Tổng Giám đốc SJC nói gì về chênh lệch giá vàng miếng hàng chục triệu đồng?

(Banker.vn) Tổng Giám đốc SJC khẳng định, "không hưởng lợi" từ chênh lệch giá vàng cao và SJC không phải người thao túng hay làm giá vàng miếng!
Chênh lệch giá vàng cao bất thường Chênh lệch giá vàng tăng cao Chênh lệch giá vàng miếng SJC thu hẹp

Chênh lệch giá cao nhưng SJC không được hưởng lợi

Phát biểu tại cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước chủ trì với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng vừa diễn ra, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, từ năm 2012 thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng nhà nước lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng… Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 VND cho một lượng.

"Vấn đề chênh lệch giá vàng thì công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỉ đồng đến gần 400 tỉ mỗi năm tới giờ chỉ đạt 74 - 80 tỉ đồng lãi ròng" - bà Hằng giải thích.

Lãnh đạo SJC cũng cho hay, công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của UBND TP Hồ Chí Minh giao để có quỹ lương cho người lao động.

Tổng Giám đốc SJC nói gì về chênh lệch giá vàng miếng hàng chục triệu đồng?
Lãnh đạo SJC khẳng định “không hưởng lợi” từ chênh lệch giá vàng cao

Về giá vàng trên thị trường, lãnh đạo SJC cũng khẳng định công ty không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.

“Thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện” - lãnh đạo SJC nói thêm.

Cũng theo bà Lê Thúy Hằng, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là phù hợp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Sự chênh lệch là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.

Theo bà Hồng, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.

Tổng Giám đốc SJC nói gì về chênh lệch giá vàng miếng hàng chục triệu đồng?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại cuộc họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng: chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chênh lệch giá SJC và ngoài SJC không vào túi doanh nghiệp nào vì doanh nghiệp chỉ ăn chênh lệch mua vào bán ra. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn.

“Không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu đồng như vậy. Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông” - bà Hồng nhấn mạnh.

Một lần nữa, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng rất thành công, đem lại sự ổn định thị trường vàng, và góp phần hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua.

“Chúng ta không phải lo ngại về sự biến động thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của Nghị định 24 là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trước đây chúng ta cho các tổ chức tín dụng huy động, bán vàng huy động, cho vay nên rất rủi ro. Nghị định 24 đã loại bỏ vấn đề này” - bà Hồng nói.

Bên cạnh đó, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng. Điều đó là tốt cho người dân, chất lượng được đảm bảo hơn, có khuôn khổ để kiểm soát chất lượng.

Liên quan đến nhập khẩu vàng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu nhập khẩu vàng miếng để sản xuất vàng mỹ nghệ sẽ đem lại giá trị gia tăng lớn hơn vàng miếng. Vàng trang sức, mỹ nghệ càng tinh xảo thì giá trị càng cao. Nếu nhập vàng nguyên liệu về để phát triển vàng thị trường trang sức mỹ nghệ lành mạnh thì đóng góp cho kinh tế và tăng trưởng, giúp người dân có thể sử dụng vàng trang sức mỹ nghệ giá rẻ hơn.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng nên thực hiện Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng và đã thành công trong việc làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng.

Ngoài ra, để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề chênh lệch giá vàng liên tục duy trì ở mức cao như hiện nay, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Nghị định 24 đã góp phần chống "vàng hóa" nền kinh tế nhưng đến thời điểm hiện tại thì những quy định về độc quyền vàng miếng đã không còn phù hợp khi chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước cao kỷ lục.

"Trong điều hành thực tế, chúng ta phải có điều chỉnh để thị trường vàng trong nước liên thông với thế giới, thể hiện ở việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng sao cho hợp lý. Hơn nữa, chúng ta đã chấp nhận nền kinh tế thị trường thì phải xây dựng một thị trường vàng theo những thông lệ quốc tế" - ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng Nghị định 24 ra đời phù hợp tại thời điểm ban hành, nhất là trong bối cảnh giá vàng có tác động lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, theo ông Long, Nghị định 24 đang tồn tại nhiều bất cập, đáng lý cần sửa đổi mà Ngân hàng Nhà nước nhiều lần họp, bàn sửa đổi nhưng hiện nay vẫn án binh bất động.

Ông Long cho rằng, khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước ngày càng nới rộng trong thời gian gần đây. Nếu điều này còn tiếp diễn, tình trạng buôn lậu vàng sẽ trở lại và làm thất thoát nguồn ngoại tệ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp kịp thời để thu hẹp khoảng cách và giảm bớt áp lực cầu trong thời gian tới.

"Giá vàng trong nước đang ‘một mình một chợ’ và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì Ngân hàng Nhà nước đang độc quyền vàng miếng SJC nên chúng ta chỉ có một thương hiệu vàng. Không có quốc gia nào chỉ có một thương hiệu vàng như thế" - ông Long lý giải về sự chênh lệch giá vàng.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương