TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ khó, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch

(Banker.vn) Hàng chục câu hỏi của doanh nghiệp du lịch liên quan đến giá dịch vụ, vốn vay, ưu đãi về thuế, phát triển sản phẩm du lịch đêm… được giải đáp tại hội nghị.
Doanh nghiệp du lịch tăng nhanh sau đại dịch Covid-19 Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh ‘chơi lớn’, giảm giá phòng đến 100% cho du khách

Chiều 17/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố". Đây cũng là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 247 của Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố.

TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ khó, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch

Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh).

Chia sẻ tại sự kiện, ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh về lĩnh vực du lịch; cũng như các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp ngành du lịch với Sở Du lịch và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tại buổi đối thoại, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tiếp nhận và trả lời hàng chục câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về quy hoạch tổng thể phát triển khách sạn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; những ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; ổn định giá dịch vụ du lịch; những chủ trương, cơ chế, mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm…

TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ khó, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch
Hội nghị thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp du lịch (Ảnh: Thanh Minh).

Một vấn đề "nóng" được nhiều nhiều doanh nghiêp quan tâm đó là Sở Du lịch có kế hoạch tạo điều kiện để phát triển thêm các khách sạn có quy mô từ 3 sao trở lên ở khu vực TP. Thủ Đức, trong khi khu vực này không có nổi một khách sạn 3 sao?

Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, đại diện Sở Du lịch cho biết: Căn cứ Luật Du lịch 2017, các cơ sơ lưu trú du lịch đáp ứng cơ các yêu cầu về cơ sở vật chất và dịch vụ được quy định tại TCVN 4391:2015 có thể lập hồ sơ gửi về Sở Du lịch đề nghị công nhận hạng sao trình tự và thủ tục quy định (hình thức tự nguyện). Trên cơ sở đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai đánh giá, thẩm định cơ sở vật chất, kỹ thuật dịch vụ thực tế tại cơ sở để xem xét công nhận hạng sao theo quy định của pháp luật.

TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ khó, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch
Doanh nghiệp du lịch nêu những khó khăn, vướng mắc tại hội nghị (Ảnh: Thanh Minh).

Bên cạnh các khách sạn, các loại hình lưu trú khác tại TP. Thủ Đức như căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng có xu hướng phát triển nhanh, quy mô lớn. Sở Du lịch sẽ phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức rà soát chất lượng, dịch vụ, vận động các căn hộ du lịch, homestay nghỉ dưỡng trên địa bàn có quy mô, chất lượng phù hợp đăng ký xếp hạng sao. Đồng thời, Sở Du lịch sẽ phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, các sở, ngành liên quan đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khách sạn (hoạt động theo hệ thống tại khu vực trung tâm Thànnh phố phát triển thêm các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô từ 3 sao trở lên tại các khu vực khác.

“Trong thời gian tới, Sở Du lịch khuyến khích TP. Thủ Đức và các quận, huyện có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa phương nâng cấp, mở rộng hệ thống, xây mới cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch” - đại diện Sở Du lịch nói.

Liên quan đến nội dung câu hỏi, chính quyền TP. Hồ Chí Minh có những chủ trương, cơ chế như thế nào để doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch đêm?

TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ khó, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, trả lời cầu hỏi của doanh nghiệp lữ hành tại hội nghị (Ảnh: Thanh Minh).

Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Ngành du lịch thành phố xác định phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm “là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy ngành du lịch thành phố phát triển”. Nơi đây có những lợi thế để sẵn sàng đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm đặc sắc, độc đáo dựa vào cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa, lịch sử, ẩm thực, mua sắm, vui chơi, giải trí... là những loại hình du lịch được du khách lựa chọn trải nghiệm khám phá vào buổi tối.

Để du lịch ban đêm tại TP. Hồ Chí Minh trở thành “đòn bẩy phát triển kinh tế”, trong chức năng của Sở Du lịch sẽ tham mưu và tập trung thúc đẩy phát triển du lịch đêm với nhiều giải pháp như: Ứng dụng các nội dung của Đề án du lịch thông minh của TP. Hồ Chí Minh, đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Cùng với đó, xây dựng Đề án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố để khuyến khích các bảo tàng, khu di tích gắn với văn hóa lịch sử trên địa bàn Thành phố, khu điểm du lịch,… tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ, để mở cửa phục vụ du khách về đêm.

Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với các điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề phục vụ khách du lịch vào ban đêm; tiếp tục hỗ trợ truyền thông để đẩy mạnh 3 chương trình du lịch ban đêm đang khai thác: Quận 1 - Sắc màu đêm; Trăng Chiến khu – Địa đạo Củ Chi; Nhà Bè nghìn lẻ một đêm…

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh hiện đang ưu tiên khai thác mô hình kinh tế đêm, đồng thời đặc biệt thu hút giới đầu tư bởi định hướng tập trung mọi nguồn lực đưa Thành phố phát triển khiến cho thủ phủ du lịch này trở thành “cái nôi” của loại hình du lịch MICE, văn hóa lịch sử, giải trí, ẩm thực, làm tiền đề cho kinh tế đêm phát triển đồng bộ; để sản phẩm du lịch đêm “sống được”, phát triển ổn định và bền vững.

“Hiện ngành du lịch xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là văn hoá lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm. Ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của Thành phố như du lịch đường thuỷ, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm” - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nói.

Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch, các sở ngành liên qua còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương