Tồn kho cà phê trên sàn bật tăng giúp giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm

(Banker.vn) Giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm trong bối cảnh tồn kho cà phê tại các sàn tăng cao. Thị trường quay về phản ứng với triển vọng nguồn cung tạo áp lực lên giá.
Lo ngại khô hạn tại Brazil và tồn kho trên sàn thấp giúp giá cà phê xuất khẩu tăng trở lại Nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ châu Á, giá cà phê xuất khẩu tăng 3 phiên liên tiếp

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 13/3, giá Arabica và giá Robusta giảm lần lượt 1,75% và 1,42%. Thị trường quay về phản ứng với triển vọng tích cực từ phía nguồn cung và tạo áp lực lớn lên giá cà phê.

Cụ thể, tồn kho Arabica đã qua chứng nhận trên Sở ICE sau khi kết phiên 12/3 bật tăng thêm 64.205 bao so với phiên trước. Mức tăng này đã kéo tổng số bao cà phê đạt chuẩn lên mức 450.727 bao, tiến về ngưỡng cao nhất trong vòng hơn 5 tháng.

Tồn kho cà phê tăng mạnh, giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm
Giá Arabica và giá Robusta giảm lần lượt 1,75% và 1,42%

Cùng với đó, những tín hiệu tích cực về tình hình xuất khẩu tại Brazil cũng góp phần củng cố nguồn cung trên thị trường. Theo số liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), lượng Arabica xuất đi trong tháng 2 của nước này tăng 36,5% so với tháng 2/2023, lên 2,81 triệu bao.

Với Robusta, tồn kho trên Sở ICE-EU liên tục cải thiện trong 4 phiên gần đây là yếu tố đè nặng lên giá. Kết phiên 12/3, tồn kho Robusta trên sở ICE tiếp tục được bổ sung thêm 760 tấn, lên mức 25.470 tấn.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (14/3), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ giảm 500 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 90.600 - 91.500 đồng/kg.

Tồn kho cà phê tăng lên cùng với tình hình xuất khẩu tích cực tại hai quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới đã giúp "hạ nhiệt" thị trường sau thời gian dài lo ngại rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, lượng cà phê xuất khẩu của Brazil trong tháng 2/2024 tăng 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,38 triệu bao.

Trước đó, Liên đoàn Cà phê Colombia cho biết, lượng cà phê Arabica xuất khẩu trong tháng 2/2024 của Colombia ước tính đạt 1,05 triệu bao, cao hơn 12,5% so với tháng 2/2023.

Chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định, giá cà phê 2 sở giảm khá mạnh, nguyên nhân các quỹ và đầu cơ bán thanh lý sau những dữ liệu lạm phát của Mỹ mới được công bố. Giới tài chính tin rằng sẽ chưa có thay đổi gì về lãi suất trong phiên họp cuối tháng 3/2024 của Fed. Đợt cắt giảm lãi suất của ngân hàng này có lẽ rơi vào thời điểm giữa năm.

Bên cạnh đó những cơn mưa gần đây tại Brazil tiếp tục là yếu tố gây áp lực giảm giá Arabica. Tồn kho 2 sàn tăng cũng là nguyên nhân đẩy cà phê đi xuống. Tuy nhiên cà phê Robusta vẫn còn nguyên mối lo thiếu nguồn cung trong ngắn hạn.

Về dài hạn, kết quả khảo sát của Reuters mới đây cho thấy, những người tham gia khảo sát nhận định giá cà phê sẽ bị áp lực trong những tháng tới do triển vọng nguồn cung thuận lợi hơn, với dự báo cán cân cung – cầu cà phê trên toàn cầu niên vụ 2024/25 trung bình sẽ dư 3 triệu bao, so với mức dư 0,6 triệu bao trong niên vụ 2023/24.

Theo các nhà phân tích, yếu tố chính tác động đến thị trường cà phê trong thời gian tới sẽ là sự thay đổi của các hình thái khí hậu, từ El Nino hiện tại sang La Nina, có thể xảy ra ngay từ nửa cuối năm nay.

El Nino thường bất lợi cho sản xuất cà phê vì thường dẫn đến thời tiết khô tại những nơi trồng cà phê Robusta ở châu Á và khí hậu ấm hơn mức bình thường ở Brazil. Việc chuyển sang La Nina có thể mang đến thời tiết thuận lợi hơn cho cây cà phê.

Tồn kho cà phê tăng mạnh, giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm
Sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023 - 2024 tăng khoảng 5,8% so với niên vụ trước lên 178 triệu bao

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023 - 2024 tăng 5,8% so với niên vụ trước lên 178 triệu bao, trong đó sản lượng của cà phê Arabica tăng 8,8% lên 102,2 triệu bao và Robusta tăng 2,1% lên 75,8 triệu bao. Tiêu thụ dự kiến tăng 2,2% lên 177 triệu bao, thị trường cà phê thế giới sẽ thặng dư 1 triệu bao trong niên vụ 2023 - 2024.

Về tỷ trọng, cà phê nhân xanh chiếm 91% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 với 11,5 triệu bao, tăng mạnh 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khối lượng xuất khẩu lớn nhất trong tháng 1 kể từ trước đến nay, vượt qua kỷ lục cũ là 10,4 triệu bao được thiết lập vào tháng 1/2019.

Kết quả này đưa tổng khối lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu trong 4 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 lên mức 40,9 triệu bao, tăng 14,2% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê nhân xanh Robusta đạt kỷ lục 5,1 triệu bao trong tháng 1, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp lớn vào mức tăng này là Việt Nam, nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới đã bán ra 3,8 triệu bao trong tháng 1 so với 2,3 triệu bao của cùng kỳ.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đạt cao nhất với 161.386 tấn, trị giá 500,5 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và 66,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Trong EU, một số thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam là Đức đạt 50.665 tấn (tăng 5,7%); Italia với 44.258 tấn (tăng 24,2%); Tây Ban Nha đạt 28.101 tấn (tăng 75,6%)...

Lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng tăng như: Mỹ tăng 6,7%, Nhật Bản tăng 53,9%, Nga tăng 14,9%; đặc biệt, Indonesia tăng tới 215,6%; Philippines tăng 152,5%; Trung Quốc tăng 246,1%; Thái Lan tăng 6,8 lần…

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương