Phát biểu khai mạc Hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để các TCTD, công ty tài chính, các Quỹ tín dụng và Tổ chức tài chính vi mô mở rộng mạng lưới, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tại các TCTD, các Công ty tài chính được NHNN cấp phép.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, phải thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất, người lao động mất việc làm, đứt gãy chuỗi cung ứng...
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trước tình hình đó, NHNN đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, như: Ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn; chủ động giảm lãi suất điều hành đến 3 lần tạo mặt bằng lãi suất phù hợp, hỗ trợ TCTD giảm lãi suất cho vay với khách hàng; miễn, giảm phí để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, các TCTD, trong đó có các công ty tài chính tiêu dùng đã tổ chức triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, khách hàng cá nhân, hộ gia đình với thủ tục, quy trình thẩm định, xét duyệt, giải ngân trên tinh thần cải cách hành chính đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Với nỗ lực đó, tín đến ngày 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn).
Bên cạnh những nỗ lực của các ngân hàng, kết quả đạt được thời gian qua cũng ghi nhận những đóng góp quan trọng từ phía các công ty tài chính tiêu dùng, hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Số liệu thống kê được Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đưa ra cho thấy, tính đến ngày 30/10/2021 dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 180.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so 2020; còn dư nợ của hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân đạt 131.000 tỷ đồng tăng 4,5% so 2020, trong đó Ngân hàng Hợp tác xã đạt là 20.630 tỷ đồng tăng 8,84%; dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội 244.000 tỷ đồng, tăng 7, 51%, trong đó dư nợ các chương trình phục vụ nhu cầu sản suất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,6%, dư nợ phục vụ đời sống sinh hoạt chiếm tỷ lệ 26,4%.
Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã: (i) cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với giá trị nợ lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt khoảng 600.000 tỷ đồng; (ii) miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ gần 3,81 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt khoảng 32.600 tỷ đồng; (iii) cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ với dư nợ 6.305 tỷ đồng, cho vay mới đối với khách hàng với số tiền 135.198 tỷ đồng, đồng thời giảm phí cho khách hàng đến nay gần 2.000 tỷ đồng.
Toàn cảnh hội thảo
"Sau hơn 2 năm tích cực triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị - xã hội, Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức tín dụng đã vào cuộc quyết liệt, có thể thấy tình trạng tín dụng đen đã có phần thuyên giảm, được kiềm chế hơn so với trước đây", Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, đã khiến thu nhập của người dân, nhất là đối tượng lao động thời vụ, công nhân, người kinh doanh nhỏ bị giảm sút, thậm chí nhiều người dân không có thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn (các đối tượng lợi dụng công nghệ dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến, qua điện thoại...).
Để góp phần cùng các cấp, các ngành nhận diện tín dụng đen, đấu tranh, ngăn chặn và đề xuất các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen và mở rộng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng: "Qua các bài tham luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, chúng ta sẽ tìm ra các giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tín dụng đen, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 hiện nay, đồng thời đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất khu vực nông thôn".
PV
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|