TP. Hồ Chí Minh: Cơ sở massage gắn biển phòng khám, chữa cả bệnh tĩnh mạch

(Banker.vn) Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa xử phạt cơ sở massage Cheongdam-Dong (quận 7) nhưng lại gắn biển hiệu tiếng Hàn Quốc, ngang nhiên quảng cáo điều trị bệnh.
Hộp thư ngày 23/4: Chậm chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên; phản ánh về Phòng khám CheongDam-Dong TP. Hồ Chí Minh: Nhiều sai phạm tại Phòng khám da liễu DR.LAD và Spa Seeami TP. Hồ Chí Minh: Xử phạt, thu hồi giấy phép của hàng loạt phòng khám, thẩm mỹ

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngày 22/4, Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế đã phát hiện và cương quyết xử lý nghiêm một hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền...

Theo đó, thời gian qua, trang mạng xã hội Facebook “Viện phục hồi giãn tĩnh mạch – Cheongdam-Dong” đăng tải các nội dung như: “Khắc phục suy giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu, phục hồi giãn tĩnh mạch chuẩn y khoa”, “Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Cheongdam-Dong dẫn đầu trong lĩnh vực điều trị giãn tĩnh mạch… của hệ thống Cheongdam-Dong tại chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (163 Nguyễn Thị Thập, quận 7).

Nhận được phản ánh, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra địa chỉ trên và ghi nhận mặt tiền có treo bảng hiệu Cheongdam-Dong cùng với các dòng chữ tiếng Hàn Quốc. Cơ sở này đối phó, không hợp tác với Đoàn kiểm tra cho đến khi có lực lượng chức năng địa phương đến phối hợp.

TP. Hồ Chí Minh: Cơ sở massage gắn biển phòng khám, chữa cả bệnh tĩnh mạch
Cơ sở Cheongdam-Dong ở 163 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có quản lý, nhân viên lễ tân và 2 nhân viên thực hiện dịch vụ, không phải nhân viên y tế và không có chứng chỉ chỉ hành nghề liên quan đến y tế. Quản lý cơ sở đã xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh do UBND quận 7 cấp cho bà B.P.L làm chủ hộ kinh doanh với ngành, nghề kinh doanh được ghi trong giấy chứng nhận “Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe tương tự (trừ hoạt động thể thao).

Cơ sở này hoàn toàn không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế cấp, nhưng ngang nhiên quảng cáo là “Viện phục hồi giãn tĩnh mạch – Cheongdam-Dong”, và thực tế đang tiếp nhận khách hàng đến tư vấn và điều trị phục hồi giãn tĩnh mạch, các khách hàng cũng cho biết tìm đến cơ sở này do đọc được quảng cáo trên Website “pkcheongdamdong.com”, Facebook và số điện thoại liên lạc tư vấn.

Về cơ sở vật chất, tòa nhà có 7 tầng, cơ sở hoạt động 3 tầng, các phòng có trang bị giường và các thiết bị xông hơi, đèn chiếu chưa xác định được tính năng, công dụng trong lĩnh vực y tế.

Kiểm tra trang Website: pkcheongdamdong.com có đăng tải nội dung quảng cáo như: “Chúng tôi Viện Cheongdam-Dong, nơi dẫn đầu trong giải pháp điều trị mất ngủ”, “Với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại và phương pháp điều trị tiên tiến” và các hình ảnh bác sĩ. Trang Facebook “Viện phục hồi giãn tĩnh mạch - Cheongdam-Dong” có đăng tải nội dung quảng cáo: Hình ảnh các bác sĩ, “Công nghệ Mega Sleep” “chuyên gia điều trị mất ngủ” “dứt điểm tình trạng mất ngủ sau 1 lần điều trị”; “Liên hệ với Cheongdam-Dong ngay để được thăm khám và chăm sóc sức khỏe chủ động bởi các chuyên gia hơn 15 năm kinh nghiệm”; “Điều trị dứt điểm giãn tĩnh mạch”; “Với đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm 10 năm cam kết khắc phục triệt để tình trạng suy giãn mao mạch, tĩnh mạch với công nghệ chuyển giao độc quyền từ châu Âu”…

TP. Hồ Chí Minh: Cơ sở massage gắn biển phòng khám, chữa cả bệnh tĩnh mạch
Quảng cáo “Phục hồi giãn tĩnh mạch Chuẩn Y Khoa” và “Điều trị dứt điểm mất ngủ Chuẩn Y Khoa” của hệ thống Cheongdam-Dong trên Facebook.

Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở ngừng ngay các dịch vụ kinh doanh không đúng ngành nghề trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và quảng cáo trong lĩnh vực y tế, tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo chưa đúng quy định. Đồng thời, Thanh tra Sở y tế đề nghị Phòng Y tế quận 7 giám sát việc hoạt động tại cơ sở.

Hiện, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đang tổng hợp việc xử lý và sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở với số tiền ước khoảng 35 triệu đồng với hành vi: “Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”.

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này sẽ có văn bản đề nghị UBND quận 7 tiến hành rà soát và kiểm tra lại các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với các ngành nghề dễ “lấn sân” sang lĩnh vực y tế. Đồng thời, Sở Y tế đề nghị UBND quận 7 xử lý nghiêm các hộ kinh doanh cố tình quảng cáo trái phép, gây nhầm lẫn cho khách hàng, cụ thể như ngành nghề dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe, xoa bóp, spa, chăm sóc da… nhằm lừa đảo, trục lợi người bệnh.

TP. Hồ Chí Minh: Cơ sở massage gắn biển phòng khám, chữa cả bệnh tĩnh mạch
Quảng cáo về Phòng khám Cheongdam-Dong và Viện Cheongdam-Dong giúp đánh bay bệnh tật.

Trước đó, như đã thông tin, Báo Công Thương nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến Phòng khám Cheongdam-Dong (163 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, lừa dối người bệnh.

Theo phản ánh, ông Lê Cảnh Trọng (69 tuổi, quê ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) bị bệnh suy giãn tĩnh mạch sâu đã nhiều năm. Qua quảng cáo trên Facebook, về việc Viện Cheongdam-Dong có công nghệ mới, duy nhất tại Việt Nam để làm co tĩnh mạch cho người bệnh, nên ngày 2/4/2024 ông Trọng đã tìm đến cơ sở này để chữa trị.

Tại đây, nhân viên tư vấn cam kết sẽ chữa khỏi bệnh với liệu trình chỉ từ 2-3 lần điều trị. Thậm chí, nhân viên này còn khẳng định, bệnh của ông sẽ thuyên giảm 40-50% sau liệu trình đầu tiên. Cơ sở cũng cam kết sẽ hoàn tiền nếu như điều trị không hiệu quả.

Ông Lê Cảnh Trọng cho biết, giá gói chữa trị này là 10 triệu đồng, ông Trọng nộp trước 5 triệu đồng. Sau khi nộp tiền xong, ông Trọng nhận thấy kết quả chữa trị không đúng như cam kết. Thậm chí, ông Trọng cho biết còn đau nhức hơn trước.

Liên quan đến việc sử dụng dịch vụ y tế theo quảng cáo trên mạng xã hội mà không kiểm chứng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc, Sở Y tế kêu gọi người dân cảnh giác với thông tin quảng cáo dịch vụ y tế không đáng tin cậy trên mạng xã hội.

Khi phát hiện các quảng cáo trái phép, sai sự thật, có dấu hiệu giả mạo, cố tình gây nhầm lẫn trong lĩnh vực y tế, người dân có thể gọi ngay cho đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc tải thông tin lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế kịp thời nắm bắt, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Diệu Linh

Theo: Báo Công Thương