mạnh. Để ổn định thị trường, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt chương trình bình ổn, thúc đẩy bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần ngăn chặn làn sóng tăng giá.

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn luôn có giá bán thấp hơn thị trường 5-10%.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong 10 ngày qua, giá gạo nguyên liệu trong nước liên tục điều chỉnh với mức tăng 1.000 đồng/kg. Ghi nhận sáng ngày 18/10, giá gạo tại Tiền Giang, Đồng Tháp đồng loạt tăng từ 50 - 100 đồng/kg và dao động quanh mốc 12.700 - 14.900 đồng/kg.

Cụ thể, tại Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 dao động quanh mốc 13.800 - 13.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 13.400 – 13.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 tăng 50 đồng/kg lên mức 12.800 – 13.900 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 tăng 50 đồng/kg lên mức 12.900 đồng/kg. Riêng gạo nguyên liệu ST 21, ST 24 tăng 100 đồng/kg lên mức 14.500 – 14.600 đồng/kg và 14.800 – 14.900 đồng/kg.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương