Tín hiệu khởi sắc của các doanh nghiệp trong tình hình “bình thường mới”

(Banker.vn) “Bình thường mới” đề cập tới những thay đổi của kinh tế - xã hội Việt Nam sau đại dịch, cụ thể đối với các doanh nghiệp là trạng thái mà tại đó con người vừa đảm bảo tập trung chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển lại nền kinh tế như thời kỳ trước khi dịch bệnh xảy ra. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nhiều chỉ số kinh tế của doanh nghiệp nước ta trong những tháng đầu năm 2022 đã cho thấy những khởi sắc rõ nét.

Cụ thể, trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77,1 nghìn lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động.

Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 1/2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong tháng 1 cao nhất từ trước đến nay. 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2022 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%, đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,6%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm.

Về hoạt động đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết, đầu tư trong tháng 1 tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2022, các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4,8% so với kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2022 đạt mức khá (1,61 tỷ USD), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2022 là 536.141 tỷ đồng (tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 192.365 tỷ đồng (tăng 24,0% so với cùng kỳ năm 2021). Có 5.556 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong tháng 01/2022 (tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2021), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 343.776 tỷ đồng (tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2021). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 01/2022 đạt 14,8 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Về du lịch, Công ty du lịch Vinpearl với 45 cơ sở khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí, sân golf... trên toàn quốc, áp dụng các quy trình nghiêm ngặt để sẵn sàng đón khách. Đại diện Vinpearl cho hay 100% nhân viên trực tiếp phục vụ du khách hoàn thành việc tiêm vắc xin theo lộ trình trên toàn quốc. Bên cạnh tuân thủ hướng dẫn trong kế hoạch triển khai đón khách của các địa phương và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Vinpearl còn đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn nâng cao.

Về phía công ty lữ hành, Viettravel đã mở lại hơn 30 văn phòng sau hơn 4 tháng. Bên cạnh đó, công ty tập trung vào nhóm sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh đến các vùng xanh như tour Cần Giờ (1-2 ngày), staycation, Vũng Tàu, Tây Ninh, tour đón người Việt về nước hay các chuyên gia đến Việt Nam làm việc...

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2021 cho thấy: Có 44% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý III/2021; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất sẽ ổn định.

Việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội nước ta vẫn duy trì tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt và hiệu quả công tác phòng, chống dịch; nhanh chóng triển khai Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc xin, tiêm phòng miễn phí cho người dân nhằm đạt mục tiêu kinh tế – xã hội cao nhất có thể. Do đó, nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

"Trạng thái bình thường mới" đã, đang và sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế, hệ thống xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới hoạch định, chỉ đạo, điều hành và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội mang tính hệ thống, đồng bộ.

Tài liệu tham khảo

- BBT. (2021a). TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19 ĐẾN TĂNG TRƯỞNG CÁC KHU VỰC KINH TẾ QUÝ III NĂM 2021. Tổng Cục Thống Kê.

- BBT. (2021b). Thông cáo báo chí - Doanh nghiệp. Tổng Cục Thống Kê.

- BBT. (2021c). THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI QUÝ IV VÀ NĂM 2021. Tổng Cục Thống Kê.

- Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, B. K. hoạch và Đ. tư. (2021). Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

- Đỗ Văn Quân. (2021). Thích ứng với “trạng thái bình thường mới” trong phòng, chống dịch COVID-19. Tạp Chí Ban Tuyên Giáo Trung Ương.

- Hồng Kiều. (2021). Hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong COVID-19: Chính sách mới trong trạng thái bình thường mới. Xây Dựng Đảng.

- La, V. P. et al. (2020). Policy response, social media and science journalism for the sustainability of the public health system amid the COVID-19 outbreak: The vietnam lessons. Sustainability (Switzerland), 12(7). https://doi.org/10.3390/su12072931

- Lan Hương, H. N. (2021). Một tháng hồi sinh của du lịch Việt Nam. VNExpress.

- Nguyễn Minh Phong. (2021). Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19. Báo Điện Tử Chính Phủ.

- Phúc Minh. (2010). WEF: Đi tìm “trạng thái bình thường mới” của kinh tế toàn cầu. Kinh Tế Sài Gòn Online.

- Thu Dịu. (2021). Các chính sách hỗ trợ về thuế từng bước vực dậy doanh nghiệp sau dịch. Tạp Chí Tài Chính.

Minh Ngọc

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục