Tổng giám đốc SHS: 5 nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán

(Banker.vn) Sau 16 năm niêm yết, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) từ một công ty chứng khoán thuộc hàng ngũ "tầm trung" đã vượt lên trở thành "ông lớn", quy mô vốn điều lệ tăng gấp 20 lần, cán mốc 8.000 tỷ đồng và đứng thứ tư toàn hệ thống... Sự thành công của SHS là minh chứng rõ nét cho vai trò và ý nghĩa của hoạt động đại chúng hóa, niêm yết lên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tổng giám đốc SHS: 5 nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán
Ông Vũ Đức Tiến, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc SHS.

Trong cuộc trò chuyện với Kinhtechungkhoan.vn, ông Vũ Đức Tiến, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc SHS đã phân tích nguyên nhân doanh nghiệp tư nhân ngại lên sàn và đề xuất loạt giải pháp để thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn.

PV: Từ khi trở thành doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã nhận về những lợi ích thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Đức Tiến: SHS được thành lập vào năm 2007 và ngay từ thời điểm đó, lên sàn là mục đích ưu tiên hàng đầu chúng tôi đặt ra.

Năm 2009, SHS chính thức niêm yết trên sàn HNX với vốn điều lệ 410,6 tỷ đồng, tương ứng 41,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Đến nay, trải qua 16 năm hoạt động, sự phát triển của SHS gắn liền với những biến động và phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam bởi không chỉ là một doanh nghiệp niêm yết, SHS còn là một công ty chứng khoán - một trong những chủ thể quan trọng của thị trường.

SHS định hướng việc niêm yết là nhằm minh bạch hóa toàn bộ các hoạt động kinh doanh trước các cổ đông, nhà đầu tư. Từ khi lên sàn, SHS luôn tuân thủ việc công bố các thông tin định kỳ và bất thường theo đúng quy định; ngoài ra, tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông hàng năm, các thành viên HĐQT và Ban Điều hành SHS cũng chủ động gặp gỡ và trả lời các câu hỏi chất vấn của cổ đông và các đối tác về tình hình hoạt động, cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Về mặt quản trị, là một công ty niêm yết, SHS xây dựng mô hình tổ chức hoàn thiện theo tiêu chuẩn hiện đại, ngoài các bộ phận kinh doanh và hỗ trợ. Doanh nghiệp xây dựng bộ phận kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ, áp dụng quy trình gồm 3 lớp, 5 bước theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nhận diện sớm các rủi ro và đưa ra các biện pháp phù hợp để kiểm soát.

Bên cạnh đó, nhiều thông tin của SHS được công bố song ngữ Anh - Việt tạo thuận lợi cho người đọc, ngoài báo cáo thông thường, doanh nghiệp còn phát hành Báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế GRI.

Tổng giám đốc SHS: 5 nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán
SHS xây dựng mô hình tổ chức hoàn thiện theo tiêu chuẩn hiện đại

Với việc thực hiện tốt vai trò và nghĩa vụ của một doanh nghiệp niêm yết giúp SHS có vị trí trang trọng trong mắt của giới đầu tư. Vậy nên, dưới sự tin tưởng của cổ đông, SHS đã mở rộng quy mô hoạt động thông qua 6 đợt tăng vốn điều lệ bằng nhiều hình thức và đều thành công tốt đẹp, qua đó tăng vốn gấp 20 lần so với thời điểm chào sàn lên đến 8.131 tỷ đồng như hiện tại, xếp thứ 4 trong số các công ty chứng khoán có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, tổng tài sản tính tới cuối năm 2022 cũng đạt 10.900 tỷ đồng. Năm 2022, SHS dẫn đầu thị phần môi giới trái phiếu chính phủ trong nhóm có thị phần trên 10% tại HNX. SHS nhiều năm liền được HOSE, HNX, VSD vinh danh là công ty chứng khoán tiêu biểu, lọt top các đơn vị có Báo cáo thường niên tốt nhất, top các đơn vị đạt chuẩn công bố thông tin tốt nhất.

- Không thể phủ nhận việc niêm yết trên sàn đã mang lại nhiều thành tựu cho các doanh nghiệp trong đó có SHS. Tuy nhiên, hiện có tình trạng một số doanh nghiệp ngần ngại niêm yết, đăng ký giao dịch mới và dưới góc độ là định chế trung gian có chức năng tư vấn niêm yết, SHS đánh giá thế nào về tình trạng này?

Ông Vũ Đức Tiến: Theo tôi, việc doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không mặn mà với niêm yết, đại chúng hóa ít nhất do 5 nguyên nhân sau:

Một là về quyền lợi và rủi ro. Một số doanh nghiệp tư nhân có thể không nhận thấy lợi ích rõ ràng khi niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp lo ngại về việc mất quyền kiểm soát và sự minh bạch cao đối với hoạt động kinh doanh của mình, cũng như rủi ro phát sinh từ việc tiết lộ thông tin quan trọng và sự theo dõi của cơ quan quản lý.

Hai là về tuân thủ quy định của pháp luật. Quá trình niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán đòi hỏi doanh nghiệp tuân thủ một số quy định, chuẩn mực và yêu cầu pháp lý khắt khe. Các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng những yêu cầu này. Ví dụ như về Báo cáo tài chính, nếu doanh nghiệp không hoàn tất hồ sơ trước tháng 6 thì buộc phải cập nhật thêm Báo cáo tài chính soát xét bán niên, điều này khác với trước đây là cho phép đến tháng 8 mới cần bổ sung thêm báo cáo này.

Ba là, DN chưa nhận được tư vấn một cách đầy đủ. Một số doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có thể chưa hoàn thiện về mặt quy trình hoặc chưa nắm bắt được những yêu cầu và lợi ích của việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này có thể là do thiếu tư vấn hoặc thông tin đầy đủ từ các công ty chứng khoán và cơ quan quản lý thị trường. Doanh nghiệp không thấy rõ được tiềm năng tăng trưởng, tăng cường uy tín và khả năng huy động vốn từ việc tham gia thị trường chứng khoán.

Bốn là về chuẩn niêm yết. Một số doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có thể chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn và yêu cầu để niêm yết trên sàn chứng khoán. Các yêu cầu về cơ cấu tài chính, quy mô hoạt động, quy trình quản lý và tuân thủ quy định có thể đòi hỏi một quá trình chuẩn bị và điều chỉnh từ phía doanh nghiệp.

Tổng giám đốc SHS: 5 nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán
Thị trường diễn biến không thuận lợi là rào cản lớn khiến doanh nghiệp ngó lơ việc đại chúng hóa, niêm yết lên sàn chứng khoán.

Năm là về diễn biến thị trường. Khi thị trường không thuận lợi, có nhiều yếu tố tác động đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Việc công bố thông tin, truyền thông có nhiều yếu tố dễ gây ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng ngược với mong muốn ban đầu của doanh nghiệp khi muốn đưa cổ phiếu lên niêm yết.

Để thúc đẩy DN lên sàn chứng khoán tập trung, theo ông chúng ta cần có giải pháp gì?

Ông Vũ Đức Tiến: Để thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung, theo tôi cần thực hiện một số công việc như sau:

Trước hết cần tăng cường công tác tư vấn và hỗ trợ. Công ty chứng khoán có thể tăng cường công tác tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân về lợi ích, quy trình và quyền lợi của việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Việc chuẩn bị kỹ quy trình niêm yết và thời gian chuẩn hóa các điều kiện niêm yết là bước đệm để doanh nghiệp tư nhân làm quen dần với các quy định đối với doanh nghiệp niêm yết, việc này có thể thông qua các hình thức như tổ chức các buổi tư vấn, hội thảo và cung cấp thông tin chi tiết về quy trình và lợi ích của việc lên sàn, tư vấn chuyên sâu về quản trị, tài chính và chế độ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai là xây dựng môi trường niêm yết thuận lợi. Công ty chứng khoán có thể đề xuất các biện pháp và chính sách nhằm tạo ra một môi trường niêm yết thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này có thể bao gồm việc tăng cường thanh khoản, cải thiện quy tắc về thông tin công bố, hỗ trợ tài chính và cung cấp các sự ưu tiên đặc biệt cho doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn.

Thứ ba, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm để đảm bảo tuân thủ trên thị trường chứng khoán; tăng cường rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của thị trường chứng khoán.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên thị trường chứng khoán.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán…

Bên cạnh đó, cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu về niêm yết chứng khoán theo quy định pháp luật. Trong quá trình triển khai dịch vụ, các công ty chứng khoán không chỉ đơn thuần tư vấn về thủ tục, hồ sơ mà cần cung cấp cho khách hàng tư vấn tái cấu trúc toàn diện, tổng thể và chuyên sâu.

Các công ty chứng khoán cần tham gia cùng khách hàng trong quá trình kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động, đề ra các mục tiêu, chuẩn bị hồ sơ chào bán theo đúng quy định của pháp luật (hồ sơ tài chính, hồ sơ về hoạt động kinh doanh, chiến lược kinh doanh…), tư vấn để khách hàng lựa chọn giải pháp huy động vốn phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, đảm bảo các mục tiêu về cơ cấu vốn, cơ cấu cổ đông tối ưu, đồng thời hỗ trợ tối đa khách hàng thực hiện các giải pháp nhằm đạt kết quả tốt nhất trên các phương diện về tài chính, thương hiệu, quan hệ đối tác.

Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới, SHS có đề xuất gì đối với các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước hay không?

Ông Vũ Đức Tiến: Về vấn đề này, chúng tôi có một số đề xuất như sau:

Gia tăng hàng hóa mới, chất lượng, để tăng sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán. Có thể thấy, sàn chứng khoán Việt Nam quá ít cổ phiếu mới trong thời gian dài vừa qua. Số tài khoản mở mới liên tục tăng lên, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Thành tích của thị trường hàng tháng, hàng năm được các bên liên quan ghi nhận bằng các tiêu chí như số nhà đầu tư mới (F0); thanh khoản; biến động của VN-Index…, trong khi các chỉ tiêu cốt lõi như số doanh nghiệp niêm yết mới; số vốn doanh nghiệp huy động được qua thị trường chứng khoán... thì rất ít được đề cập trong các báo cáo, đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do vậy, việc gia tăng hàng hóa mới, có chất lượng sẽ giúp tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, tăng cơ hội chọn lựa hàng tốt cho các nhà đầu tư. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật để thị trường chứng khoán hoạt động thông suốt, an toàn, Bộ Tài chính cần có thêm các giải pháp, các chỉ đạo tạo hàng mới cho thị trường chứng khoán và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp gọi vốn qua thị trường chứng khoán để cán cân cung - cầu trên thị trường cân bằng hơn, thu hút dòng vốn đầu tư thực chất và bền vững hơn.

Việc tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết cũng là giải pháp để thị trường chứng khoán hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch cho thị trường chứng khoán.

Tổng giám đốc SHS: 5 nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán
Đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường chứng khoán là giải pháp giúp thị trường chứng khoán hấp dẫn trở lại

Cùng với đó là đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.

Về sản phẩm, cần tăng thêm các sản phẩm phái sinh như phái sinh trên các bộ chỉ số mới thay vì chỉ có VN30 như hiện tại, quyền chọn (option) mua, quyền chọn bán…

Với hệ thống quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán và hiểu biết của nhà đầu tư hiện nay đã tốt hơn nhiều so với trước đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu xem xét nâng tỷ lệ giao dịch ký quỹ lên 60% thay vì 50% như hiện tại. Bên cạnh đó, để thúc đẩy giao dịch trên sàn UPCoM cũng cho phép giao dịch ký quỹ với những mã đạt điều kiện.

Để thu hút dòng vốn ngoại cần nghiên cứu triển khai các sản phẩm như Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).

Cần có những cơ chế, chính sách tốt hơn nữa nhằm tăng tính minh bạch thị trường, đảm bảo quyền lợi và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. Ví dụ như: kéo dài thêm khoảng thời gian các cổ đông lớn, các cổ đông nội bộ thông báo trước khi giao dịch, bắt buộc phải thực hiện giao dịch đã công bố nếu giá cổ phiếu giao dịch nằm trong khoảng giá dự kiến (nhiều trường hợp công bố nhưng không thực hiện dù giá cổ phiếu là phù hợp);

Tăng mức phạt lên ở mức mà các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ sẽ chịu thiệt hại thực sự nếu cố tình vì phạm (mức phạt hành chính hiện tại quá thấp); xét xử nghiêm minh các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, đưa thông tin sai lệch nhằm trục lợi của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Quyết liệt đánh giá và phân loại, yêu cầu chuyển sàn các cổ phiếu sao cho đạt chuẩn. Làm được điều này chúng ta sẽ có thể giảm thiểu được những vụ việc tương tự như trong thời gian qua, từ đó khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ vào thị trường.

Xin cám ơn ông!

Mời bạn đọc đón xem bài 10: Thị trường hấp dẫn, doanh nghiệp sẽ lên sàn như một nhu cầu tự thân

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán