Tín hiệu tích cực về nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu phục hồi

(Banker.vn) Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, kết thúc tuần giao dịch 26/2 - 3/3, giá cà phê Arabica lấy lại 1,66% và giá cà phê Robsuta tăng 3,73% so với tham chiếu.
Sức ép tồn kho tăng lên, giá cà phê xuất khẩu tiếp tục đi xuống Giá cà phê xuất khẩu đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới 43%

Những tín hiệu tích cực về nguồn cung Arabica xuất hiện nhiều hơn khiến giá có mức tăng nhẹ hơn so với Robusta.

Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng 36.390 bao trong tuần qua, đưa tổng số cà phê đã qua chứng nhận lên gần 360.550 bao, là mức cao nhất trong 4 tháng. Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu cà phê tiếp tục thể hiện sự vượt trội so với cùng kỳ năm 2023. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết khối lượng cà phê hạt Arabica xuất đi trong tháng 2 tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, với 2,97 triệu bao.

TÍn hiệu tích cực về nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu phục hồi sau hai tuần giảm
Giá cà phê Arabica lấy lại 1,66% và giá cà phê Robsuta tăng 3,73% so với tham chiếu.

Với Robusta, lo ngại rủi ro nguồn cung vẫn còn tiềm ẩn khi tồn kho đang bấp bênh tại mức thấp lịch sử. Trong báo cáo kết phiên 29/2, lượng Robusta đang lưu trữ giảm 240 tấn, về còn 24.190 tấn.

Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta.

Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam.

Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam.

Nguồn cung Robusta toàn cầu vẫn còn bị ách tắc và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính vẫn còn hiện tượng kháng giá. Cùng với đó, việc EU quy định cà phê là mặt hàng phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá, bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu này. Do đó, cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, ngành cà phê thế giới đã qua thời kỳ cà phê giá rẻ. Việc tăng giá như hiện nay là lẽ công bằng và mới có thể giữ người nông dân ở lại với cây cà phê. Ông cho rằng, sau đợt sốt giá này, giá cà phê có thể tăng hoặc giảm nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa qua.

Giá cà phê liên tục tăng từ trước đó nên đến thời điểm này, khoảng 70% nông dân trồng cà phê đã bán hết, còn 30% chưa bán do khả năng tài chính của họ đủ để trang trải các chi phí.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê trong tháng 2/2024 chỉ đạt 160 ngàn tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên các hoạt động thương mại chậm lại. Điều này đã hỗ trợ giá kỳ hạn sàn London hồi phục mạnh 2 ngày qua.

TÍn hiệu tích cực về nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu phục hồi sau hai tuần giảm
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng đầu năm 2024 đạt 3.050 USD/tấn

Tại Việt Nam, cà phê có kim ngạch xuất khẩu cao thứ ba trong nông nghiệp, sau nhóm hàng gỗ và thủy sản. Châu Âu là thị trường nhập nhiều cà phê Việt Nam nhất, với 29% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Indonesia...

Hiện, niên vụ 2022-2023 đã kết thúc và hàng trong dân gần cạn. Do đó, giá sẽ đắt thêm khi sức mua tăng. Dự báo xuất khẩu cà phê năm nay có thể đạt 4,5-5 tỷ USD.

Một trong những điểm sáng của thị trường cà phê đầu năm 2024 là có sự bứt phá về giá. Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng đầu năm 2024 đạt 3.050 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cà phê tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thế giới cao và nguồn cung hạn chế. Đây là cơ hội lớn cho cà phê Việt. Để xuất khẩu bền vững, ngành cà phê cần tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến sâu, tạo thương hiệu lớn mạnh cho cà phê Việt trên thị trường thế giới.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương