Tổng cục Hải quan nói gì về việc nhập khẩu tôm hùm đất?

(Banker.vn) Tổng cục Hải quan yêu cầu lực lượng Hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất.
Buôn bán tôm hùm đất, mức phạt tối đa là bao nhiêu? TP. Hồ Chí Minh: Gần 400 tấn hạt điều nhập khẩu vướng kiểm dịch Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiết lộ đường đi của ma tuý xuyên quốc gia

Thời gian gần đây, trong các hội nhóm mua bán hải sản trên mạng xã hội Facebook, hoạt động mua bán tôm hùm đất có nguồn gốc từ Trung Quốc diễn ra khá sôi động. Người bán rao bán với giá 300.000 - 380.000 đồng/kg tùy loại.

Được biết, tôm hùm đất có tên tiếng Anh là Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish, nhìn bên ngoài nó có màu đỏ nên nhiều người còn gọi là tôm hùm đỏ, với kích thước khoảng bằng ngón tay cái, có con lớn hơn, 1kg tầm 30 - 35 con.

Tôm hùm đất được chào bán công khai với mức giá từ 3000
Tôm hùm đất sống được chào bán công khai với mức giá từ 300.000 - 380.000 đồng/kg tùy loại (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài bán sống, tôm hùm đất còn được chế biến thành món tôm hùm sốt bơ tỏi, tôm hùm sốt cay đóng gói trong các hộp có dán nhãn tiếng Trung Quốc. Loại hàng nhập chế biến sẵn thường có giá 120.000-140.000 đồng/hộp 700gr.

Mặc dù được quảng cáo và chào bán là món “hot hit”, “hot trend” đang rầm rộ trên Tiktok, Facebook,.…tuy nhiên, theo quy định hiện hành, tôm hùm đất không được phép nhập khẩu để nuôi hoặc làm thực phẩm.

Theo quy định hiện hành, để được nhập khẩu tôm hùm đất sống, người nhập khẩu phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép nhập khẩu theo quy định. Đến thời điểm này, Cục Thú y chưa hướng dẫn bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất sống.

Còn về mặt hàng tôm hùm đất đông lạnh, theo quy định sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm phải bảo đảm điều kiện có nguồn gốc từ các cơ sở có trong Danh mục cơ sở sản xuất được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thủy sản vào Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ; đồng thời phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tôm hùm đất là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại.

Theo đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản. Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Trước tình trạng mua bán tràn lan tôm hùm đất, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị hải quan tăng cường kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng này.

Tổng cục Hải quan nói gì về việc nhập khẩu tôm hùm đất?
Cá nhân, tổ chức nhập khẩu và kinh doanh tôm hùm đất có thể phải đối mặt với án tù (Ảnh minh hoạ).

Cụ thể, căn cứ khoản 7 Điều 7 và Điều 50 Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có bao gồm hành vi nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại (bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại).

Căn cứ Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản thì tôm hùm đất (Procambarus clarki) không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; căn cứ Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên môi trường thì Procambarus clarki thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Do vậy, để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất (Procambarus clarki) bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan, đội kiểm soát hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.

Theo Luật sư Trần Khánh Ly, Công ty Luật Glaw cho biết, theo điều 246, Bộ luật hình sự 2017, người nào có hành vi nhập khẩu hoặc pháp tán trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạt từ 3 đến 7 năm nếu các hành vi trên phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm nhiều lần hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.

Đối với pháp nhân thương mại, các hành vi nêu trên bị phạt tiền từ 1 đến 5 tỷ đồng. Đồng thời, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm tuỳ trường hợp.

Ngân Nga

Theo: Báo Công Thương