Tình trạng tín dụng đen nhức nhối, có trường hợp lãi suất lên tới 1.000%

(Banker.vn) Trước tình hình tín dụng đen nhức nhối, các đại biểu Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen; đồng thời đề nghị có các giải pháp để người lao động thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản vay nhỏ, các khoản vay tiêu dùng.
phien-hop-26.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Đó là đề xuất của đại biểu nhằm ngăn chặn tín dụng đen tại Phiên họp thứ 26 diễn ra ngày 13/9.

Theo chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho biết, hiện nay tình hình tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là lừa đảo đang khá phổ biến. Mặc dù cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều công cụ quản lý, thực hiện nhiều giải pháp chặt chẽ, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị các cơ quan cần đánh giá đúng tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phản ánh, thời gian vừa qua, tình hình tín dụng đen khá nhức nhối, xuất hiện các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, lợi dụng triệt để công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện các hành vi cho vay lãi suất cao và đòi nợ trái pháp luật. Về địa bàn hoạt động, loại tội phạm này xuất hiện nhiều trong các khu lao động, các khu công nghiệp, chủ yếu lợi dụng những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay các khoản vay nhỏ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.

tb-nguyen-thi-thanh.jpg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, loại hình cho vay này có thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, thậm chí có những hoạt động không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản, chỉ yêu cầu người vay đồng ý cho truy cập vào danh bạ điện thoại là có thể cho vay được. Đến hạn trả nợ, nếu người vay không trả được thì các đối tượng sử dụng danh bạ điện thoại của người vay để gọi điện cho người thân, đồng nghiệp để đòi nợ, gây mất an ninh trật tự, khống chế và tạo áp lực cho người vay hoặc lại tiếp tục cho vay các khoản vay mới để nâng mức nợ đối với các đối tượng vay. Rất nhiều trường hợp trong thời gian vừa qua đã phát hiện, khởi tố, có những trường hợp lãi suất rất cao, lên tới 1.000%.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các giải pháp để người lao động thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản vay nhỏ, các khoản vay tiêu dùng và không rơi vào những cạm bẫy của những đối tượng lợi dụng.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, cùng với sự mở rộng của hệ thống phủ sóng internet và mạng xã hội, việc sử dụng điện thoại thông minh trở nên phổ biến, ở nhiều khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện thủ đoạn của các tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Các đối tượng này khai thác điểm yếu về dân trí và sự thiếu thông tin, tâm lý chủ quan, cả tin, nhẹ dạ của người đồng bào dân tộc thiểu số khi kết nối tham gia vào mạng xã hội, để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh cơ quan pháp luật, cán bộ nhà nước, giả danh khách hàng mua bán hàng trực tuyến, lừa đảo nâng cấp sim, hack tài khoản, kết bạn làm quen trên mạng xã hội, tuyển cộng tác viên qua mạng. Các đối tượng còn tinh vi hơn khi sử dụng công nghệ để làm giả hình ảnh, giọng nói người quen của bị hại tham gia mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước thực trạng tín dụng đen hiện nay, Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị các cơ quan hữu quan cần sớm có giải pháp khắc phục vấn đề này.

pho-ct-nguyen-khac-dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được xây dựng một cách nề nếp, phản ánh được nhiều tình hình mới, diễn biến mới. Các cơ quan đã thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có đổi mới, thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và các nội dung cần báo cáo với Quốc hội theo quy định của Luật Hoạt động giám sát và các luật có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã nêu tại phiên họp, tục hoàn chỉnh báo cáo, cập nhật đủ số liệu 12 tháng tính từ 1/1/2022 đến 30/9/2023 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ