Tình cảm của Bác Hồ dành cho thương binh, liệt sỹ

(Banker.vn) Cứ đến ngày 27/7 - ngày Thương binh, liệt sĩ hàng năm, mỗi chúng ta lại nhớ về những người lính đã quên mình hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nhân dân và giữ gìn Tổ quốc, đồng thời cũng nhớ đến những tình cảm đặc biệt và tình thương yêu vô hạn Bác Hồ đã dành cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” sau đổi là “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Thuận Hoá, Hà Nội và một số địa phương khác. Bác Hồ là Hội trưởng danh dự của Hội. Chiều ngày 28/5/1946, Hội tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bác Hồ đã đến dự. Chiều ngày 17/11/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức một buổi lễ xung phong quyên góp quần áo, giầy mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Buổi lễ vinh dự được đón Bác Hồ và các thành viên trong Chính phủ tới dự, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét mình đang mặc để tặng binh sĩ.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946), chiến tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, bị hy sinh tăng lên, đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trước tình hình ấy, Đảng và Nhà nước đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ nhằm góp phần đảm bảo cuộc sống vật chất tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6/1947, Bác chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh toàn quốc và coi đó là dịp cho nhân dân cả nước tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Bác, một hội nghị trù bị được tổ chức tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại Hội nghị này đại biểu các cơ quan, ban ngành Trung ương, khu, tỉnh nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7 làm ngày Thương binh toàn quốc.

Ngày 27/7/1947, một cuộc mít-tinh quan trọng diễn ra tại Thái Nguyên với sự tham gia của khoảng 2.000 người. Tại đây, Ban Tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư có đoạn: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Bác Hồ thăm hỏi, động viên các chiến sĩ. Ảnh: tư liệu 

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu…

Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”1.

Đây là bức thư đầu tiên Bác Hồ viết nhân ngày Thương binh, liệt sĩ. Từ đó, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, Bác Hồ không chỉ có thư thăm hỏi mà còn gửi quà cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 3/10/1947, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh (tiền thân của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội ngày nay). Sắc lệnh này là cơ sở để thực hiện đồng bộ trên cả nước chế độ, chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với những người có công với cách mạng. Thương binh, gia đình liệt sĩ phần nào được động viên, chia sẻ và bớt đi những mất mát mà họ đã, đang phải trải qua.

Ngày 7/1/1947, Bác Hồ gửi thư chia buồn tới bác sĩ Vũ Đình Tụng, khi vừa biết tin con trai của bác sĩ là anh Vũ Chí Thành, tự vệ thành Hoàng Diệu hi sinh ngày 2/1/1947, trong trận chiến đấu chống trả cuộc tấn công của quân Pháp vào Hà Nội. Bác viết: “Tôi được báo cáo rằng: Con của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất đi một đoạn ruột. Những cháu và anh chị em khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên họ...”2

Bác sĩ Vũ Đình Tụng kể lại rằng khi đọc xong bức thư của Bác, ông vô cùng xúc động. Trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ bận trăm nghìn việc đại sự, thế mà Bác vẫn nghĩ đến một gia đình bé nhỏ có tang đau lòng. Rồi ông tự nhiên thấy sự hy sinh và đau lòng của gia đình ông trở thành nhỏ bé trong tình thương mênh mông và sự hy sinh to lớn của dân tộc, của Bác Hồ. 

Trải qua hàng chục năm chiến đấu cho lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra, hàng triệu đồng bào đã hy sinh cả cuộc đời mình, hàng chục vạn người đã cống hiến một phần thân thể của mình, những mất mát ấy không thể bù bắp được. Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, khi “máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”3, cho nên đối với “Những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng” và Người căn dặn “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại cho chúng ta”4.

Tháng 7/1951, Người phát động phong trào “Đón thương binh về làng” với nội dung cụ thể “Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tuỳ theo cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh…Với lòng hăng hái và cố gắng của đồng bào, với sự nỗ lực của cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương, tôi tin chắc rằng công việc đón anh em thương binh về làng sẽ có kết quả tốt đẹp”5.

Khi trở về Thủ đô sau chín năm kháng chiến, Người đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ. Trong diễn từ tại buổi lễ, Người đọc “Hỡi các liệt sĩ. Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ…Một nén hương thanh. Vài lời an ủi”7. Hàng năm cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ Bác lại gửi thư cùng một tháng lương của mình, kèm đó, khi thì một bữa ăn, khi thì một món quà (do đồng bào gửi biếu) để tặng anh em thương binh.

Những tình cảm và món quà của Bác thật giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh và cũng là nguồn cổ vũ tinh thần đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ.

Ông Nguyễn Trản, tức Vương Nhị Chi, người bị mất hai tay từ hôm thử vũ khí năm 1947 lúc phụ trách xưởng quân giới thô sơ tại Nam bộ, kể lại rằng khi tập kết ra Bắc, ông nhận nhiệm vụ ở Bộ Công nghiệp nặng. Nhân dịp Quốc khánh năm 1955, ông được mời dự buổi chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch. Ông đi bộ một mình đến sớm, chỉ thấy lác đác một số cán bộ chưa quen biết. Trong lúc chờ đợi, ông hỏi thăm lối tới phòng vệ sinh. Bước vào phòng vệ sinh một mình, ông loay hoay chưa biết tính sao thì bỗng nghe tiếng nói nhẹ nhàng từ phía sau lưng mình: “Chú làm sao cởi được khuy?”. Ông lúng túng không biết trả lời thế nào cho tiện, thì Bác Hồ đã bước tới cởi khuy giúp. Rồi Bác đứng tránh sang một bên, chờ xong, Bác lại đến cài khuy giùm. Bác và ông cùng đi về phòng lễ tân; Bác trách các cán bộ đón tiếp đại biểu: “Người ta mất cả hai cánh tay, mà không ai đi theo giúp đỡ...”7.

Bà Trần Thị Lý (tên thật là Trần Thị Nhâm) là một nhà hoạt động cách mạng, là nữ tù chính trị dưới các nhà tù Pháp - Mỹ và Bà được xem là một nữ chiến sĩ cách mạng vô cùng trung kiên, gan dạ, dũng cảm, vì đã từng chịu nhiều cực hình, tra tấn dã man mà vẫn bất khuất, không khai báo, không khuất phục. Bà vinh dự nhiều lần được gặp Bác, nhắc đến tình cảm của Bác dành cho, bà thường bùi ngùi nhớ lại: “Mỗi lần vào thăm Bác, Bác thường cho tôi ăn cháo đậu xanh vì tôi không ăn được cơm. Lần nào, Bác cũng thấy tôi ăn ít quá, nhìn tôi, Bác lo lắng, thương xót, và nói:

- Cháu ăn ít quá, phải cố gắng ăn nhiều hơn. Cháu còn xanh quá, cháu cố gắng ăn nhiều cho chóng khoẻ!

Những bữa cơm của Bác thật thanh đạm, giản dị như bữa cơm của bao gia đình chúng ta.

Nhiều lúc, Bác dắt tôi đi chơi trong vườn Phủ Chủ tịch. Bác không đưa tôi đi trên sỏi vì Bác biết chân tôi đi dẫm trên sỏi thì ảnh hưởng đến vết thương trên đầu. Bác chỉ cho tôi những cây dừa, cây bưởi, cây cam Bác trồng…

Tình thương của Bác đối với tôi thật không bờ bến. Tôi hiểu rằng Bác dành tình thương đó không chỉ riêng cho tôi mà toàn thể phụ nữ, thanh niên và đồng bào miền Nam gian khổ đi trước về sau…”8.

Tết năm 1955, Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt, Người tặng cho anh em một chiếc áo mà đồng bào miền Nam gửi tặng Người. Chính trong dịp này, Người đã nói “Thương binh tàn nhưng không phế”, câu nói thật đơn giản, sâu sắc nhưng khuyến khích tinh thần lạc quan…. Cho đến trọn đời, trước lúc đi xa Bác Hồ còn viết trong Di chúc để dặn dò những người ở lại “Việc quan trọng sau chỉnh đốn Đảng là phải chăm lo đối với những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh một phần xương máu và những người đã trở thành liệt sĩ cùng thân nhân của họ quyết không để họ đói rét”.

Kể từ Ngày Thương binh liệt sĩ đầu tiên ấy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hôm nay vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người và gia đình có công với nước, phấn đấu thực hiện những mục tiêu nhiệm vụ về công tác thương binh liệt sỹ và người có công đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) là nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần, đến năm 2015, cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đó cũng là điều mong ước của Bác trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh (tháng 7/1951) là làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ được “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”9.

Chú thích:

1. HCM toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN. 1995, t.4, tr.175.

2. 117 Chuyện kể về Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - NXB CTQG

3. Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, HN. 1962, t.6, tr.7.

4. Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, HN. 1962, t.6, tr.7.

5. Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, HN. 1960, xuất bản lần 2, t.2, tr.100.

6. HCM toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, HN. 1996, tr. 427.

7. 117 Chuyện kể về Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - NXB CTQG.

8. Nước non bừng sáng, NXB Phụ nữ, Hà nội 1975.

9. Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, HN. 1960, xuất bản lần 2, t.2, tr.100.

Hoàng Quỳnh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ