Tổ chức dịch vụ thu: “Cánh tay” nối dài của cơ quan bảo hiểm xã hội tại cơ sở

(Banker.vn) Tại Quảng Nam, tổ chức dịch vụ thu được ví như “cánh tay” nối dài của cơ quan bảo hiểm xã hội tại cơ sở, góp phần thực hiện các chỉ tiêu về chính sách.
Quảng Nam: Đổi mới, đa dạng hoá tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội Cải thiện chính sách, gia tăng lợi ích để người lao động ở lại hệ thống an sinh

Đến nay, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP và Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ về chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam đã có cuộc trao đổi về công tác này với Báo Công Thương.

Tổ chức dịch vụ thu: “Cánh tay” nối dài của cơ quan bảo hiểm xã hội tại cơ sở
BHXH tỉnh Quảng Nam triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Ảnh: Thanh Dũng

Xin ông cho biết thời gian qua, BHXH tỉnh Quảng Nam đã triển khai các giải pháp cụ thể nào để phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương?

Thời gian qua, BHXH tỉnh Quảng Nam tập trung vào các giải pháp nhằm tăng số người tham gia mới và duy trì số người đã tham gia BHXH, BHTN. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tình hình người lao động tham gia BHXH, BHTN có xu hướng giảm, số người nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp BHXH 1 lần gia tăng đáng kể.

Trên cơ sở Nghị quyết số 102/NQ-CP và Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ, BHXH về chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHXH tỉnh đã phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chỉ tiêu về: Số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN; tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi; tốc độ phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN (năm sau so với năm trước);

Với những chỉ tiêu được xây dựng, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh kế hoạch và các giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHTN cho người lao động trên địa bàn, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp tỉnh ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, còn tổ chức các hội nghị, cuộc họp định kỳ, đột xuất nhằm trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình và kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức dịch vụ thu: “Cánh tay” nối dài của cơ quan bảo hiểm xã hội tại cơ sở
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Dũng

Để có cơ sở đề ra các giải pháp khai thác, mở rộng nguồn thu, phát triển người tham gia BHXH, BHTN tại các doanh nghiệp; BHXH tỉnh phối hợp với ngành Thuế để trao đổi, cung cấp thông tin hàng tháng về số doanh nghiệp tăng mới, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; từ đó rà soát, thống kê những đơn vị đã tham gia, chưa tham gia BHXH, BHYT để xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng cho phù hợp.

Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương, BHXH tỉnh phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu triển khai hệ thống nhân viên thu BHXH, BHYT đến cơ sở nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Có thể nói, đây là cánh tay nối dài của cơ quan BHXH tại cơ sở, góp phần quan trọng trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua.

Tính tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 7 đầu mối tổ chức dịch vụ với hơn 700 nhân viên thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình phân bổ hoạt động tại 18 huyện, thị xã, thành phố. Để đội ngũ nhân viên đại lý thu hoạt động hiệu quả, BHXH tỉnh đã tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng tuyên truyền và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về BHXH hàng năm.

Ngoài ra, BHXH tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động nhằm phát hiện, chấn chỉnh những đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN.

Công tác phối hợp của cơ quan BHXH với các ngành liên quan được coi là một trong các yếu tố góp phần thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Ông có thể chia sẻ thêm về công tác này?

Chúng tôi xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham mưu, thực hiện chính sách BHXH, BHTN. Đến nay BHXH tỉnh đã ký Chương trình, Quy chế phối hợp với hơn 20 đơn vị liên quan; hàng năm, BHXH tỉnh đã phối hợp tốt với các Ban, ngành, đoàn thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHTN cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, tỉnh đoàn, báo, đài, văn hóa thông tin… tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại, phát thanh, truyền hình về BHXH, BHTN và đặc biệt là phối hợp tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHTN.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp và lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHTN và thực hiện chính sách BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với ngành Công an trong công tác cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu người tham gia BHXH và công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật về BHXH, BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp.

BHXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể trên địa bàn như: Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT.

Từ những giải pháp và các hoạt động triển khai, kết quả thực hiện các chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH, BHTN tại Quảng Nam đã có những khởi sắc ra sao, thưa ông?

Nếu như năm 2018, toàn tỉnh có 180.391 người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24,27% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 178.253 người (tỷ lệ 23,98%), số người tham gia BHXH tự nguyện là 2.138 người (tỷ lệ khoảng 0,29%). Có 158.054 người tham gia BHTN, chiếm khoảng 21,27% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 215.620 người tham gia BHXH, chiếm khoảng 25,75% lực lượng lao động trong độ tuổi toàn tỉnh, tăng 1,48% so với 2018; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 194.068 người (tỷ lệ 23,17%, giảm 0,81% so với năm 2018), số người tham gia BHXH tự nguyện là 21.552 người (tỷ lệ khoảng 2,57%, tăng 10 lần so với 2018). Có 180.195 người tham gia BHTN, chiếm khoảng 21,52% lực lượng lao động trong độ tuổi và tăng 0,25% so với năm 2018,

Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 214.550 người tham gia BHXH, chiếm khoảng 24,93% lực lượng lao động trong độ tuổi toàn tỉnh, giảm 0,82% so với 2022; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 194.368 người (tỷ lệ 22,58%, giảm 0,59% so với năm 2022), số người tham gia BHXH tự nguyện là 20.182 người (tỷ lệ khoảng 2,34%, giảm 0,23% so với 2022). Có 180.120 người tham gia BHTN, chiếm khoảng 20,93% lực lượng lao động trong độ tuổi và giảm 0,59% so với năm 2022.

Kết quả này nhờ vào việc chính sách BHXH, BHTN được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật và dần hoàn thiện qua các năm. Các Bộ, Ngành liên quan hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH, BHTN được kịp thời, đầy đủ. Đồng thời, được sự quan tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh nên chính sách BHXH, BHTN được triển khai thực hiện đồng bộ đến hệ thống cơ sở và người dân. Hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu được xây dựng, cụ thể hóa nên rất thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành văn bản giao chỉ tiêu thực hiện chính sách BHXH, BHTN, tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm thực hiện trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN tại các địa phương.

Tổ chức dịch vụ thu: “Cánh tay” nối dài của cơ quan bảo hiểm xã hội tại cơ sở
Chính sách BHXH, BHTN được triển khai thực hiện đồng bộ đến hệ thống cơ sở và người dân. Ảnh: Thanh Dũng

Thời gian tới, để công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa, BHXH tỉnh có đề xuất, kiến nghị gì để tháo tháo gỡ các khó khăn, thưa ông?

Trước hết, cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm để người lao động được hưởng chế độ hưu trí. Bổ sung quy định đối tượng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH bắt buộc, đóng đầy đủ các quỹ BHXH với mức lương hiện hưởng để được hưởng các chế độ như cán bộ, công chức, viên chức khác. Bổ sung thêm các chính sách, chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện như chế độ tai nạn rủi ro…; đồng thời kiến nghị bổ sung chế độ được cấp thẻ bảo hiểm y tế khi tham gia BHXH tự nguyện từ 5 năm trở lên. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ BHXH 1 lần nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, hạn chế tối đa số người thoát khỏi lưới an sinh do đã nhận BHXH 1 lần mà không nhận được chế độ hưu trí.

Bên cạnh đó, các ban, bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị nợ đọng BHXH, doanh nghiệp có chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có hướng dẫn đối với những trường hợp đang hưởng trợ cấp thương tật nay đề nghị hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động để hưởng chế độ thương binh nay đề nghị được hưởng thêm chế độ mất sức lao động.

Về phía chính quyền địa phương, tiếp tục quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, nợ đọng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH; xem xét hỗ thêm mức đóng BHYT cho đối tượng là học sinh, sinh viên, các hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục