Toàn bộ hơn 365.000 tỷ đồng hút qua kênh tín phiếu đã quay trở lại hệ thống

(Banker.vn) Ngày 6/12 là ngày đáo hạn của lô tín phiếu cuối cùng trong đợt phát hành vừa qua của Ngân hàng Nhà nước với quy mô 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 9/11, Ngân hàng Nhà nước đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỷ đồng đồng thời bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn.

Toàn bộ hơn 365.000 tỷ đồng hút qua kênh tín phiếu đã quay trở lại hệ thống
Hình minh họa.

Lượng lớn tín phiếu đáo hạn đã góp phần hỗ trợ đà giảm của lãi suất liên ngân hàng trong những tuần qua.

Đến ngày 21/9, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm trả cho hệ thống ngân hàng toàn bộ số tiền đã hút về qua kênh tín phiếu, từ đó đưa lãi suất liên ngân hàng về vùng thấp kỷ lục.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 4/12 là 0,16%/năm, tương đương giai đoạn tiền rẻ duy trì trong giai đoạn COVID. Các kỳ hạn còn lại từ 1 tháng trở xuống, cụ thể: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,38%; 2 tuần 0,58% và 1 tháng 1,05%.

Giới phân tích cho rằng, việc Fed tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo khiến giá trị đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đảo chiều giảm mạnh, đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá. Ở trong nước, cũng có nhiều yếu tố vĩ mô tích cực hỗ trợ tỷ giá.

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước bơm lượng tiền đã hút ròng trước đó ra thị trường thông qua kênh thị trường mở. Động thái này đã giải tỏa lo ngại của thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ do áp lực tỷ giá.

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm là 23.951 VND/USD, tăng 25 đồng so với phiên trước.

Với biên độ +/-5%, Ngân hàng Vietcombank đưa ra từ 24.090-24.430 đồng/USD (mua vào/bán ra). Ngân hàng Vietinbank thông báo giá mua vào là 24.103 đồng/USD và bán ra là 24.443 đồng/USD; Ngân hàng Agribank niêm yết từ 24.110-24.430 đồng/USD, cùng giữ ổn định. Tuy vậy, Ngân hàng BIDV áp dụng tỷ giá từ 24.115-24.415 đồng/USD, giảm 10 đồng.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng, một trong những lý do đáng kể khiến đồng USD giảm nhiệt là vì Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần thứ hai trong năm không tăng lãi suất, vẫn giữ lãi suất ở vùng 5,25%-5,5% trong bối cảnh thị trường việc làm của Mỹ đang yếu dần, tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát giảm, đồng nghĩa với việc các đợt tăng lãi suất vẫn đang phát huy tác dụng.

NHNN ngừng hút tiền qua kênh tín phiếu, hàng trăm nghìn tỷ 'bơm' ngược lại nền kinh tế

NHNN đã ngừng phát hành tín phiếu sau hơn một tháng mở lại kênh này. Hành động trên diễn ra trong bối cảnh áp lực ...

NHNN bơm ròng gần 110.000 tỷ đồng kể từ đầu tháng 11

Từ đầu tháng 11, đã có 13 lô tín phiếu đáo hạn, bơm trả lại cho thị trường gần 151.000 tỷ đồng thanh khoản. Trong ...

Vân Anh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán