Tổng giám đốc Công ty bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thúy bị bắt, khách hàng liệu có đòi được tiền?

(Banker.vn) Sau khi thông tin Tổng giám đốc công ty Nhật Nam Vũ Thị Thúy bị tạm giữ, nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa” với nỗi lo “tiền mất tật mang”.
Vì sao Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thúy bị tạm giữ? Báo Công Thương từng cảnh báo gì về Bất động sản Nhật Nam? Công an Hà Nội tạm giữ CEO Bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thuý Địa phương nào phát văn bản đầu tiên cảnh báo về "bánh vẽ" Bất động sản Nhật Nam?

Như Báo Công Thương thông tin sáng 7/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ khẩn cấp bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Bất động sản Nhật Nam).

Bà Thúy bị tạm giữ vào ngày 31/8/2023, với cáo buộc “đưa ra thông tin sai sự thật về Công ty Bất động sản Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn”.

Ngay sau khi thông tin Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra đã khiến hàng nghìn nhà đầu tư hoang mang, lo lắng về khoản tiền từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng đã "rót" vào Công ty Nhật Nam. Vì tin vào những “bánh vẽ” do Nhật Nam tạo ra, hiện nhiều người rơi vào tình cảnh cùng cực. Theo đó, điều mà nhiều nhà đầu tư trăn trở hiện nay, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam bị bắt thì liệu số tiền của họ có lấy lại được không?

Tổng giám đốc Bất động sản Nhật Nam bị bắt, khách hàng liệu có đòi được tiền?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ khẩn cấp bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam.

Trao đổi với Báo Công Thương, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Chính pháp Đồng Tâm cho biết, trong vụ việc này, nếu Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam bị bắt, số tiền các nhà đầu tư sẽ không bị mất, nhưng thời gian lấy lại được số tiền đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) sẽ tiến hành nhanh hay chậm.

Sau khi các quyết định tố tụng như khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm), cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành phong toả tài sản, phong toả tài khoản, phong toả giao dịch dân sự, kinh tế liên quan đến cá nhân, tổ chức có liên quan để đảm bảo thi hành án sau này.

"Phần tiền của các nhà đầu tư được coi là chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, và sẽ được Toà án xử lý trong bản án. Nhà đầu tư chỉ có thể lấy lại được tiền khi bản án có hiệu lực pháp luật và được Cơ quan thi hành án dân sự có Quyết định thi hành bản án phần dân sự là trả lại tiền cho các nhà đầu tư. Lúc đó, nhà đầu tư phải có đơn yêu cầu thi hành án thì mới có điều kiện để lấy lại được tiền của mình" - luật sư Nguyễn Trọng Hoàng phân tích.

Cũng trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trường hợp nếu bà Vũ Thị Thúy bị bắt, để xác định việc nhà đầu tư có thể lấy lại được tiền hay không phụ thuộc vào những tài liệu mà những cá nhân (nhà đầu tư) cung cấp cho cơ quan chức năng và những chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được.

Theo đó, trong trường hợp xác định việc huy động vốn của Công ty Nhật Nam có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì khi đó các nhà đầu tư được xác định là bị hại trong vụ án hình sự. Cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng sẽ xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ của vụ án để xác định số tiền thiệt hại của từng người và trách nhiệm của Tổng giám đốc Công ty Nhật Nam đối với việc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Sau khi Toà án xét xử, ra bản án và có hiệu lực pháp luật, việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản đầu tư góp vốn cho các nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo quyết định của Hội đồng xét xử tại bản án đã tuyên.

Tổng giám đốc Bất động sản Nhật Nam bị bắt, khách hàng liệu có đòi được tiền?
Một buổi được cho là huy động tiền từ nhà đầu tư của Công ty Nhật Nam.

Trường hợp xác định việc huy động vốn của Công ty Nhật Nam không có dấu hiệu hình sự thì đây là tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh/hợp đồng góp vốn đầu tư giữa Công ty Nhật Nam và các nhà đầu tư.

Vì vậy, trong trường hợp phía Công ty chậm trả lãi, không trả lãi hoặc trả lãi không đầy đủ, không đúng thời hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư thì có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền và yêu cầu Công ty thực hiện trách nhiệm trả số tiền gốc và lãi mà các nhà đầu tư đã góp vốn vào Công ty.

Bên cạnh đó, theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, đối với những dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép phê duyệt thì các chủ đầu tư có thể đòi lại được khoản tiền hoặc tài sản khác đã đầu tư. Còn nếu những dự án bất động sản chưa được cơ quan nhà nước cấp phép phê duyệt thì sẽ rất khó để lấy lại được tiền, tài sản khác đã đầu tư.

“Còn trong trường hợp, nếu trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và xét xử mà truy thu được khoản tiền và tài sản khác mà người vi phạm đã thu lợi bất chính thì các nhà đầu tư có thể được bồi thường lại một phần hoặc toàn bộ khoản tiền, tài sản khác đã đầu tư” - Luật sư Diệp Năng Bình nêu.

Luật sư Trần Xuân Tiền cũng chỉ ra, trong trường hợp xác định việc huy động vốn của Công ty Nhật Nam có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hành vi như: đưa ra thông tin sai sự thật về Công ty có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn thì Tổng giám đốc Công ty - bà Vũ Thị Thúy có thể bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

"Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào số tiền chiếm đoạt được để áp dụng khung hình phạt đối với người này, thấp nhất là phạt tù từ 6 tháng - 3 năm, cao nhất có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân" - luật sư Tiền nêu.

Ngoài ra, theo luật sư Trần Xuân Tiền, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Được biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (phòng PC03) Công an thành phố Hà Nội đang tạm giữ bà Vũ Thị Thúy sinh năm 1983 trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để củng cố chứng cứ, tài liệu và xử lý theo quy định.

Trước đó, Công ty Bất động sản Nhật Nam thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/tháng, tương đương 34 - 46%/1 năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản).

Đối với các hoạt động này của công ty Nhật Nam, trước đó, Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an cũng đã cảnh báo mô hình hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Đỗ Nga - Hoàng Hải

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục