Tín dụng xanh dần được “cởi trói”

(Banker.vn) Nhiều nội dung liên quan đến ngân hàng xanh vừa được sửa đổi, bổ sung được xem là bước ngoặt từng bước gỡ rào cản, “cởi trói” cho tín dụng xanh.
Khơi nguồn vốn tín dụng xanh góp phần “xanh hóa” dòng vốn đầu tư Ngân hàng cần cơ chế và nguồn lực để thực hành ESG MB được vinh danh ‘Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2024’

Trụ cột quan trọng thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

Ngân hàng xanh là một trong những trụ cột, nguồn lực quan trọng để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế xanh của quốc gia. Nếu những năm 2012, ngân hàng xanh là còn là câu chuyện mới với các ngân hàng thì đến nay, ngân hàng xanh đã trở thành định hướng chiến lược bền vững của mỗi một tổ chức tín dụng, chứ không chỉ là “mô hình” hay chỉ một mảng, một phần hoạt động.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 7 năm qua (2017 - 2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Tính đến ngày 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt gần 640.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các ngành: Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Đáng chú ý, đã có 34 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội, với dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế và tăng hơn 20% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, có đến 47,4% ngân hàng thương mại đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 90% các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường với một phần hoặc toàn bộ khoản vay.

Tín dụng xanh dần được “cởi trói”
Năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm gần 45% dư nợ tín dụng xanh. Ảnh: MH

Dù đã đạt được kết quả khả qua, tuy nhiên, hoạt động cấp tín dụng xanh và phát triển xanh vẫn còn một số rào cản. Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, đến nay, việc xây dựng một danh mục cụ thể các lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên hỗ trợ, cũng như cần hạn chế trong chiến lược phát triển ngân hàng xanh để các ngân hàng thương mại làm căn cứ trong quá trình cấp tín dụng cho các dự án vẫn chưa có; hay làm căn cứ để có chế tài xử phạt đối với các tổ chức tín dụng cho vay các dự án có tính tác động tiêu cực tới môi trường xã hội... vẫn chưa được thống nhất.

Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng; đồng thời phát sinh thêm chi phí cho các tổ chức tín dụng phải đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng cường năng lực chuyên môn cán bộ ngân hàng về tài trợ dự án xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

“Nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia rất lớn, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ carbon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng” - bà Tùng cho hay.

Tín dụng xanh dần được “cởi trói”
Việt Nam cần huy động khoảng 368 - 380 tỷ USD để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

Khơi dòng tài chính xanh

Từng bước gỡ “rào cản” để “cởi trói” cho tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững. Mới đây nhất phải kể đến Quyết định 1663/QĐ-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Quyết định vừa ban hành có những nội dung bổ sung, chỉnh sửa liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, đơn vị có liên quan. Trong đó, những chỉnh sửa bổ sung liên quan đến tổ chức tín dụng và định hướng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh để phát triển dự án xanh là những chỉnh sửa bổ sung cần thiết và ý nghĩa.

Theo đó, nội dung sửa đổi điểm c khoản 2 Mục I Điều 1 không thay đổi nhiều so với đề án cũ, song điều chỉnh nhỏ có tính câu chữ: Từ “các ngân hàng” thành “các tổ chức tín dụng” lại chứa đựng nội hàm mang tính toàn diện về mặt chính sách và định hướng chính sách.

Ý nghĩa này phản ánh trên một số phương diện chính: Yêu cầu phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại mà là nhiệm vụ của tất cả các tổ chức tín dụng, bao gồm cả các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như: công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính và các quỹ tín dụng nhân dân… Định vị như vậy sẽ là cơ sở quan trọng để toàn ngành ngân hàng thực hiện tốt đề án, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển ngân hàng xanh, kinh tế xanh trong thời gian tới.

Điều chỉnh này có ý nghĩa toàn diện mang lại nhận thức đầy đủ trách nhiệm từ tất cả các tổ chức tín dụng về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Từ đó không chỉ nâng cao tinh thần chủ động trong phát triển hoạt động này mà còn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là thông tin tuyên truyền trong nội bộ của hệ thống từng tổ chức tín dụng, giúp cán bộ nhân viên tại đơn vị và toàn ngành nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của đề án, của hoạt động tín dụng xanh, từ đó không chỉ thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ này mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ “xanh hóa ngân hàng” tại tổ chức tín dụng.

Đồng thời, định vị trách nhiệm và hành động thực thi trong các tổ chức tín dụng. Theo đó, với chỉ tiêu định hướng như: 100% các tổ chức tín dụng đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp tín dụng; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Những mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, khi thực hiện tốt, sẽ là cơ sở nền tảng về nghiệp vụ, về quy trình mang tính quản lý, quản trị có ý nghĩa lớn trong phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Đây chính là cơ sở và điểm khởi đầu để thực hiện hoạt động tín dụng xanh, mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh của mỗi tổ chức tín dụng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2022 hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đại diện các ngân hàng, quy chế cho vay và những quy định, hướng dẫn có liên quan về tín dụng xanh trong Thông tư này, cùng với xu hướng phát triển nhanh của một số ngành lĩnh vực: năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao…, các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động của doanh nghiệp… sẽ là những yếu tố thúc đẩy mở rộng tăng trưởng tín dụng xanh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa vào nhiều chương trình tín dụng, cũng như ban hành nhiều văn bản liên quan như: Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là xu hướng phát triển tất yếu nhằm phù hợp với xu hướng thời đại khi các nền kinh tế, các doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều sẽ và phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất xanh; sản phẩm xanh…

“Những điều chỉnh của ngành Ngân hàng là rất cần thiết, kịp thời và việc thực hiện Quyết định vừa ban hành về những sửa đổi, bổ sung cho Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam sẽ có ý nghĩa định hướng và chiến lược rất quan trọng cho giai đoạn tới của ngành, cần được các tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện”, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - khẳng định.

Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 như đã cam kết tại các Hội nghị COP 26, 27 và 28, Việt Nam cần huy động khoảng 368 - 380 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP hàng năm cho đến năm 2040. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc phát triển kinh tế xanh, tài chính xanh đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực quan trọng.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục