Top 1.000 ngân hàng hàng đầu thế giới 2024 lộ diện

(Banker.vn) Theo bảng xếp hạng 1.000 ngân hàng hàng đầu thế giới năm 2024 của Tạp chí The Banker, sau nhiều năm ảm đạm, thu nhập từ lãi suất tăng vọt đã thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng, trong đó một số ngân hàng đã ghi nhận năm tốt nhất về lợi nhuận trước thuế trong năm 2023.

Danh sách xếp hạng được tổng hợp sau khi các ngân hàng mạnh nhất thế giới công bố báo cáo tài chính hằng năm. Tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng này đạt 1,53 nghìn tỷ USD trong năm 2023, mức tăng trung bình 14% so với bảng xếp hạng trước đó và tăng 41%, cao hơn nhiều đối với châu Âu - với các thị trường như Thụy Sĩ và Ý ghi nhận mức tăng tương ứng 155% và 72%.

Tại Mỹ, JPMorgan báo cáo lợi nhuận trước thuế cao nhất từ ​​trước đến nay là 61,6 tỷ USD, mức lợi nhuận trước thuế cao nhất từ ​​trước đến nay mà một ngân hàng Mỹ đạt được và tăng 33% so với năm trước.

Nếu lãi suất cao hơn đã đẩy thu nhập lãi ròng của các ngân hàng tăng lên, thì đồng thời cũng khiến việc vay vốn trở nên đắt đỏ và thách thức hơn đối với khách hàng của ngân hàng, đồng thời có một số dấu hiệu ban đầu về sự không “thuận lợi” trong danh mục cho vay - đặc biệt đối với cái được gọi là “các khoản vay ở giai đoạn 2” – các khoản vay có rủi ro tín dụng gia tăng đáng kể.

“Sau một năm kỷ lục, việc bình thường hóa lãi suất sẽ tác động đến lợi nhuận ở nhiều thị trường ngân hàng trên thế giới. Nhưng các ngân hàng cũng sẽ xem xét các lĩnh vực kinh doanh thu phí, hợp lý hóa chi phí và đặc biệt ở châu Âu là hoạt động mua bán và sáp nhập để tăng quy mô và cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn,” bà Silvia Pavoni, Tổng Biên tập của Tạp chí The Banker cho biết.

Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS, các khoản vay “giai đoạn 2” cho biết khoản vay đó có rủi ro tín dụng tăng đáng kể kể từ ngày báo cáo trước đó. Đã có sự gia tăng đáng chú ý ở một số thị trường ngân hàng lớn về các khoản cho vay loại này, chiếm tỷ trọng cao trong tổng các khoản cho vay. Đây là hiện tượng được ghi nhận ở Úc và Đức, với tỷ trọng lần lượt là 17% và 10%, lý do là bởi các khoản cho vay bất động sản đã trở thành mối quan tâm của các ngân hàng ở cả hai nước trong những năm gần đây.

Các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục thống trị bảng xếp hạng Top 1000, với ICBC, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) vẫn là 4 ngân hàng lớn nhất toàn cầu tính theo vốn cấp 1, thước đo cốt lõi về sức mạnh tài chính theo khuôn khổ quy định quốc tế của Basel.

2 ngân hàng Trung Quốc nữa là Bank of Communications và China Merchants Bank cũng góp mặt ở Top 10 của bảng xếp hạng, lần lượt ở vị trí thứ 9 và 10.

Vốn cấp 1 của ICBC hiện ở mức 524 tỷ USD, gần gấp đôi so với đối thủ không phải ngân hàng Trung Quốc theo sát, JPMorgan.

China Merchants Bank, với vốn cấp 1 tăng 12,58%, đã vượt qua ngân hàng châu Âu duy nhất vốn trước đây còn nằm lại trong nhóm 10 ngân hàng lớn nhất, HSBC. Ở 10 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng, hiện chỉ có các tên tuổi ngân hàng Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, tính theo quy mô tài sản, HSBC vẫn là ngân hàng lớn thứ bảy thế giới, chiếm hơn 40% lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng Anh. Hai cái tên châu Âu khác là ngân hàng Pháp BNP Paribas và Crédit Agricole cũng nằm trong số 10 ngân hàng cho vay lớn nhất tính theo tài sản.

Cùng ở châu Âu, các ngân hàng ở Ý và Thụy Sĩ đã báo cáo lợi nhuận trước thuế tổng hợp cao nhất trong dữ liệu có giá trị trong 3 thập kỷ; trong khi các tổ chức cho vay ở một số quốc gia khác như Anh và Tây Ban Nha, đạt được lợi nhuận trước thuế cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

bang-top-1000-ngan-hang.png
Top 20 ngân hàng trong Bảng xếp hạng 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới 2024 của Tạp chí The Banker

Trong bảng xếp hạng Top 20 ngân hàng lớn nhất thế giới của The Banker, các ngân hàng Trung Quốc góp mặt tròn một nửa (10 ngân hàng, bao gồm ICBC, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Bank of China, Bank of Communications, China Merchants Bank, Ngân hàng tiết kiệm bưu điện Trung Quốc, Ngân hàng Công thương, China Citic Bank, Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải), còn lại là 5 ngân hàng Mỹ (JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Wells Fargo, Goldman Sachs), 2 ngân hàng Pháp (Crédit Agricole, BNP Paribas), 1 ngân hàng Anh (HSBC), 1 ngân hàng Nhật Bản (Mitsubishi UFJ Financial Group) và 1 ngân hàng Tây Ban Nha (Banco Santander).

Hải Yến

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ