Tín hiệu tích cực từ thu nhập ngoài lãi
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn;... Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp. Với sự nỗ lực đó, những năm gần đây, Chính phủ luôn ghi nhận, ngân hàng là ngành dẫn đầu cả nước trong chuyển đổi số hoạt động.
Những kết quả này đã được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về chuyển đổi số. Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm.
Hơn thế nữa, kết quả kinh doanh của các ngân hàng cũng đang được hưởng “trái ngọt” từ hành trình chuyển đổi số này, thể hiện qua nguồn thu ngoài lãi đang tăng trưởng khá nhanh. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng gần đây cũng đang minh chứng cho điều đó.
Cụ thể, thống kê kết quả kinh doanh từ 29 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận kết quả khởi sắc khi tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 161.600 tỷ đồng. Để đạt được kết quả tích cực này, bên cạnh những đóng góp từ tín dụng khởi sắc, thì nguồn thu ngoài lãi tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của hoạt động ngân hàng nửa đầu năm 2024.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 được Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho thấy, nguồn thu ngoài lãi đạt những kết quả tích cực, có thể kể đến như: Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 1.792 tỷ đồng, tăng 199,0% so với cùng kỳ năm. Nếu chỉ tính riêng trong quý II/2024, phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt kỷ lục 1.000 tỷ đồng, cao hơn mức thu nhập của giai đoạn 2021 - 6 tháng đầu năm 2022, trước khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều thách thức; thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 384,5 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước; Techcombank cũng ghi nhận 1.420 tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác, với mức tăng trưởng cao 33,8% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ lãi từ hoạt động kinh doanh trái phiếu… Những kết quả này có đóng góp quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực từ hoạt động thu nhập ngoài lãi. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2024, thu nhập ngoài lãi của VIB đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và đóng góp vào 22% tổng doanh thu. Đáng chú ý thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro (write off recovery) đóng góp 500 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ, hoạt động ngoại hối cũng đóng góp mức tăng 330 tỷ đồng. Thu nhập từ phí tăng 9%, với 2 sản phẩm chính là Thẻ tín dụng và Bảo hiểm, trong đó: thẻ tín dụng vượt mốc 750.000 thẻ lưu hành; chi tiêu thẻ tín dụng đạt kỷ lục mới, đạt gần 2,4 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm, tăng 42% với cùng kỳ.
Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), bên cạnh sự tăng trưởng của thu nhập lãi thuần, thu nhập từ dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng chứng kiến đà tăng khả quan khi đạt gần 1.700 tỷ đồng, nhờ sự đa dạng hóa dịch vụ, cũng như sự tăng trưởng về quy mô hoạt động. Đáng chú ý, mảng kinh doanh giấy tờ có giá mang về lợi nhuận đáng kể khi kết thúc quý II, thu nhập từ mảng này tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho thấy, lãi trước thuế đạt hơn 2.560 tỷ đồng sau 6 tháng năm 2024, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước nhờ gia tăng các nguồn thu nhập ngoài lãi. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 6% so với cùng kỳ lên mức 3.568 tỷ đồng. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng, góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng. Riêng đối với thu thuần dịch vụ, tăng trưởng 4% đạt 374 tỷ đồng đến từ thẻ và dịch vụ quản lý tài khoản. Chỉ tính riêng sản phẩm thẻ, doanh số giao dịch thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế tăng 142% so với cùng kỳ 2022.
Trên đây là một số ví dụ minh chứng cho sự tăng tốc của thu nhập ngoài lãi trong kết quả kinh doanh chung của ngân hàng. Với những kết quả đạt được, giới chuyên môn kỳ vọng thu nhập ngoài lãi sẽ khởi sắc hơn nữa trong nửa cuối năm 2024, khi hoạt động Bancassurance được dự báo phục hồi. Trong báo cáo ngành Ngân vừa công bố, các chuyên gia CTCK VPBankS kỳ vọng Thông tư 34/2024/TT-NHNN cho phép ngân hàng bán chéo sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) sẽ giúp tháo gỡ cho thị trường bảo hiểm và do đó, thu nhập phí từ Bancassurance sẽ phục hồi. Ngoài ra, thu nhập từ xử lý nợ xấu cũng được kỳ vọng tích cực hơn so với cùng kỳ sẽ đóng góp thêm vào thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng.
Để thu nhập ngoài lãi bền vững hơn
Trong bối cảnh, hoạt động tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro, giới chuyên môn cho rằng, việc việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu rủi ro, qua đó sẽ tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn. Đây cũng là xu hướng mà các ngân hàng đang hướng tới.
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế - tài chính, PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính nhận định, so với giai đoạn trước, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng đã có sự cải thiện tích cực và khá đa dạng, như: Tài trợ thương mại, dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại hối, đầu tư trái phiếu chính phủ, mua bán chứng khoán đầu tư... Trong bối cảnh, tín dụng tăng trưởng chậm như thời gian qua, thu ngoài lãi là “cứu cánh” cho các ngân hàng. Nhờ thu ngoài lãi tích cực nên nhiều ngân hàng đã duy trì được kết quả kinh doanh ổn định.
Thực tế cho thấy, mỗi ngân hàng có một chiến lược khác nhau về tăng thu nhập ngoài lãi, do đó, để gia tăng nguồn thu này bền vững hơn, PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi ngân hàng cần xác định nhóm khách hàng mục tiêu mà mình hướng tới, từ đó “may đo” các dịch vụ, sản phẩm theo đúng đặc điểm của khách hàng. Hơn hết, mỗi ngân hàng cần trở thành một trung tâm cung cấp tất cả các dịch vụ tài chính cần thiết. Với nguồn dữ liệu khách hàng lớn, các ngân hàng có thể tận dụng để phát triển các dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu từng phân khúc khách hàng. Đây hứa hẹn sẽ mang lại nguồn doanh thu khổng lồ.
Diễn biến thị trường cho thấy, ngành Ngân hàng đang có nhiều yếu tố thuận lợi để gia tăng thu ngoài lãi như sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng lên, kết hợp với niềm tin của dân chúng vào hệ thống NHTM Việt Nam ngày càng nâng cao, hoạt động TTKDTM trong nền kinh tế cũng có những bước tiến vượt bậc… Tuy nhiên, để nguồn thu nhập ngoài lãi bền vững hơn, PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các ngân hàng thúc đẩy mở rộng nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, nhất là dịch vụ ngân hàng số… Từ đó, giúp các ngân hàng đa dạng nguồn thu theo hướng bền vững.
Đoàn Hằng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|