Tham dự tọa đàm về phía Hiệp hội Ngân hàng có: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; cùng đại diện các TCTD hội viên Hiệp hội…
Về phía Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, có: Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban; cùng các lãnh đạo và cán bộ liên quan. Về phía Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam có ông Đỗ Huy Trung - Trưởng ban Tư vấn Khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện của các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước, gồm: Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Thanh toán, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hiệp hội Ngân hàng và trực tuyến tại các điểm cầu của TCTD hội viên trên toàn quốc.
Điều chỉnh toàn diện các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngày 20/6/2023, Quốc hội Khóa XV đã thông qua 2 Luật là: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử, đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đây là 2 luật có liên quan nhiều đến hoạt động của các TCTD. Trong quá trình sửa luật, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã cho ý kiến tại cuộc họp của Chính phủ, Quốc hội về sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay, các TCTD đã rà soát, xem lại những đối tượng ảnh hưởng và từ đó gửi nhiều ý kiến lên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về những vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cũng như dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đó là lý do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm để trao đổi một số vướng mắc liên quan đến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm giúp cơ quan chủ trì soạn thảo nắm rõ thực tiễn hoạt động và các vướng mắc của các TCTD trong triển khai quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG), Bộ Công thương cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, chủ động và hiệu quả của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Từ đó, đã góp phần quan trọng, bảo đảm chất lượng và tiến độ của các văn bản do Ủy ban chủ trì xây dựng.
Phó Chủ tịch UBCTQG cho biết, tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định tại Luật năm 2010, Luật cũng bổ sung một số quy định mới để bảo đảm điều chỉnh toàn diện các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; các hành vi bị cấm; trách nhiệm đối với việc cung cấp dịch vụ không đúng như quảng cáo; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; hợp đồng giao kết, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, giao dịch trên không gian mạng; quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng; áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
“Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, hiện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Kế hoạch, Dự thảo Nghị định sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét vào tháng 12/2023”, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết và kỳ vọng: “Tọa đàm là cơ hội để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về một số vấn đề được nêu trong dự thảo Nghị định. Trên cơ sở đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ có thông tin đầy đủ, đa chiều hơn, có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định”.
16 góp ý đối với Dự thảo Nghị định và 6 góp ý với Luật
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng đã nêu lên 16 góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và 6 góp ý đối với vướng mắc tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các góp ý này liên quan đến các vấn đề về: Giải thích từ ngữ; tổ chức thực hiện hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam; kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; yêu cầu chung đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; phạm vi thẩm định hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; hoàn thành việc đăng ký; đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thẩm quyền kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; hủy bỏ, sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thu hồi sản phầm, hàng hóa có khuyết tật; nguồn thông tin, dữ liệu để xác định cụ thể nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian; trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn; hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp; đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn định nghĩa “Người tiêu dùng” bao gồm tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục; trách nhiệm của người tiêu dùng…
Chẳng hạn, về phạm vi thẩm định hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Điều 11 Dự thảo Nghị định quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 15 của Nghị định này thẩm định hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các nội dung sau: 2. Nội dung không được phép quy định tại Điều 25 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng đề nghị cụ thể hóa khoản 4 Điều 25 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với trường hợp tổ chức cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi quy định của hợp đồng đã giao kết với người tiêu dùng theo hướng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Hay với vướng mắc tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, liên quan đến Thực hiện hợp đồng theo mẫu, tại Khoản 3 Điều 26, bà Nguyễn Thị Phương cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành đã bổ sung thêm quy định yêu cầu Hợp đồng theo mẫu phải được công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) để người tiêu dùng biết về nội dung của hợp đồng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được giao kết.
Tuy nhiên, trong hoạt động ngân hàng các hợp đồng mẫu tương đối nhiều, nếu niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh thì không khả thi. Ngoài ra Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã yêu cầu niêm yết tại trang thông tin điện tử rồi thì việc yêu cầu đồng thời tại trụ sở, địa điểm kinh doanh là không cần thiết và tăng chi phí vận hành cho TCTD phải niêm yết dưới cả 2 hình thức. “Đề nghị có hướng dẫn thêm hoặc sửa đổi về việc niêm yết theo 1 hình thức tại trang thông tin điện tử”, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đề nghị.
Hài hòa lợi ích chính đáng của cả người tiêu dùng và bên cung ứng dịch vụ
Tham gia ý kiến tại tọa đàm, các TCTD đã nêu ra những vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai.
Cụ thể như Khoản 2, Điều 2 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định đối tượng là "Tổ chức, cá nhân kinh doanh". Tuy nhiên, theo các TCTD, phạm vi, giới hạn của cá nhân, tổ chức cụ thể là như thế nào. Nếu là tổ chức thì là doanh nghiệp, Hiệp hội, các tổ chức phi lợi nhuận hay các tổ chức khác.
Các TCTD cũng thấy băn khoăn với quy định tại Điều 15 về Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. Theo đó, tại Khoản 2 quy định "Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thi phải được sự đồng ý của người tiêu dùng..." và Khoản 3 "Trường hợp người tiêu dùng thực hiện giao dịch thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan", theo các TCTD, hiện đang có quá nhiều văn bản liên quan đến dữ liệu cá nhân của khách hàng và do là ngành đặc thù nên NHNN và Chính phủ cũng đã có các quy định cụ thể đối với riêng ngành Ngân hàng. Thêm điều khoản này nữa sẽ gây chồng chéo giữa các Luật, Nghị định, Thông tư với nhau.
Đối với quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, khẳng định đây là nội dung mới, tuy nhiên theo đại diện các TCTD, chỉ có thể nhận diện nếu khách hàng đến giao dịch trực tiếp, và ngược lại sẽ rất khó để xác định nếu thực hiện giao dịch trên không gian mạng.
Ngoài ra, các TCTD cũng chỉ ra những vướng mắc trong đăng ký mẫu, niêm yết mẫu tại tất cả các điểm giao dịch và trụ sở là rất bất cập và khả năng tiếp cận thông tin của khách hàng không cao; quy định về cung cấp, nhận xét, đánh giá của khách hàng đối với dịch vụ hàng hóa là khó khả thi với ngành đặc thù như ngân hàng; quy định về nền tảng số chưa rõ ràng và hợp lý;...
Tham khảo từ các ngân hàng quốc tế và dẫn chứng thực tế đã diễn ra, đại diện khối Ngân hàng nước ngoài cũng đã chỉ ra một số điểm vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể, đối với nhóm khách hàng tổ chức, hầu hết sẽ là doanh nghiệp, còn lại một số không phải là doanh nghiệp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng vẫn có những hoạt động như mở tài khoản. Vậy những nhóm khách hàng này sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh nào của Luật, bởi điều này quyết định đến việc soạn thảo hợp đồng mẫu sau này.
Về ngôn ngữ áp dụng tại Hợp đồng, tại Điều 23, Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung quy định "Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là tiếng Việt. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng". Theo đại diện khối Ngân hàng nước ngoài, đây là điều khoản khó thực hiện trên thực tiễn. Khẳng định ngân hàng nước ngoài bao giờ trên hợp đồng cũng có 2 ngôn ngữ, trong đó luôn thỏa thuận với khách hàng về ngôn ngữ chính trong trường hợp có tranh chấp. Do vậy, đại diện khối Ngân hàng nước ngoài đề xuất nên điều chỉnh, để một ngôn ngữ chính trong trường hợp có tranh chấp vì tòa án sẽ không đứng ra xem xét cả 2 ngôn ngữ cùng một lúc.
Đại diện khối Ngân hàng nước ngoài cũng đưa ra một số vướng mắc khác về giải thích hợp đồng; Điều 25, khoản 5 không nên quy định trong hợp đồng; quy định về chấm dứt hợp đồng;...
Góp ý hoàn thiện Nghị định, đại diện TPBank cho rằng, nên xây dựng theo hướng Nghị định tạo ra hành lang khung, sau đó có hướng dẫn cụ thể đối với đặc thù của từng ngành nghề như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng… để tránh câu chuyện một số điều luật đi vào chi tiết nhưng lại không đầy đủ, bao quát được từng ngành nghề.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho biết, ngân hàng là ngành đặc thù, có sự giám sát của NHNN với tiêu chuẩn rất cao của ngành tài chính, thể hiện trong các quy định, Nghị định liên quan và Thông tư hướng dẫn, đều có điều khoản về bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, đại diện Vụ Thanh toán đề nghị, sau tọa đàm này, sẽ tiếp tục có thêm các buổi trao đổi để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các TCTD, đảm bảo các dự thảo Luật, điều Luật không tạo thêm gánh nặng cho các TCTD.
“Đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, lưu ý, và dành nguồn lực hợp lý để xử lý các vướng mắc trong thời gian sớm nhất”, đại diện Vụ Thanh toán đề nghị.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đại biểu, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao chất lượng buổi tọa đàm, đồng thời khẳng định một Luật không thể khái quát hết được các ngành nghề, vì mỗi ngành nghề có đặc thù khác nhau nên rất cần thiết ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu nhất, hài hòa lợi ích của cả người tiêu dùng và bên cung cấp dịch vụ.
Tại buổi tọa đàm, đại diện UBCTQG - Bộ Công Thương cũng đã giải đáp các vướng mắc của các TCTD, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu tối đa và quy định chi tiết trong Nghị định.
Kết thúc tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội viên và chuyển tới cơ quan soạn thảo, Bộ Công thương, NHNN… để sớm hoàn thiện Nghị định và đảm bảo quyền lợi cho cả người sử dụng dịch vụ cũng như đơn vị cung ứng dịch vụ tốt nhất..., từ đó đảm bảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực.
Minh Đức - Quỳnh Lê
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|