Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

(Banker.vn) Là nhà lý luận xuất sắc, nhà tổ chức thực tiễn tích cực, hiệu quả, Tổng Bí thư đã có những đóng góp to lớn vào đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người đại biểu của Nhân dân Tư tưởng bảo vệ độc lập, tự chủ gắn với bảo vệ hòa bình của Tổng Bí thư

1. Là nhà lý luận xuất sắc, nhà tổ chức thực tiễn tích cực, hiệu quả, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn vào đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xuất bản vào năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và rất sáng tạo của Đảng ta”. Đồng chí đánh giá đó là thành quả lý luận quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, kết quả “xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở phải không ngừng đổi mới, tiếp thu có chọn lọc thực tiễn cũng như những thành tựu mới trong nước và quốc tế để hoàn thiện hơn đường lối chung của Đảng cũng như đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí khẳng định: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa và học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ và yêu cầu phải đấu tranh phòng, chống có hiệu quả sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với đường lối của Đảng ta. Ví dụ, trên mạng xã hội, các thế lực chống phá tung tin, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, kêu gọi từ bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh để “kịp đi với con đường chung mà thế giới hiện nay đang đi” và chúng cho rằng đó là con đường tư bản chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ ra: “Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc”.

2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích, làm rõ nhiều nội dung rất sâu sắc của kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đồng chí chỉ ra một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở nước ta là phải gắn kinh tế với xã hội. Theo đồng chí Tổng Bí thư, chúng ta phải thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng chí cho rằng mối quan hệ hữu cơ giữa kinh tế với xã hội phải được tiến hành “ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.

Để thực hiện được điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nhấn mạnh: “càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đồng chí xác định cần thực hiện đồng bộ mối quan hệ biện chứng giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội; mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng chí đưa ra nhiều mục tiêu, giải pháp, trong đó yêu cầu việc khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn; khẳng định đây là yêu cầu có tính nguyên tắc để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

3. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cách mạng, với nền kinh tế đất nước là vấn đề luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Đồng chí xác định: Đảng luôn phải có chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, huy động sức mạnh của Đảng, của hệ thống chính trị, của toàn dân chung sức đồng lòng thực hiện đường lối chung, đường lối kinh tế thị trường. Đồng chí nhấn mạnh yêu cầu các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện đường lối của Đảng để nhân dân noi theo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhắc nhở: Đường lối của Đảng ta xuất phát từ sự kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ thực tiễn Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, được kiểm nghiệm và thành công trên thực tế, do vậy phải được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị Khóa XIII, ký ban hành Quy định số 144 - QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Một nội dung quan trọng được thể hiện trong Quy định để cán bộ, đảng viên của đảng nghiêm túc chấp hành là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích rất sâu sắc về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí nêu rõ đây là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều phải vì lợi ích của nhân dân và phải lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Với quan điểm “Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Tổng Bí thư cho rằng: “Phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân”.

Ngày 3/2/2024, trong bài “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: Trong mọi chủ trương, chính sách, công việc của Đảng, Nhà nước, phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang thực hiện tốt đường lối chung, đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tế thắng lợi đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng ta khẳng định: Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới với quy mô, trình độ nền kinh tế không ngừng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, làm cho: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tự hào, tin tưởng, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu nỗ lực thực hiện thắng lợi đường lối chung, đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đúng như sự chỉ đạo và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý Đảng hợp với lòng dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”.

Công Minh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục