Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam tính tới quý III/2021 và một số đề xuất giải pháp phát triển

(Banker.vn) Thị trường tài chính (TTTC) luôn vừa là nguồn lực, vừa là huyết mạch của nền kinh tế. Do đó, không chỉ coi TTTC là nơi để trao đổi, mua bán, luân chuyển vốn và tiền, mà đó còn phải là nơi khơi thông những ách tắc cho nền kinh tế - xã hội, cùng chia sẻ rủi ro với toàn nền kinh tế. Vì vậy, các giải pháp cho phát triển TTTC cần mang tính chiến dịch và chiến lược.

Thị trường tín dụng

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mặc dù tăng trưởng tín dụng quý III giảm tốc song tính chung tới quý III/2021 vẫn đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 chỉ tăng 4,99%), đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2021, nhất là trong quý I và II/2021.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) ban hành kịp thời và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua các khó khăn về vốn, như: tái cơ cấu theo hướng kéo dài thời gian trả các khoản nợ cũ, tạo điều kiện mở ra các khoản nợ mới, miễn giảm lãi vay, giảm phí thanh toán, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ.… Theo đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hàng triệu khách hàng hiện hữu và khách hàng mới.

NHNN liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 đến 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành; Giảm 0,6 đến 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; Giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm). Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và tiếp tục giảm 0,55%/năm trong nửa đầu năm 2021 đến nay. Tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước đại dịch.

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, theo lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 16 NHTM (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, 16 ngân hàng này đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước lên tới 20.613 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính từ ngày 15/7 đến ngày 31/8, 16 NHTM này đã giảm tiền lãi thực tế cho khách hàng hiện hữu là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết. Riêng 4 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành ra gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ(3).  

Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Một số ngân hàng thương mại đã được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong đó, Techcombank được nới room từ mức 12% lên 17,4%; TPBank được nới từ mức 11,5% lên 17,1%. MSB có mức nới room từ 10,5% đầu năm lên 16%; MB từ 8,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; LienVietPostBank và ACB từ 8,5% và 9,5% cùng lên 13,1%...

Tốc độ tăng tín dụng sau 9 tháng chậm đôi chút so với kế hoạch là do cầu tín dụng bị chững lại do giãn cách trong đại dịch làm đứt gãy, gián đoạn sản xuất, tiêu dùng...

Thị trường chứng khoán (TTCK)

Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE)(4) , kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2021, chỉ số VNIndex đạt 1342,06 điểm, tăng 0,80% so với tháng trước, tăng 21,58% so với đầu năm 2021. Trong đó, VN30 đạt 1453,76 điểm, giảm 1,76% so với tháng trước nhưng tăng 35,77 % so với đầu năm.

Thị trường cổ phiếu trong 9 tháng đầu năm 2021 có giá trị giao dịch bình quân đạt trên 19.543 tỷ đồng/phiên với khối lượng giao dịch bình quân đạt 682,42 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 294,93% về giá trị và tăng 138,29 % về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK qua 9 tháng đầu năm 2021 có tổng giá trị và khối lượng giao dịch lần lượt đạt 592.308 tỷ đồng và 12,6 tỷ cổ phiếu.

Đến hết quý III/2021, tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 111,3 tỷ cổ phiếu, với giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,13 triệu tỷ đồng, tăng 2,30% so với tháng trước, đạt tới 81,59% GDP năm 2020.

Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK 9 tháng đầu năm ước đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%; khối lượng giao dịch bình quân trên TTCK phái sinh, đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32%; đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, khối lượng đạt 18,78 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59%.

Thị trường bảo hiểm (TTBH)

Kinh doanh bảo hiểm trên TTTC Việt Nam 9 tháng qua đã tăng trưởng khá. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 tăng 7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%(5).

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2021, TTBH Việt Nam có tổng tài sản ước đạt 643.588 tỷ đồng (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 541.366 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.040 tỷ đồng (tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 38.092 tỷ đồng, doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 94.948 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 34.398 tỷ đồng (tăng 12,70% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 13.590 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 20.808 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh và môi trường đời sống kinh tế - xã hội luôn đối diện với nhiều rủi ro do và từ dịch bệnh thì thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng như phi nhân thọ phát triển vừa là một nhu cầu khách quan, vừa tạo cơ hội góp phần gia tăng tiềm lực vốn cho TTTC nói chung và nền kinh tế nói chung. Đây cũng là xu hướng mang tính qui luật tất yếu, phù hợp với cơ chế thị trường.

Môi trường hoạt động của thị trường tài chính (TTTC)

Theo Tổng cục Thống kê(6) GDP 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch bệnh ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Nhiều địa phương nhất là những tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Trong mức tăng chung khiêm tốn của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%GDP do tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2021 của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn đã làm giảm mạnh mức tăng chung của toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; tương tự, ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. 

TTTC với tổng giá trị hoạt động ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm là nhóm tăng cao thứ nhì, với mức tăng tới 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm, góp phần thúc đẩy tổng phương tiện thanh toán M2 tính đến ngày 7/10/2021 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020.

Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, từ đầu năm 2020, đặc biệt là từ đợt bùng phát thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, đại dịch đã đánh thẳng vào các trung tâm kinh tế và khu công nghiệp tập trung lớn từ Bắc vào Nam, như Hải Dương xảy ra mạnh vào tháng 3/2021; từ tháng 4 đến 5/2021 là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và từ tháng 5/2021 đến nay là các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh... Dịch bệnh với biến chủng mới đã xâm nhập mạnh vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số ca lây nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, dẫn đến số ca tử vong tăng rất nhanh. Nhiều tỉnh, thành phố, khu công nghiệp phải thực hiện giãn cách, và áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển trên phạm vi rộng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và làm gián đoạn, khó kết nối các chuỗi sản xuất kinh doanh và làm sụt giảm năng lực phát triển của toàn nền kinh tế - xã hội.

Đề xuất

Trong mọi trường hợp TTTC luôn luôn vừa là nguồn lực, vừa là huyết mạch của nền kinh tế. Do đó, không chỉ coi TTTC là nơi nơi để trao đổi, mua bán, luân chuyển vốn và tiền, mà đó còn phải là nơi khơi thông những ách tắc cho nền kinh tế - xã hội, cùng chia sẻ rủi ro với toàn nền kinh tế. Vì vậy, các giải pháp cho phát triển TTTC mang tính chiến dịch và chiến lược cần được vận hành và yêu cầu được vận hành theo các giải pháp và môi trường pháp lý sau:

Giải pháp mang tính chiến dịch

Nhà nước nên tạo điều kiện cho TTTC được hoạt động trong cơ chế nền kinh tế vừa phòng ngự, vừa tấn công với dịch bệnh một cách năng động, đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời cơ cùng với chiến dịch phủ sóng tiêm vacxin tăng tốc nhanh hơn trên phạm vi toàn quốc.

Tăng cường các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của DN, người dân trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường để phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa ngay trong môi trường có dịch. Xóa bỏ hình thức khoanh vùng, ngăn sông cấm chợ, dùng vành đỏ bó cả vành vàng vành xanh bên trong kéo dài gây ách tắc, gãy khúc, gián đoạn các chuỗi, các khu vực kinh tế.

Giải pháp mang tính chiến lược

Nền kinh tế - xã hội cũng giống như cơ thể con người: khi khỏe, khi ốm, khỏe chỗ này, yếu chỗ kia... và vì vậy ốm đâu chữa đấy, yếu gì chữa nấy và/hoặc ai ốm thì đi viện, ai khỏe thì đi làm không thể cứ yếu hay ốm bộ phận mà nghỉ toàn thân hoặc người khỏe nghỉ cùng người ốm được. Chiến lược của nền kinh tế cũng phải “sống chung với dịch, môi trường, tai ương...”. Phải chống mọi nguy cơ rủi ro và năng động hướng đến một thị trường tiềm năng nội địa và ngoại thương để phát triển sản xuất kinh doanh trong mọi điều kiện.

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã, đang và sẽ được duy trì đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào những thị trường chủ lực (Hoa Kỳ, EU, Nga,Trung Quốc...). Do đó, quá trình phục hồi cũng phải được hỗ trợ bằng chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế qua các con đường ngoại giao, hợp tác ký kết Hiệp định luân chuyển hàng hóa cùng với cơ chế, chiến dịch khuyến khích thu hút các lực lượng lao động cũ và mới trở lại với sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường.

Chiến lược kinh tế - xã hội của Nhà nước cần hướng mạnh vào các giải pháp phát triển nền kinh tế thị trường hướng nội, Nhà nước cần tạo cơ sở pháp lý mở ra nhiều trung tâm, khu vực kinh tế sản xuất hàng hóa và lưu chuyển hàng hóa, tạo nhiều cầu lao động ở mọi đẳng cấp và hướng vào phát triển một nền kinh tế hàng hóa thân thiện môi trường để tiến đến một nền kinh tế thị trường đa dạng, cân đối trong và ngoài nước một cách có thương hiệu bền vững.

Chính sách phát triển TTTC cần tiếp tục khuyến khích nới lỏng thông qua triển khai thực hiện các công cụ ngắn, trung và dài hạn. Chính sách tài khóa phải gắn với việc đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, mở ra hướng đầu tư cho TTTC có môi trường cạnh tranh phát triển, tạo tiềm năng, động lực cho các DN trong và ngoài nước tại Việt Nam cùng phát triển bền vững.

Dù trong bối cảnh cần khuyến khích phát triển cầu tín dụng nói riêng và nhu cầu vốn ở mọi thị trường bộ phận của TTTC nói chung phải lấy an toàn, hiệu quả làm trọng. Không thể đổi rủi ro lấy dư nợ/hoặc phát triển TTTC nói chung. Vì vậy sự phối hợp giữa bên cung với bên cầu vốn trên cơ sở dự án khả thi, ít rủi ro và có phương án phòng thủ và cơ chế xử lý chủ động giữa bên cung với bên cầu vốn là nguyên tắc vàng, phải lấy các chuẩn Basell II trở lên làm cơ sở để vận dụng cho các phương án phòng chống rủi ro trên toàn bộ TTTC Việt Nam. 

Tài liệu tham khảo                                                  

1- Theo Báo Quân Đội nhân dân đưa tin ngày 21/09/2021 

2- Báo Thanh niên 29/9/2021

3-  Tuổi trẻ online 29/9/2021

4- Tạp chí TTTC TT ngày 4/10/2021

5-  Báo Đại đoàn kết ngày 6/10/2021

6- Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quí III và 9 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê

7- Cổng thông tin điện tử của Bộ Y Tế ngày 19/10/2021

TS Nguyễn Đại Lai

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ