Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023

(Banker.vn) Ngày 29/6/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì Họp báo.
Ngày 29/6/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì Họp báo.

Kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế - xã hội toàn cầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Cùng với đó, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kì năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kì năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (cơ cấu tương ứng của cùng kì năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%).

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kì năm 2022; tích lũy tài sản tăng 1,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kì năm trước. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định do tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kì khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 ước tính đạt 1,61% so với cùng kì năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kì năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kì năm trước (quý I giảm 0,8%; quý II tăng 1,61%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 1,18%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%; ngành cung cấp nước và xử lí rác thải, nước thải tăng 5,45%; ngành khai khoáng giảm 1,43%.
 
 
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Họp báo

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 giảm 2,2% so với cùng kì năm 2022. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước. Tỉ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1%.

Trong tháng 6/2023, cả nước có 13,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng kí là 138,7 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng kí 103,9 nghìn lao động, tăng 14,9% về số doanh nghiệp, tăng 33,7% về vốn đăng kí và tăng 39,2% về số lao động so với tháng 5/2023. So với cùng kì năm trước, tăng 4,8% về số doanh nghiệp, tăng 14,6% về số vốn đăng kí và tăng 34,7% về số lao động. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 707,5 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng kí gần 509,9 nghìn lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng kí và giảm 1% về số lao động so với cùng kì năm trước. Vốn đăng kí bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9,3 tỉ đồng, giảm 19,4% so với cùng kì năm 2022. Nếu tính cả 958,7 nghìn tỉ đồng vốn đăng kí tăng thêm của gần 25,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng kí bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1.666,1 nghìn tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kì năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kì năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp lên 113,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kì năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2% so với cùng kì năm trước; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục sôi động, duy trì tốc độ tăng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2023 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kì năm trước; vận chuyển hành khách tăng 1,8% và luân chuyển hành khách tăng 2,6% so với cùng kì năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 10,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 5,2% so với cùng kì năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2023 đạt 975 nghìn lượt người, tăng 6,4% so với tháng trước và gấp 4,1 lần cùng kì năm trước; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt gần 447,4 nghìn lượt người, gấp 2,1 lần cùng kì năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỉ đồng, tăng 10,9% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kì năm 2022 (quý II/2023 ước đạt 1.520,2 nghìn tỉ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kì năm trước).

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, tuy nhiên ở trong nước, tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 04 lần điều chỉnh giảm lãi suất để doanh nghiệp và người dân tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động bảo hiểm trong những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn nhưng đã lấy lại đà tăng trưởng; thị trường chứng khoán cũng có những tín hiệu tích cực trở lại.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 1.357,7 nghìn tỉ đồng, tăng 4,7% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2022 đạt 1.296,8 nghìn tỉ đồng, tăng 9,2%). Vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 12,6% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
 
Toàn cảnh buổi Họp báo
 
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 7,8% so với cùng kì năm trước. Chi ngân sách nhà nước tăng 12,9%, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lí nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỉ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kì năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỉ USD, giảm 15,2% so với cùng kì năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỉ USD.

Giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 6/2023 tăng 0,67% và so với cùng kì năm trước tăng 2%.

Lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Lao động có việc làm quý II/2023 tăng 691,4 nghìn người so với cùng kì năm trước; tỉ lệ thất nghiệp là 2,3%, giảm 0,02 điểm phần trăm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lao động có việc làm tăng 902 nghìn người so với cùng kì năm trước; tỉ lệ thất nghiệp là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm.

Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư, đời sống của hộ dân cư trong 6 tháng đầu năm 2023 được cải thiện đáng kể so với cùng kì năm 2022 khi tỉ lệ hộ dân cư đánh giá có thu nhập không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kì năm 2022 là 94%, tăng 15 điểm phần trăm so với kì báo cáo 6 tháng năm 2022. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.

NH
Theo: Tạp chí Ngân hàng