TP. Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số trong năm 2024

(Banker.vn) Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững và đẩy nhanh việc xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Chủ động với Thỏa thuận Xanh của EU để xuất khẩu bền vững Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại: Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững

Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Những giải pháp đồng bộ này đã giúp kinh tế Thành phố có sự chuyển biến tích cực, tăng trưởng GRDP của Thành phố quý sau cao hơn quý trước và kết thúc năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng GRDP đạt 5,81%.

Cũng trong năm 2023, Thành phố thu hút được khoảng 5,85 tỷ USD vốn đầu tư, tăng 48,5% so với cùng kỳ. Lĩnh vực thu hút đầu tư cũng có sự dịch chuyển tích cực, số dự án đầu tư mới ghi nhận tăng trong các lĩnh vực thông tin và truyền thông, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm trong các lĩnh vực như hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các chuyên gia và doanh nghiệp, tình hình xuất nhập khẩu của Thành phố dù được cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2023 nhưng vẫn sụt giảm so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43,48 tỷ USD, giảm 8,64% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 56,73 tỷ USD, giảm 9,81% so với cùng kỳ. Hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn của Thành phố như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm và các mặt hàng xuất khẩu như dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị, thiết bị điện, sản phẩm từ cao su, chất dẻo,… đều có kim ngạch xuất khẩu giảm.

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số trong năm 2024
Các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh sẽ chú trọng để doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với người mua hàng.

Trong bối cảnh đó, theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2024.

“Mục tiêu của chúng tôi là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm thân thiện môi trường…”- ông Trần Phú Lữ cho biết.

Về định hướng thị trường xuất khẩu, theo ông Trần Phú Lữ, Thành phố sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới; củng cố vững chắc, từng bước mở rộng thị phần hàng hóa xuất khẩu của Thành phố tại các thị trường truyền thống bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo bước đột phá thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng như: Úc, Canada, Ấn Độ, khu vực Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Halal sang các thị trường người Hồi giáo.

Theo đó, trọng tâm của các hoạt động này sẽ là hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi (sản xuất chíp bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo,...); đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống và tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đối số, chuyển đổi xanh, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Để thực hiện, ông Trần Phú Lữ cho biết, năm 2024, Thành phố sẽ thực hiện đổi mới phương thức và đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Cụ thể là chú trọng thực hiện kết nối giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài (nhà phân phối, nhà nhập khẩu), giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư qua nền tảng số, trên môi trường trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để truyền thông, quảng bá giới thiệu cơ hội đầu tư kinh doanh, giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp tiêu biểu, tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và ngoài nước…

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức xúc tiến nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề - các tổ chức truyền thông quốc tế, trong nước trong tổ chức các hoạt động xúc tiến, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp phục vụ hoạt động xúc tiến và công tác truyền thông, quảng bá.

Đặc biệt, ITPC sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đáp ứng nhu cầu và mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, chú trọng hoạt động xúc tiến xuất khẩu nhằm tiếp tục giữ vững sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa ổn định, duy trì cân bằng cán cân thương mại, tận dụng lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA,… để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố và gia tăng thị phần hàng hóa xuất khẩu tại các thị trường truyền thống và thâm nhập, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới tiềm năng.

Song song đó sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số TP. Hồ Chí Minh bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử B2B, không gian triển lãm trực tuyến và cơ sở dữ liệu dùng chung cho hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Một số hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh gồm:

Tổ chức Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh lần thứ 3 năm 2024 (HCMC FOODEX 2024) vào tháng 5/2024; tổ chức chương trình Diễn đàn Xuất khẩu năm 2024 (kết hợp Chương trình Vietnam International Sourcing Expo 2024 của Bộ Công Thương) vào tháng 6/2024;

Tổ chức Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh TP. Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024 (GRECO 2024) vào tháng 9/2024; Chương trình Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm doanh nghiệp Việt tại hệ thống phân phối hiện đại (dự kiến tổ chức 02 chương trình tại hệ thống phân phối AEON Việt Nam, Central Retail Việt Nam) vào quý II và quý III/2024;

Chuỗi Hội nghị kết nối doanh nghiệp trong nước với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới (dự kiến tổ chức 03 chương trình: Amazon, Alibaba (OSB Agent), Global Sources,…);

Chuỗi Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn, Tọa đàm về thông tin thị trường, ngành hàng và hội nhập kinh tế quốc tế (dự kiến tổ chức 10 chương trình về các thị trường: Hoa Kỳ, châu Âu (Đức/Hà Lan), Trung Quốc, Trung Đông (UAE), thị trường Halal tại các nước Hồi giáo khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia,...), Canada, Úc, Ấn Độ, Belarus, Brazil,...)…

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục