Tổng thống Putin và những thách thức chờ đợi trong 6 năm tiếp theo

(Banker.vn) Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái đắc cử với số phiếu áp đảo cho nhiệm kỳ thứ 5 kéo dài 6 năm.
Hàng triệu cử tri Nga thực hiện quyền công dân; Tổng thống Putin bỏ phiếu trực tuyến Tổng thống Putin: Nguồn sức mạnh của đất nước là nhân dân Nga Tổng thống Putin tuyên bố 24/3 là ngày quốc tang; số người thiệt mạng trong vụ khủng bố tăng lên 143

Theo đó, Tổng thống Putin đã nhận được hơn 87% phiếu bầu, đảm bảo nhiệm kỳ thứ 5 nắm quyền. Theo Ủy ban Bầu cử trung ương Nga, hơn 76,2 triệu cử tri Nga đã bỏ phiếu cho ông Putin, mang lại cho ông 87,28% phiếu bầu. Điều này có nghĩa là ông Putin (71 tuổi) sẽ tiếp tục nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm qua.

Ông Putin và những con số biết nói

Trước hết, việc ông Putin tái đắc cử với số phiếu cao cho thấy ông đã giành được sự ủng hộ và ghi nhận của đa số người dân Nga. Nếu so với số liệu bầu cử những năm trước, tỷ lệ phiếu bầu của ông Putin năm 2018 chỉ đạt hơn 76%, nếu ngược thời gian, con số này sẽ còn thấp hơn. Phương Tây vốn cho rằng, uy tín của ông Putin đã giảm mạnh kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, nhưng bây giờ có vẻ như không phải vậy và sự gắn kết trong nội bộ nước Nga đã thực sự được củng cố.

Nhiều thách thức quan trọng cả đối nội và đối ngoại đang chờ đợi ông phía trước
Nhiều thách thức quan trọng cả đối nội và đối ngoại đang chờ đợi ông Putin phía trước. Ảnh: RIA Novosti

Ngoài ra, còn một yếu tố đáng chú ý nữa là ông Putin tái đắc cử với số phiếu cao trong bối cảnh “có mối đe dọa từ hỏa lực pháo binh Ukraine”. Điều này càng minh chứng cho sự đoàn kết chưa từng có của người dân Nga.

Theo các thông kế, Nga hiện có đủ lương thực, năng lượng và khoáng sản, phương Tây ước tính năng lực sản xuất pháo binh của Nga gấp khoảng 3 lần so với Mỹ và châu Âu. Điều này khiến toàn bộ phương Tây không còn đủ niềm tin vào việc hỗ trợ Ukraine. Đồng thời, Nga là cường quốc hạt nhân và có khả năng răn đe chiến lược cực mạnh.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trên thực tế không chỉ tỷ lệ phiếu bầu của ông Putin đạt mức cao mới mà tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay cũng tăng đáng kể so với trước. Có thể nói, trước sự các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã hoàn thành tương đối vững chắc chương trình nghị sự chính trị nội bộ quan trọng nhất.

Giới chuyên gia nhận định, việc ông Putin tái đắc cử với số phiếu cao, nhiệm kỳ tiếp theo là 6 năm, giúp Nga giành được “thời kỳ ổn định” dài hơn Mỹ và phương Tây.

Gửi tín hiệu đến đồng minh

Sau khi xác nhận kết quả bầu cử, ông Putin ngay lập tức có bài phát biểu tại trụ sở tranh cử, trong đó ông đưa ra một số triển vọng về hướng phát triển của Nga trong vài năm tới, tập trung và đưa ra tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc. Tổng thống Putin cho biết, Trung Quốc và Nga có nhiều điểm hội tụ và lợi ích chung trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, rằng quan hệ Trung-Nga sẽ tiếp tục phát triển.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ và quan trọng hơn là cơ cấu kinh tế của Trung Quốc cũng đang chuyển sang theo mô hình đổi mới. Nga cũng đang cố gắng làm tương tự và Nga cũng đang đối mặt với nhiệm vụ tương tự”, Tổng thống Putin nói.

Ông Putin cũng cho rằng, Trung Quốc và Nga đang có nhiều tiếng nói chung trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, quan hệ song phương sẽ tiếp tục được tăng cường trong vài năm tới.

Như vậy, việc tăng cường tương tác giữa Trung Quốc và Nga là xu hướng chung. Hiện nay, xung đột giữa phương Tây và Nga đang nghiêm trọng, Nga không còn lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc kiên quyết theo đuổi chiến lược “hướng Đông”.

Đối với Nga, Trung Quốc là “điểm tựa” lý tưởng nhất để “hướng Đông”. Hai nước không chỉ có sự bổ sung về mặt kinh tế mà còn có quan điểm tương đối nhất quán về bối cảnh quốc tế. Hơn nữa, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRICS và sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc cũng có thể mang lại nền tảng ngoại giao đa dạng cho Nga trong bối cảnh đang bị phương Tây cô lập.

Nhiệm vụ trọng tâm của Tổng thống Putin

Theo giới chuyên gia, có thể nhiều người cho rằng, sau khi đắc cử ông Putin vẫn đặt nhiệm vụ là cuộc chiến Nga-Ukraine và ông rất muốn chấm dứt cuộc xung đột này. Tuy nhiên, điều này không chính xác có thể nói, dù cuộc chiến Nga-Ukraine là chiến sự kéo dài hay chiến tranh chóng vánh, ông Putin thực sự có lợi thế. Hơn nữa, việc ông Putin tái đắc cử với số phiếu cao sẽ giúp kiểm soát cuộc chiến Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas không vượt khỏi tầm kiểm soát và lan rộng.

Tổng thống Putin và những thách thức chờ đợi trong 6 năm tiếp theo
Trong nhiệm kỳ tới, ông Putin sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn. Ảnh: RIA Novosti

Mặc dù hiện tại tất cả các bên đang rao giảng về việc “chống chiến tranh hạt nhân”, nhưng đây thực sự là một “chiến lược đấu tranh” và là “phương pháp chống bạo lực bằng bạo lực”. Trên thực tế, ông Putin rất sáng suốt và sẽ không dễ dàng sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi thực sự cần thiết.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã đi đến ngày hôm nay và đối với ông Putin, ông không thua trong cuộc chiến này. Với nhà lãnh đạo Nga, điều quan trọng hơn cả là nền tảng kinh tế. Trước thềm cuộc bầu cử, ông đã triệu tập 6 Phó Thủ tướng trong đêm và chủ trì một cuộc họp chính phủ mở rộng tại Điện Kremlin, thảo luận cách thực hiện những điều nêu trong Thông điệp Liên bang. Có 6 trên 10 Phó Thủ tướng tham dự cuộc họp, trong đó có Phó Thủ tướng thứ nhất, cộng thêm việc cuộc bầu cử đang đến gần cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của cuộc họp này.

Trước đó, vào ngày 29/2, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu Thông điệp Liên bang, trong đó không chỉ tóm tắt những thành tựu của Nga trong năm qua mà còn trình bày phương hướng phát triển trong năm tới. Động thái này cho thấy ông Putin sẽ nghiêm túc giải quyết các vấn đề kinh tế trong năm nay. Trên thực tế có thể thấy rằng các chủ đề kinh tế chiếm phần lớn trong Thông điệp Liên bang.

Sau việc sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc chiến Nga-Ukraine năm 2022, ông Putin đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nền tảng kinh tế. Trong Thông điệp Liên bang, ông cho biết Nga là nền kinh tế có GDP lớn nhất châu Âu và là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Trong tương lai gần, Nga sẽ trở thành một trong những nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trên thực tế, nếu tính theo phương pháp GDP truyền thống thì GDP của Nga năm 2023 thậm chí còn không lọt vào top 10.

Có thể thấy trong vài năm qua, kinh tế Nga phát triển không mấy khả quan, trong bối cảnh xung đột giữa Nga-Ukraine kéo dài, do đó việc đạt được sự phát triển bền vững, ổn định và chất lượng cao lại càng khó khăn hơn, điều này sẽ thử thách kinh nghiệm điều hành của Tổng thống Putin trong 6 năm tiếp theo.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương