Tình trạng khan hàng tại Việt Nam đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng cao

(Banker.vn) Giá cà phê Robusta bật tăng 2,71%, tạo đỉnh mới trong 30 năm, giá Arabica tăng thêm 1,38%, lên mức cao nhất trong ba tuần.
Giá cà phê xuất khẩu tăng 4 tuần liên tiếp, chạm mức giá cao nhất Giá cà phê xuất khẩu tăng khi dự báo nguồn cung từ Việt Nam giảm 20%

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch 27/3, giá cà phê Robusta bật tăng 2,71%, tạo đỉnh mới trong 30 năm, giá Arabica tăng thêm 1,38%, lên mức cao nhất trong ba tuần. Tình hình khan hàng tại Việt Nam tiếp tục đẩy giá Robusta tăng mạnh, kéo theo giá Arabica đi lên.

Tình hình khan hàng tại Việt Nam đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng cao
Giá cà phê Robusta bật tăng 2,71%, tạo đỉnh mới trong 30 năm

Như vậy, giá cà phê Robusta đã tăng mạnh đến hơn 3% tại sàn London. Đà tăng được hỗ trợ sau thông tin về các nguồn cung chủ chốt ở châu Á thông báo giảm mạnh.

Đà tăng được hỗ trợ sau khi Hiệp hội Cà phê - Cao cao Việt Nam (Vicofa) dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn do thời tiết khô hạn làm giảm năng suất và sản lượng cà phê.

Hiện khối lượng cà phê giao dịch khá cao cho thấy, nhu cầu là có thật, đồng nghĩa với xu hướng tăng vẫn thống trị thị trường và mốc giá lịch sử đang đến rất gần. Nguồn cung thấp trong khi nhu cầu cao có thể đẩy giá cà phê Robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 100.000 đồng/kg trong tuần này.

Tình hình khan hàng tại Việt Nam đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng cao
Xuất khẩu cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ giảm 20% so với niên vụ trước xuống còn 1,336 triệu tấn

Bên cạnh đó, trên thị trường quốc tế vẫn có thông tin nông dân và doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục “găm hàng” chờ giá tăng thêm. Điều này ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư, từ đó tạo hỗ trợ lên giá.

Về phía Arabica, bên cạnh lực kéo từ giá Robusta, tồn kho cà phê vẫn ở mức thấp tại các thị trường tiêu thụ chính đã góp phần hỗ trợ giá tăng.

Trong báo cáo kết phiên 26/3, tổng số Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE - US đạt 585.379 bao, giảm 21,72% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng cà phê đang lưu trữ tại đây liên tục được củng cố trong suốt 2 tháng qua, nhưng nhìn về dài hạn, con số này vẫn chưa thể thoát khỏi vùng thấp lịch sử.

Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), cho biết tồn kho cà phê tại các kho cảng tại Bỉ, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha trong tháng 2/2024 chỉ còn khoảng 6,7 triệu bao, giảm 2,5% so với hồi tháng 1/2024 và giảm tới 41% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng cà phê Robusta đã giảm hơn 54%; các loại cà phê khác như Arabica chế biến khô giảm 45,2% và Arabica chế biến ướt giảm 20%.

Tồn kho trên sàn những ngày này về hàng đều, nhưng không thể bù đắp lượng thiếu hụt. Tồn kho cà phê Robusta giảm xuống 6,7 triệu bao trong tháng 2/2024, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho gần như cạn kiệt khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn.

Trên thế giới, một số nhà bán lẻ đang thay thế cà phê Arabica bằng cà phê Robusta nhằm tránh giá bán lẻ tăng vọt. Nhu cầu ngày càng tăng đang thắt chặt nguồn cung Robusta, dẫn đến giá cao hơn.

Brazil vốn dẫn đầu về sản lượng và xuất khẩu Arabica, nhưng gần đây cũng muốn thống trị luôn thị phần của cà phê Robusta - nơi Việt Nam là số 1.

Brazil dự kiến đạt mức tăng sản lượng cà phê hàng năm lần thứ 3 trong năm 2024. Đây sẽ là chuỗi tăng sản lượng 3 năm liên tiếp hiếm hoi, chỉ xảy ra 7 lần trong lịch sử 144 năm của ngành cà phê.

Trong những năm gần đây, Brazil đã mở rộng diện tích cà phê Robusta, vốn được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm hòa tan. Mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và xu hướng tăng uống cà phê ở tầng lớp trung lưu của đất nước tỷ dân này càng làm cho vai trò của cà phê Brazil được nâng cao.

Một số khách hàng lớn đang hạn chế mua cà phê Robusta từ Việt Nam do chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng tăng cao trong bối cảnh biến động ở Biển Đỏ. Thay vào đó, họ tìm kiếm thêm nguồn cung từ Brazil.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục