Tín dụng thoát tăng trưởng âm

(Banker.vn) Sau 2 tháng tăng trưởng âm so với cuối năm 2023, tín dụng trong tháng 3 đã tăng 0,98%, “cân” được tăng trưởng dương cả quý 1/2023.
Ngân hàng đẩy hàng trăm nghìn tỉ đồng vốn vay mong tín dụng thoát tăng trưởng âm Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay nhiều giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng: Dòng vốn tín dụng chỉ là bổ sung giúp doanh nghiệp vượt khó

Tiền bắt đầu chảy mạnh hơn vào nền kinh tế khi đồng loạt các giải pháp tăng trưởng tín dụng, kích cầu đầu tư, tiêu dùng được Chính phủ đưa ra và yêu cầu các bộ, ngành thực hiện.

Sau 2 tháng tăng trưởng âm so với cuối năm 2023, tín dụng trong tháng 3 đã tăng 0,98%, “cân” được tăng trưởng dương cả quý 1/2023 với mức tăng nhẹ là 0,26%.

Tín dụng thoát tăng trưởng âm
Tín dụng đã thoát tăng trưởng âm khi tháng 3/2024 có mức tăng là 0,98%

Thông tin tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia vừa diễn ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD. Tín dụng đã phục hồi trong tháng 3. Tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%). Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn Thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...

Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cho biết, cán cân thanh toán thặng dư năm 2023 và dự kiến cân bằng trong quý I/2024.

Thực tế, các ngân hàng thương mại đã liên tục đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng có những khoản vay cũ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và để tín dụng tăng trưởng tốt hơn.

Nhận định về nhu cầu tín dụng trong những tháng tới đây, TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện cầu vốn của khách hàng cá nhân vẫn tương đối ổn định, nhất là cầu vốn mua nhà luôn tăng, song do kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nên tín dụng ở phân khúc này khó kỳ vọng tăng cao trong năm nay. Đối với doanh nghiệp, hiện lĩnh vực xuất khẩu cũng dần hồi phục và tăng trưởng, nên cầu vốn cũng sẽ trở lại, nhất là vào những quý còn lại của năm.

Quý 2 được dự báo là thời điểm nguồn tín dụng có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét, lãi suất huy động và cho vay đều giảm sẽ giúp nguồn tiền nhàn rỗi được tập trung nhiều hơn cho nền kinh tế thông qua kênh bất động sản, tiêu dùng… Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất hấp dẫn. Đơn cử như như Agribank vừa công bố dành 8.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để cho vay tới khách hàng thuộc lĩnh vực lâm sản, thủy sản, từ nay đến 30/6/2023. Theo Lãnh đạo ngân hàng này, pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản (lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản) và thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản) sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ.

Hay tại VIB đang triển khai cho vay khách hàng cá nhân mua căn hộ chung cư từ 5,9%/năm. Với 4 lựa chọn lãi suất cố định từ 5,9%/năm, biên độ sau ưu đãi là 2,8%, khách hàng không cần trả gốc đến 5 năm. Sau thời gian này, khách hàng có thể linh hoạt trả gốc định kỳ đến 6 tháng/lần.

Một ngân hàng khác là Sacombank đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng lãi suất chỉ 3%/năm đối với các khoản vay có thời hạn 3 tháng được giải ngân trong thời gian hiệu lực của chương trình. Còn tại LPBank chương trình "Cho vay siêu tốc – Bứt tốc kinh doanh" đang triển khai có mức lãi suất cho vay từ 6,5%/năm, linh hoạt thời gian vay vốn lên đến 12 tháng đối với các khoản vay bổ sung vốn lưu động và lên đến 84 tháng đối với các khoản vay đầu tư tài sản cố định, vay mua xe ô tô…

Phân tích các yếu tố để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân trong những tháng tới, Chuyên gia kinh tế- TS. Cấn Văn Lực cho rằng: cả doanh nghiệp và ngân hàng đều cần thay đổi. Cụ thể, doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch thông tin theo đúng cam kết, hồ sơ phát hành trái phiếu hoặc vay vốn; giải quyết đúng và đủ các cam kết trả nợ; xây dựng lộ trình niêm yết, áp dụng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp phù hợp.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn, tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng mà nên quan tâm hơn đến cả phương thức thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng...; tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá, lừa đảo, an ninh mạng. “Doanh nghiệp cũng cần tính cả bài toán dài hơi hơn như chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong phát triển, quản lý, vận hành hoạt động DN; đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao và đẩy mạnh xanh hóa, phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay và trong thời gian tới”- ông Lực nêu quan điểm.

Về phía các ngân hàng, theo TS. Cấn Văn Lực, cần nhất quán, đồng bộ tiết giảm chi phí, cân đối chi phí huy động vốn, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, Thông tư 06 và Thông tư 10 về hoạt động cho vay của các TCTD. Ngoài ra cần triển khai hiệu quả các gói tín dụng đã đề ra, thúc đẩy tăng trưởng đều tín dụng từ đầu năm, không quá dồn vào các tháng cuối năm; tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng về việc công bố lãi suất cho vay bình quân tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024. Đồng thời, rà soát, linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng (gồm cả việc xem xét, chấp nhận tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, đơn hàng, hợp đồng thi công...). Bên cạnh đó, xem xét tinh giản quy trình, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tín dụng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt.

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương