Tổng Bí thư Tô Lâm và ba chữ 'miễn' chạm tới triệu niềm tin

(Banker.vn) Từ bữa ăn đến viện phí, học phí và bộ máy hành chính, Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ nói chính sách, mà đang cụ thể hóa hình mẫu Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Toàn văn phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị TW 11

Có những chỉ đạo đến từ diễn đàn nghị sự. Nhưng cũng có những chỉ đạo tưởng như giản dị, lại làm chuyển động tầng sâu của tư duy quản trị quốc gia. Như cách Tổng Bí thư Tô Lâm sáng nay 17/4 gợi ý Hà Nội nghiên cứu miễn phí bữa trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở từ tháng 9, với phép tính cụ thể: 30.000 đồng mỗi suất ăn, hơn 1,3 triệu học sinh, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Không cần một nghị quyết dài dòng, không phải bản báo cáo chính sách chi tiết. Chỉ một phép tính ngắn gọn đã nói lên cách người đứng đầu Đảng đặt lợi ích thiết thực của người dân làm trọng tâm cho tư duy điều hành.

Tổng Bí thư Tô Lâm và ba chữ 'miễn' chạm tới triệu niềm tin
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với cử tri Hà Nội tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Đây không chỉ là những chỉ đạo riêng rẽ. Trước đó là chủ trương miễn học phí cho học sinh phổ thông. Tiếp theo là định hướng miễn viện phí cho toàn dân. Và nay là bữa trưa học đường. Ba chữ “miễn” không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân, mà còn thể hiện cách Đảng và Nhà nước đang đặt lại thứ tự ưu tiên trong quản lý ngân sách: Nuôi dưỡng những giá trị căn cơ, lấy phục vụ người dân làm trung tâm.

Tư duy đó gắn liền với định hướng cải cách thể chế đang được Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt, xuyên suốt và có trọng tâm: Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, hướng đến xây dựng mô hình chính quyền tinh giản, rõ trách nhiệm, phục vụ hiệu quả. Song song với đó là những chỉ đạo chấn chỉnh việc sử dụng ngân sách, xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, đội vốn, kém hiệu quả – những tồn tại nếu không được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Sự kết hợp giữa tăng cường phúc lợi xã hội với nâng cao kỷ cương ngân sách không chỉ thể hiện quyết tâm đổi mới của người đứng đầu Đảng, mà còn cho thấy một tầm nhìn nhất quán: Chính quyền phải hành động vì dân, cắt bỏ những gì trì trệ để nuôi dưỡng những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của người dân.

Một mô hình Nhà nước như vậy không còn “hành chính hóa” tư duy lãnh đạo, mà chuyển dần sang một mô hình “quyền lực phục vụ”, với người dân làm trung tâm.

Chúng ta đã có nhiều kỳ vọng. Và giờ là lúc phải hành động. Với tiềm lực tài chính gần 512.000 tỷ đồng thu ngân sách năm 2024 (cao nhất cả nước), và năng lực tổ chức đã được kiểm chứng, Hà Nội không có lý do gì để chậm trễ trong thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư. Đây không chỉ là chính sách cho Thủ đô, mà là tín hiệu dẫn đường cho cả hệ thống: Lấy việc phục vụ nhân dân làm thước đo bản lĩnh điều hành.

Người dân có thể chưa đọc hết một nghị quyết. Nhưng họ cảm nhận rất rõ ai đang lo cho họ bằng những điều giản dị nhất. Một đứa trẻ được ăn trưa đủ chất, đúng giờ. Một bệnh nhân không phải giật mình vì hóa đơn viện phí. Một phụ huynh không phải trăn trở vì học phí đầu năm. Đó là cách chính sách đi vào đời sống, không cần hô hào, chỉ cần làm đúng.

Ở một chiều sâu tư tưởng khác, có thể nói rằng mỗi chính sách an sinh xã hội, thực chất chính là một hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động. Không bằng những tấm pano, mà bằng những thay đổi thực chất trong đời sống nhân dân.

Có thể khẳng định, chính trị hiện đại không cần nói nhiều, mà cần đúng chỗ, đúng lúc, đúng việc. Những hành động như thế, nếu nhân rộng đúng cách, sẽ làm hiện rõ hơn hình ảnh một Nhà nước “của dân – do dân – vì dân” trong tâm thức xã hội.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn đan xen, chi phí sinh hoạt tăng cao, niềm tin công chúng đòi hỏi cao hơn, thì việc Tổng Bí thư chọn khởi động lại chuỗi chính sách an sinh không phải là sự ngẫu nhiên. Đó là một quyết sách chiến lược, thể hiện rõ tư duy chủ động củng cố “sức đề kháng xã hội” bằng phúc lợi, thay vì chỉ dựa vào hành chính, mệnh lệnh.

Một chữ “miễn”, nếu được thực hiện đúng, đủ và đến nơi đến chốn, sẽ không chỉ là một chính sách giảm gánh nặng tài chính cho người dân, mà còn là một tuyên ngôn đạo lý của nền chính trị hiện đại: Quyền lực sinh ra để phụng sự, chứ không phải để phô trương. Và đôi khi, điều ấm áp nhất không đến từ một bài diễn văn, mà từ một suất cơm trưa giản dị, đến đúng giờ, cho một đứa trẻ không còn phải chờ mẹ mang đồ ăn đến trường.

Từ ba chữ miễn “học phí”, “viện phí”, “bữa trưa học đường”, Tổng Bí thư không chỉ gợi mở chính sách, mà đang định hình một tư duy quyền lực phục vụ, đưa Nhà nước tiến gần hơn với người dân: Dùng ngân sách để phục vụ dân, dùng cải cách để nuôi phúc lợi.

Hoàng Hải

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục