TP. Hồ Chí Minh: 19 sinh viên nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

(Banker.vn) Tối 8/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã tiếp nhận 19 sinh viên sống tại TP. Hồ Chí Minh với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…
TP. Hồ Chí Minh: Sở Y tế thông tin mới nhất về 15 học sinh ngộ độc nghi do ăn sushi TP. Hồ Chí Minh: Bác thông tin vụ 82 học sinh nghỉ học nghi do ngộ độc thực phẩm Đề xuất thành lập Hiệp hội bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh

Sáng ngày 9/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết đã tiếp nhận 19 sinh viên thuộc ký túc xá khu A, ký túc xá khu B thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhập viện với các triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, khoảng 22h đêm 8/5, bệnh viện tiếp nhận một số sinh viên bắt đầu nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy,… Đa phần các triệu chứng chung là đau bụng nghi do ăn sau bữa ăn chiều cùng ngày.

19 sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh  nhập viện
19 sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhập viện nghi do ngộ độc (Ảnh minh hoạ).

Sau khi điều trị, đến sáng nay các bệnh nhân đã tạm ổn định, không có dấu hiệu chuyển nặng. Hiện đang được theo dõi tại bệnh viện.

Một số sinh viên cho biết có ăn cơm chiều tại khu căn tin của tòa nhà B4 trong ký túc xá. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết đang tìm hiểu các sinh viên đã ăn những gì trước đó để đánh giá.

"Chúng tôi đang khai thác thêm thông tin và báo cáo đến Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh để có biện pháp xử lý thêm", đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết.

Trước đó, TP Thủ Đức cũng ghi nhận 15 học sinh tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn phải nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm.

Các bác sỹ cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài cùng độ ẩm cao đang tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đẩy nhanh quá trình phân hủy thức ăn, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Do đó, người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bằng cách ăn chín, uống sôi. Thức ăn đã nấu chín cần được bảo quản trong hộp kín và để ở nơi thoáng mát, sạch sẽ. Nên sử dụng tủ lạnh để bảo quản thức ăn trong thời gian dài. Nếu nghi ngờ thức ăn đã bị hư hỏng, nhiễm bẩn, tuyệt đối không nên tiếc mà hãy vứt bỏ. Đồng thời, rửa tay sạch với xà phòng và nước là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Nên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

Ngân Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục